Nguyên TTK Hội đồng chức danh GS "mổ" Tài năng và đắc dụng

09/06/2011 00:55
(GDVN)-'Cần có một hội đồng đủ thẩm quyền đứng ra kết luận về sự việc này'_ GS- TSKH Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước khẳng định.

(GDVN) - “Ở thời điểm này, sẽ thuyết phục hơn nếu như có một hội đồng, một tổ chức đại diện có chức năng thẩm định đứng ra chịu trách nhiệm kiểm tra, đưa ra kết luận về sự việc này…”_ GS-TSKH Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước khẳng định.

{iarelatednews articleid='3647,2158,4051,3998,3791,3713,3619,3701,3625,3589,3590'}

Những ngày qua, dư luận đang bức xúc trước việc cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” bị phát hiện đạo văn, đồng thời bất bình trước sự im lặng, né tránh của nhóm tác giả, và Đại học Quốc gia. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Cần có một hội đồng đứng ra kiểm tra kết luận

GS-TSKH Đỗ Trần Cát cho biết: “Việc các tác giải xếp Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh các vĩ nhân đó là điều hiển nhiên, không thể chối cãi vì nó đã được in trong cuốn sách. Nhưng còn chuyện để xác định các tác giả có đạo văn hay không thì lại là một chuyện khác”.

GS-TSKH Đỗ Trần Cát cho biết thêm: Trong thời kỳ ông còn đương chức là Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, là một thành viên trong hội đồng thẩm định, chính GS Cát cũng là người nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo sự việc theo dạng này và ông phải xử lý nhiều trường hợp tương tự.
 

GS-TSKH Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước
GS-TSKH Đỗ Trần Cát
GS Cát đã nhận được rất nhiều những đơn tố cáo khác nhau về nhiều cuốn sách của các nhà giáo đăng ký chức danh. Trong số này có người gửi thư nặc danh cũng có người gửi thư đích danh trong đó có nói rằng: cuốn sách này của ông A, ông B đã chép của người này người kia…Chính bản thân ông đã phải nhiều lần tự làm cái việc là đi tìm lấy bản gốc mà người ta cho là đã sao chép, dẫn ra để về nghiên cứu, so sánh. Nhưng không phải trường hợp nào cũng đúng như vậy. Có trường hợp đúng, có trường hợp không đúng…  

GS Cát nhấn mạnh: “Với tư cách cá nhân để tin hay không tin thì mỗi người tiếp cận với cuốn sách một cách khác nhau người ta có những cách suy nghĩ khác nhau. Có thể người này tin nhưng người khác lại chưa tin vào chuyện đó. Nhưng với sự việc này, và ở thời điểm hiện tại, sẽ thuyết phục hơn và để khẳng định đúng là có việc đó thì phải có một hội đồng, một tổ chức đại diện có chức năng thẩm định đứng ra chịu trách nhiệm kiểm tra, kết luận chính thức về việc này.

Nhà xuất bản là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên

Để thẩm định việc này theo GS-TSKH Đỗ Trần Cát phải là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Tất nhiên trong chuyện này, những cá nhân chịu trách nhiệm đầu tiên, gốc rễ không ai khác phải là các tác giả. Nhưng trường hợp các tác giải này im lặng, né tránh, phủ nhận và không dám đứng ra chịu trách nhiệm, thì người có trách nhiệm đứng ra giải quyết phải là Nhà xuất bản. Tiếp theo đó nữa là đến các cơ quan pháp luật như Tòa án, Cục xuất bản …

“Vì theo nguyên tắc, Nhà xuất bản trước khi cho xuất bản một cuốn sách thì phải có sự thẩm định và phải có một hội đồng thẩm định theo luật, phải có phản biện… Về xét xử ở bậc cao hơn thì phải là Cục xuất bản vì luật xuất bản có rồi. Nếu nhà xuất bản vi phạm luật thì Cục xuất bản có thể xử phạt”_GS Cát đánh giá. 

Đề cập đến khía cạnh khi báo chí và dư luận lên tiếng về cuốn sách cũng như lên án việc sao chép của các tác giả, nhưng cho đến nay, các tác giải vẫn im lặng và chưa có bất kỳ một động thái nhận trách nhiệm hay giải thích với bạn đọc, ông Cát đánh giá: "Khi một người nào đó đã có sai lầm, vi phạm đạo đức của nhà khoa học, nhà giáo thì lúc đó anh ta đâu còn phải là nhà giáo, nhà khoa học nữa mà anh ta là một người khác rồi. 

Vì nếu như người ta vi phạm thì với quan niệm của tôi những người như thế không phải là nhà khoa học, không phải là nhà giáo nữa và đó là cái sai bản chất. Ở đây độc giả cũng cần phải xem xét, cân nhắc về sự việc này, đó là các tác giả đã mắc sai lầm về bản chất hay là sai về hiện tượng? Nếu như đó là cái sai hiện tượng, tình cờ thì các tác giả có thể sửa chữa, có thể khắc phục sai lầm đó mà mọi người cũng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

GS-TSKH Đỗ Trần Cát đánh giá: "Xét về phương diện vĩ mô thì trong ngành giáo dục, kể cả giáo dục Phổ thông và giáo dục Đại học không thiếu những sự việc, hiện tượng như trên. Có thể nó biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau. Mà có thể cái đó nếu như xử lý kỹ thì nó là vi phạm, và những người đó không xứng đáng đứng trên bục giảng. Nhưng khi chưa xử lý thì người ta vẫn đứng trên bục giảng đó thôi, đây đâu phải là trường hợp cá biệt? tôi không nói phổ biến nhưng mà là có nhiều"
 
Biểu hiện đầu tiên của xấu hổ là nói dối

Tiếp tục đánh giá về việc nhóm chủ biên cuốn sách đã đạo văn, GS Cát nhận xét: Xấu hổ có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân, và đối với một người có lòng tự trọng, ở đây tôi nói chung cho mọi người, không chỉ nói riêng đến các nhà giáo thì cái đầu tiên của xấu hổ là việc nói dối. Bất cứ ai đó nói dối thì tự cảm thấy xấu hổ mặc dù chưa ai biết.  

Trước đó, trong lúc dư luận đang rất bức xúc về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” nhóm biên soạn “đạo văn”,  PGS.TS. Lê Văn Yên - Ủy viên Chuyên trách, Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: "Việc “đạo văn” hay không cần có sự xác minh và có một Hội đồng có thẩm quyền đánh giá. Điều quan trọng là nên trao đổi trực tiếp với nhóm biên soạn để xác định cho rõ.

Nhóm tác giả là người chấp bút, lấy tư liệu, chọn lọc tư liệu và diễn đạt thành nội dung của cuốn sách. Nếu giả thuyết “đạo văn” là đúng thì nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm chính. Nhà xuất bản chỉ là "bà đỡ" cho cuốn sách ra đời".

Trong một bài trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa đã khẳng định: “Cụ thể với các đoạn chép lại ấy, các tác giả không đặt chúng trong ngoặc kép, và không ghi chú nguồn ngay sau đoạn chép, có đoạn chép nguyên văn, có đoạn đã cắt bớt một vài từ cho ngắn gọn; có đoạn có sửa vài dấu chấm phảy, có đoạn để nguyên. Như thế thì đích thị là đạo văn rồi, chạy đâu thoát nữa. Tôi có thể khẳng định đây là cuốn sách đạo văn”.

Nghị định 20/2001/NĐ-CP quy định “Tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS và PGS”.

Điều 4. Đối tượng bị tước bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư: 

1. Những người đã được công nhận chức danh GS hoặc PGS bị phát hiện và xác định là không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn qui định ở thời điểm được công nhận. 
2. Những người đã được công nhận chức danh GS hoặc PGS phạm tội, bị toà án phạt tù mà không được hưởng án treo, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; 
Điều 6. Đối tượng miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư: 
1. Những người đã được bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS nhưng không hoàn thành các nhiệm vụ. 
2. Những người đã bị tước bỏ chức danh GS hoặc PGS

Bùi Khương