“Người đương thời” vớt rác bên dòng kênh thối

04/08/2011 23:38
(GDVN) - Chiếc đồng hồ lách cách điểm 4 giờ sáng. Trở mình tỉnh giấc, ông khoác lên mình bộ đồ lao động màu xanh cũ kĩ bước ra đường và bắt đầu công việc...

(GDVN) - Chiếc đồng hồ lách cách điểm 4 giờ sáng. Trở mình tỉnh giấc, ông khoác lên mình bộ đồ lao động màu xanh cũ kĩ bước ra đường và bắt đầu công việc đã thân thuộc mấy mươi năm nay.

Con hẻm nhỏ ở chân cầu Mé, quận 11, TPHCM chợt vọng lên những thanh âm quen thuộc. Tiếng chổi tre xào xạc phách âm trầm đã quen thuộc với người dân nơi đây mỗi sáng. Người đàn ông đang cần mẫn với công việc kia chính là ông Phạm Văn Tân được mọi người trong khu phố gọi bằng cái tên thân mật là ông Bảy Tân (72 tuổi, hiện đang sống tại khu phố D, phường 3, quận 11, TPHCM).

Để không làm ảnh hưởng đến mọi người, ông phải thức dậy thật sớm thu dọn rác dọc theo con phố quanh cầu Mé nằm cạnh khu du lịch Đầm Sen rồi gom chúng lại để đốt trước khi mọi người thức dậy. Ông tâm sự rằng phải dọn dẹp và đốt rác từ sáng sớm để mùi hôi không làm ảnh hưởng đến mọi người trong khu phố.

Ngày ngày, ông vẫn âm thầm vớt rác bên dòng kênh thối
Ngày ngày, ông vẫn âm thầm vớt rác bên dòng kênh thối
6h sáng! Quét dọn và đốt rác xong, ông trở về nhà và đạp xe sang khu Phú Lâm B trên địa bàn quận 6 để thu lượm sắt phế liệu. Những đồng tiền ít ỏi từ việc bán sắt phế liệu là thu nhập chính của người đàn ông đang bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hi này.
Lọc cọc trở về nhà với bao sắt phế liệu nặng trĩu, ông lại cầm cái chĩa đã gắn bó lâu nay ra chân cầu Mé vớt rác. Ông tâm sự rằng “Nhà nước có chủ trương tân trang mỹ quan thành phố sạch đẹp nên tui là người dân tui tự đứng ra tui làm. Không cần ai nhắc nhở. Mình không móc rác thì nước chảy không kịp ảnh hưởng tất cả hết, mà móc ra thì phải ráng mà móc để giữ sạch đẹp môi trường”.

Khúc kênh cầu Mé dài hơn 300 mét chảy qua nơi ông sinh sống không biết từ đâu rác tập trung về hợp thành từng mảng lớn ứ nghẹn lại làm nước không chảy được. Mùi hôi thối do rác gây ra khiến người dân ở khu phố mỗi lần đi qua là bịt miệng, bịt mũi chạy thật nhanh.
Mỗi khi có đợt mưa lớn nước dâng lên cao, rác theo nước chảy hết vào nhà người dân khiến mỗi trận mưa qua là rác ngập đường, ngập nhà. Con kênh ô nhiễm cũng là nơi lý tưởng để những bầy chuột sinh sống, rồi từ con kênh này, những côn trùng như ruồi, muỗi sinh ra gây bệnh cho mọi người.
Không quản nắng mưa, người đàn ông đã bước qua tuổi 72 này lại cặm cụi đứng ra dọn rác, vét mương như chính lời tâm sự chân tình: “Lúc trước con kênh này trong xanh và đẹp lắm, tui thường hay tắm giặt nữa kia. Giờ nó đã thành dòng kênh ô nhiễm. Tui chỉ mong góp hết công sức của mình để nó được như xưa, để khu phố tui ở được sạch đẹp”.
Đã hơn 30 mươi năm qua, ông vẫn âm thầm làm công việc bảo vệ môi trường cho khu phố
Đã hơn 30 mươi năm qua, ông vẫn âm thầm làm công việc bảo
vệ môi trường cho khu phố

Rác hàng ngày được người đàn ông ấy vớt lên bờ, sau đó phơi khô và gom lại thành đống rồi đốt. Tuy nhiên rác từ các hộ dân đổ ra kênh ngày một nhiều cộng thêm chất thải từ những nhà máy, cơ sở sản xuất xả xuống dòng kênh nên ông Bảy Tân đã bỏ công, bỏ sức ra suốt hơn 35 năm để vớt mà rác thải vẫn không hết.

“Lúc trước tui móc rác bị người ta nói lắm. Nhiều người nhạo báng tui hoài à. Ăn no cứ đi làm việc không đâu. Tui thì vẫn giữ lập trường của mình, tui làm là làm chung cho xã hội chứ đâu có riêng cho nhà tui. Sạch thì sạch đều hết. Nếu ngày nào còn mạnh khỏe thì tui còn đứng ra làm, chừng nào tui làm không nổi nữa thôi”. Lời tâm sự chân tình, mộc mạc như chính con người của ông vậy.

Những đống tro đốt rác được ông tận dụng để trồng những hàng rau xanh, cây thuốc dọc theo hai bên bờ kênh. Ông chia sẻ rằng: “Tôi muốn gieo lại những mầm xanh cho dòng nước nơi đây. Với lại, cũng từ những hàng rau, cây thuốc này mà bà con hàng xóm có thể dùng lúc bị đau bụng hay trái gió trở trời”.

Lúc trước, cây cầu Mé bắt qua dòng kênh chỉ là những tấm ván gỗ ghép lại nên mỗi lần mưa to cây cầu bị cuốn trôi đi mất. Ông Bảy Tân đứng ra vận động người dân làm chiếc cầu bê tông chắc chắn. Rồi chiếc cầu mới làm không có lan can khiến nhiều người đi qua không may rơi xuống ông lại bỏ tiền túi ra tự mua xi măng, lưới thép về dựng nên hai lan can cầu chắc chắn. Ông cười đùa rằng xây lan can như vậy để mấy cậu nhỏ say rượu về không bị té xuống dưới kênh. Rồi lại sợ mấy cháu nhỏ đi học về khuya hay những người đi buôn bán sớm qua cầu khó khăn ông Bảy lại bỏ tiền bỏ sức lắp một dàn đèn đường chạy dọc theo con đường xung quanh cầu.

Ông Phạn Văn Bạch, người dân sống ở khu phố D cho biết: “Từ khi tôi đến ở đây đã thấy ông vớt rác và đến giờ vẫn vậy. Việc làm ý nghĩa của ông cũng giúp người dân khu phố có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường và thực sự chưa chắc ai đã dám hi sinh và dũng cảm để đứng ra làm cái nhiệm vụ khó khăn này như ông”.

Căn nhà nhỏ nơi ông đang sinh sống cùng vợ và 2 cô con gái luôn vang lên những tiếng cười đùa của đứa cháu ngoại, đứa cháu mà ông tâm sự đó là niềm vui là động lực để ông tiếp tục công việc mang lại màu xanh cho khu phố. Với ông, mọi mệt nhọc, khó khăn dường như tiêu tan khi bế đứa cháu vào lòng. Công việc của ông đang làm cũng là muốn giữ lại một màu xanh của không gian sống mà nơi đây đứa cháu ông sẽ là người lớn lên thụ hưởng.

Mọi người gọi ông là
Mọi người gọi ông là "Người đương thời" của khu phố. Tin rằng,
hành trình của ông sẽ không còn đơn độc

Con gái ông chị Phạm Thị Lan chia sẻ: “Lúc đầu ba mới làm, mẹ và mấy chị em trong nhà ngăn cản nhiều lắm vì thấy bà con lối xóm chê trách, làm việc không đâu, nhưng dần rồi chị em tôi cũng hiểu được những công việc cao cả mà ba làm nên cũng đã góp chút công sức cho ba để giữ môi trường sạch đẹp”.

Với những thành tích trong hoạt động công tác xã hội và vớt rác trên dòng kênh Cầu Mé, ông Bảy Tân nhiều năm liền được nhận danh hiệu người tốt việc tốt của UBND, UBMTTQ thành phố, quận 11 và phường 3 trao tặng. 

Ước mơ lớn nhất của ông bây giờ là những người có trách nhiệm ở phường, quận đặt những thùng rác dọc theo hai bên đường gần cầu và có một chiếc xe rác hằng ngày ghé qua để người dân có thể bỏ rác sinh hoạt vào đó chứ không xả xuống hết dòng kênh. Thế nhưng, dù nhận được nhiều bằng khen nhưng giấc mơ nhỏ nhoi của ông vẫn không được các cơ quan có trách nhiệm để tâm tới. Và thế là rác vẫn cứ ứ lại, đầy lên và người đàn ông 72 tuổi này vẫn phải hằng ngày "chiến đấu" với rác.

Hành trình của ông rồi vẫn sẽ tiếp tục. Nhưng hãy cùng hi vọng rằng ông không đơn độc mà sẽ có thật nhiều những người bạn đồng hành trên con đường hành động vì một môi trường xanh.
{iarelatednews articleid='9897,9818,8636,8272,8297,8249,8250,8217'}

Hoàng Duy – Minh Trung