Phú Thọ: Dây chuyền sản xuất phân lân 208 tỉ đồng đang "đắp chiếu”?

18/04/2011 13:42
(GDVN) - Được đầu tư 208 tỉ đồng cho dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy tại Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe). Thế nhưng...

(GDVN) - Được đầu tư 208 tỉ đồng cho dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy tại Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe), thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn dây chuyền đi vào hoạt động đã phải dừng lại vì không đạt tiêu chuẩn, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

208 tỉ đồng tiền nhà nước có bị sử dụng lãng phí?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy được các cơ quan chức năng phê duyệt vào cuối năm 2008 và dự án bắt đầu chính thức được thực hiện vào đầu năm 2009, với 11 gói thầu (10 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu tư vấn) bằng nguồn vốn đầu tư Nhà nước, với tổng kinh phí lên đến 208 tỉ đồng, do công ty Supe làm chủ đầu tư.

Một lãnh đạo của công ty Supe thừa nhận, sau hơn 1 năm thi công, đến tháng 4/2010, dự án được hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm. Nhưng ngay từ bước đầu, hiệu quả về năng suất lao động của dây chuyền này đã không đạt được yêu cầu vì những lí do khác nhau.

Ngoài vấn đề về năng suất, dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy này còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể tại kết luận đánh giá tác động môi trường của cơ quan chuyên môn thì nồng độ khí Co, H2S. HS… vượt quá tiêu chuẩn cho phép đến hàng chục lần.

Vị cán bộ này cho biết thêm, sau khi có kết luận của cơ quan môi trường về dây chuyền gây ô nhiễm môi trường, có khản năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh, Supe đã phải bỏ ra nhiều tỉ đồng để cố gắng khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên đến nay dây chuyền vẫn chưa thể hoạt động trở lại vì chưa đạt được nhiều tiêu chuẩn như thiết kế dự án ban đầu đặt ra. Đặc biết là vấn đề xử lí ô nhiễm môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên với những hộ dân xung quanh công ty Supe vốn đã nhiều năm sống thấp thỏm khi phải đối diện với căn bệnh ung thư nhiều năm qua. Một hộ dân cho rằng, thời gian qua khi công ty Supe cho vận hành chạy thử dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy, khiến bầu không khí nơi đây trở nên ngột ngạt, phát ra những mùi rất khó chịu. Rất mong được cơ quan chức năng vào cuộc xử lí dứt điểm, trả lại cho người dân cuộc sống không khí trong lành.

“Bắt bệnh” dây chuyền đắp chiếu 208 tỉ đồng tiền của Nhà nước

Theo thông tin phóng viên Giáo dục Việt Nam thu thập được, sau cả một quá trình đưa vào vận hành dây chuyền phân lân nung chảy, nhiều kết quả sản xuất không đạt được như thiết kế dự án ban đầu. Mà nguyên nhân chủ yếu là do dây chuyền trục trặc, các thiết bị kĩ thuật thì vênh váo “như răng bà lão xế chiều”.

Ngoài các vấn đề trục trặc kĩ thuật trong dây chuyền sản xuất, số công nhân chưa phải thợ lành nghề cũng được công ty Supe tuyển dụng vào để vận hành dây chuyền. Và đó là một phần của nguyên nhân sản lượng năng suất dây chuyền không đạt được hiệu quả.

Một vị cán bộ lấy ví dụ, nếu dây chuyền phân lân nung chảy “chuẩn”, với đội ngũ công nhân vận hành lành nghề thì một ngày có thể sản xuất ra 100 tấn sản phẩm và không gây ảnh hưởng bụi bẩn ra môi trường. Nhưng nếu sử dụng công nhân không có tay nghề vận hành thì tất nhiên sản lượng sẽ phải kém đi, thiết bị máy móc nhanh chóng bị xuống cấp…

Nhà máy vốn rất nổi tiếng vì nằm cạnh “làng ung thư”.
Nhà máy vốn rất nổi tiếng vì nằm cạnh “làng ung thư”.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, về nguyên nhân khiến dây chuyền phân lân lung chảy của Supe chưa thể hoạt động, lãnh đạo của Công ty cổ phần thiết kế công nghiệp hóa chất (CECO), đơn vị trực tiếp giám sát cho rằng, đơn vị này chỉ kí hợp đồng hơn 5 tỉ đồng với trách nhiệm là “giám sát tác giả”.

Vị lãnh đạo này cho hay, trong quá trình giám sát thi công lắp ráp dây chuyền, đơn vị đã phát hiện ra rất nhiều lỗi của dây chuyền và đã có sự cảnh báo với chủ đầu tư, nhưng bất chấp quy định, chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm.

Vị lãnh đạo này thừa nhận rằng, với quyền giám sát có hạn, nên đơn vị chỉ đưa ra cảnh báo đối với chủ đầu tư, nhưng nếu chủ đầu tư không nghe thì cũng chịu (?).

Theo vị lãnh đạo này cho biết, để khắc phục dây chuyền này có thể vận hành chở lại bình thường, thì sẽ phải tiếp tục đầu tư thêm khoảng 30 tỉ đồng cũng bằng nguồn vốn dự phòng chủ yếu của Nhà nước khi phê duyệt dự án. Ngoài ra để đảm bảo dây chuyền đi vào hoạt động có hiệu quả sẽ phải tiến hành tuyển dụng một số lượng công nhân có tay nghề để vận hành dây chuyền.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là “cao kiến” để câu giờ của đơn vị tư vấn giám sát. Các ý kiến này cho rằng khó có thể khẳng định việc đầu tư thêm có thể đảm bảo dây chuyền có thể hoạt động ổn định, không gây ô nhiễm môi trường.

Một cán bộ cho rằng, trước khi sử dụng 30 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, thì cơ quan CSĐT cần vào cuộc làm rõ, những sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư, đơn vị giám sát và đơn vị thi công. Bởi có nhiều nguồn tin cho rằng, sở dĩ dây chuyền phân lân nung chảy hiện nay bị đắp chiếu với 208 tỉ đồng tiền của Nhà nước là do có nhiều yếu tố, trong đó có việc lắp đặt dây chuyền không đồng bộ.

Tiến Bình