Ngày 21/6, nhà báo xúc động kể chuyện tác nghiệp ở Trường Sa

21/06/2011 00:29
(GDVN) - Đối với nhiều tay bút, được đặt chân tới Trường Sa, phần đất máu thịt linh thiêng của Tổ quốc là một điều khao khát và vinh dự.
(GDVN) - Đối với nhiều tay bút, được đặt chân tới Trường Sa, phần đất máu thịt linh thiêng của Tổ quốc là một điều khao khát và vinh dự. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, xin được gửi tới Quý độc giả bài viết về những cảm xúc thiêng liêng của nhiều nhà báo đã từng đặt chân đến quần đảo tiền tiêu của Tổ Quốc.
{iarelatednews articleid='5240,4873,4552,4263,4069,3588'}
Phóng viên Hồ Sỹ Lực (Nông thôn ngày nay): Cuộc đời ý nghĩa hơn khi đặt chân tới Trường Sa
Tôi được vinh dự đặt chân tới Trường Sa cuối năm 2008 để cùng triển khai kế hoạch thay quân ngoài đảo để đón Tết. Khác với những ngày giữa năm, biển mùa này rất động, có khi giật tới cấp 5 thậm chí là cấp 9. Một người thường xuyên rong ruổi trên tàu xe như tôi còn phải “choáng” nên không trách được những chàng lính mới, lính “phố” khốn đốn vì say sóng. Nhiều trường hợp phải nằm bệt tới 3 – 4 ngày mới tình táo trở lại.
Người ta vẫn nghĩ rằng, người dân Trường Sa chỉ thiếu rau và nước còn lại họ ăn cá nhiều như cơm. Nhưng sự thực không phải thế! Đánh bắt được một mẻ cá là điều rất khó khăn và đòi hỏi bỏ ra nhiều công sức. Vì vậy, nhìn vào cách ăn uống của họ, có thể thấy được sự trân trọng đối với từng giọt mồ hôi đã bỏ xuống. 
Nhà báo Hồ Sỹ Lực trên một ngọn hải đăng tại quần đảo Trường Sa
Nhà báo Hồ Sỹ Lực đứng bên ngọn hải đăng tại đảo Song Tử Tây
Những ngày cuối trên đảo, thức ăn trở nên vô cùng khan hiếm. Những con cá có khi đã bốc mùi. Thế nhưng, những người lính đảo ăn được thì chúng tôi cũng ăn được. 
Chúng tôi luôn phải xác định: “Không được phép kêu khổ”. Bởi có đến đây, có trải nghiệm cùng dân quân nơi đây mới biết được họ cần sự động viên tinh thần lớn như thế nào. Đôi lúc, nhà báo phải trở thành những người nghệ sĩ bất đắc dĩ… Chúng tôi cùng lính biển “nghêu ngao” câu hát để sẻ chia và làm vơi đi nỗi nhớ nhà. Nỗi nhớ nao lòng đến kỳ lạ: nhớ bát canh dưa cà mẹ vẫn nấu, nhớ cái nắm tay, đến câu hỏi thăm của vợ con, nhớ cả tiếng động cơ xe máy, tiếng người huyên náo giữa phố phường đông đúc.
Dù chỉ vỏn vẹn hơn 30 ngay đó thôi, mà nỗi nhớ trong chúng tôi đã cồn cào đến nao lòng. Nhưng những chiến sĩ nơi đây, họ sống với nỗi cô đơn như những người bạn tri kỷ, suốt bao năm, qua bao mùa giông bão. 
Ai đó đã từng nói “Cuộc đời ý nghĩa hơn khi đặt chân đến Trường Sa”, quả không sai. Lần đầu tiên tôi được nếm trải những khó khăn chưa từng có, nhưng đó cũng là lần đầu tiên tôi được  biết tới những điều thú vị bất ngờ mà không thể có ở đất liên. Bạn sẽ phải choáng ngợp bởi vẻ đẹp của khu vực san hô ở bãi đảo chìm mà những chương trình truyền hình không thể nào lột tả hết được”.
Phóng viên Dương Hiệp (Hà Nội mới): Đã dấn thân thì không còn sợ
“Có lẽ, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đường làm báo của tôi là chuyến đi 33 ngày trên biển. Trước khi đặt chân tới Trường Sa, tôi đã không hình dung hết được những khó khăn mà dân, quân nơi đây gặp phải. Từ rau xanh đến đồ dùng sinh hoạt của cán bộ chỉ huy lẫn chiến sĩ… tất cả đều rất thiếu thốn, đặc biệt là nước. Ban đầu, anh em không biết nên khi được các chiến sĩ dẫn lên đảo tắm, tất cả đều “vô tư” dội nước “ùm ùm”. Sau này mới “té” ra, đó là nguồn nước dự trữ chiến đấu, vì thương phóng viên lặn lội từ xa nên các chiến sĩ đã cố gắng tạo điều kiện. Biết được chuyện, anh em phóng viên cảm thấy rất áy náy, bèn “nhịn” tắm luôn mấy ngày chứ không nỡ dùng!
Nhà báo Dương Hiệp nói chuyện với người dân tại quần đảo Trường Sa
Nhà báo Dương Hiệp nói chuyện với người dân tại quần đảo Trường Sa
Trên đảo thời điểm đó, mạng Internet và Internet không dây đều chưa có. Vì vậy, để có những bài viết kịp thời tới công chúng độc giả, nửa đêm phóng viên phải lọ mọ leo lên vọng gác, điện thoại về tòa soạn để đồng nghiệp ghi âm rồi đánh máy lại. Hình ảnh của bài thì phải dùng tạm những tư liệu cũ. Thậm chí, sóng điện thoại cũng hết sức chập chờn. Chỉ cần có thêm một người khác lên vọng, ngay lập tức máy sẽ mất tín hiệu và phải mất công đọc lại từ đầu.
Câu chuyện ấy tới nay cũng đã hơn một năm, Trường Sa cũng đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn chồng chất, đặc biệt ở thời điểm “dậy sóng” này. Tôi đang hồi hộp đợi ngày trở lại vào tháng tới để tiếp tục được sát cánh cùng Trường Sa. Nhiều người bạn hỏi tôi có sợ khó, sợ khổ không? Tôi chỉ biết đáp lại rằng: Với nghề báo, đã dấn thân thì không còn sợ nữa!
Phóng viên Thế Dũng (Người lao động): Tôi đang “xếp hàng” để trở lại Trường Sa
Bất cứ một công dân nào của Việt Nam trong đó có những người làm báo đều mơ ước, khát khao được đặt chân tới Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc. Nếu ai đã từng ra đây một lần thì sẽ mong muốn được trở lại nhiều hơn bởi mỗi chuyến đi bao giờ cũng đầy ắp kỷ niệm và những câu chuyện đậm tình người, tình yêu đất nước. 
Bản thân tôi luôn cảm thấy rất tự hào vì mình đã có một chuyến đi biển kéo dài hơn một tháng vào cuối năm 2010, đầu năm 2011 (những chuyến đi thông thường chỉ kéo dài 10 – 20 ngày). Có vô vàn những câu chuyện lớn nhỏ đã đọng lại trong tôi, không chỉ thời điểm này mà còn mãi về sau. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là con thuyền của chúng tôi được đảm nhận trọng trách chuyển quân xuống đảo, gồm hai đảo nổi là Đá Nam và Đá Thị; năm đảo chìm là Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Vào dịp cuối năm, sóng biển hết sức dữ dội khiến con thuyền luôn chao đảo, dập dềnh. Nếu bước xuống thuyền không cẩn trọng sẽ có thể bị kẹp chân rất đau hoặc dễ dàng rơi xuống biển. 
Muốn chụp những khoảnh khắc tự nhiên, phóng viên phải buộc vào máy ảnh vào túi ni lông và nhoài người ra boong tàu. Nhiều khi biển dữ, sóng quất lên cao, đánh ụp cả vào người, từ đầu tới chân ướt nhẹp.
Nhà báo Thế Dũng (thứ 2 từ phải sang) giữa những cán bộ chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa
Nhà báo Thế Dũng (thứ 2 từ phải sang) giữa những cán bộ chiến sĩ
đang công tác tại quần đảo Trường Sa
Nhiều lúc cũng cảm thấy rất ngại ngần nhưng khi lên đảo, ánh mắt mệt mỏi lại tan biến hết vì hồn nhiên, tình cảm nồng hậu của những người dân và chiến sĩ nơi đây dành cho mình. Ở đảo, cái gì cũng đáng quý, người lính phải tận dụng từng khoanh đất trồng rau xanh, từng ca nước sinh hoạt… Dân quân nơi đây gắn kết với nhau như anh em trong gia đình. 
Ám ảnh tôi nhất là hình ảnh của những đứa trẻ trên đảo. Chúng ngây thơ, trong veo như những trang giấy trắng. Hàng ngày, tuy vẫn được đến trường song nếu so sánh với những đứa cháu cùng độ tuổi trong gia đình thì không khỏi chạnh lòng.
Dường như vì vậy mà ai cũng càng cảm thấy thương yêu Tổ quốc và thêm kính trọng những người ngày đêm canh giữ biển cả hơn. 
Vừa qua, Trung quốc có nhiều hành động gây hấn, xâm phạm vào thềm lục địa Việt Nam, liên tục cắt cáp ngầm của tàu Bình Minh và tàu Viking II… Qua đó, chúng ta càng thấy được giá trị của những tấn hải sản mà chúng ta  đang xuất khẩu, mới thấy được giá trị của những ngư dân đang ngày đêm bám biển… Bản thân tôi rất mong muốn bằng nghề nghiệp của mình có thể giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện nhất và đúng đắn nhất về vấn đề này đễ giữ yên vùng máu thịt Tổ quốc.
Tuy nhiên, như đã nói, Trường Sa là điểm đến khao khát của tất cả những nhà báo Việt Nam. Chính vì vậy, tôi vẫn đang “xếp hàng” với hy vọng được trở lại với Trường Sa vào một ngày sớm nhất.
Huyền Anh