Siêu hạm TQ sẽ đến Biển Đông, Mỹ đẩy mạnh "ngoại giao tàu sân bay"

17/08/2011 06:35
(GDVN) – Tàu sân bay TQ tiếp tục gây quan ngại, động thái của Mỹ nhằm kiềm chế việc TQ gia tăng sức mạnh quân sự, Thi Lang nằm ở đâu trong thế kỷ 21...

(GDVN) – Tàu sân bay TQ tiếp tục gây quan ngại, động thái của Mỹ nhằm kiềm chế việc TQ gia tăng sức mạnh quân sự, Thi Lang nằm ở đâu trong thế kỷ 21,…hàng loạt những vấn đề nóng tiếp tục được các báo phân tích, đánh giá.

Tàu sân bay Trung Quốc sẽ đến biển Đông

Theo thông tin được đăng tải trên Tuổi trẻ: Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ đến biển Đông vào năm 2012, tiết lộ này khác với những gì Trung Quốc tuyên bố với các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế là chỉ dùng vào việc nghiên cứu và huấn luyện.

a
Tàu sân bay Thi Lang cập cảng Đại Liên, Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 14-8 sau khi chạy thử nghiệm trên biển - Ảnh: China.org.cn

Ngày 16-8, Nhân Dân Nhật Báo dẫn nguồn từ báo Đô Thị Phương Nam cho biết tàu sân bay Thi Lang bước đầu sẽ đến hoạt động ở biển Đông vào ngày 1-8-2012 và nằm dưới sự chỉ huy của Ủy ban Quân ủy trung ương Trung Quốc. Thông tin trên được đưa ra hai ngày sau khi tàu sân bay này hoàn tất chuyến thử nghiệm trên biển Hoàng Hải.

Chuyên gia chiến lược quân sự hàng đầu của Trung Quốc Kiều Lương cho biết với tàu sân bay này, Trung Quốc sẽ mở rộng bán kính chiến đấu, tăng cường khả năng chiến đấu vượt xa ngoài chuỗi đảo đầu tiên. Ông Kiều cho rằng sự khống chế trên không là điều kiện tiên quyết trong các cuộc chiến của hải quân Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng nước nằm xa lục địa.

Việc đưa tàu sân bay ra biển vào năm 2012 sẽ tăng cường khả năng chiến đấu cũng như sức mạnh ngăn chặn của hải quân Trung Quốc. “Tàu sân bay sẽ đảm bảo giải quyết êm xuôi dòng chảy năng lượng và nguồn tài nguyên từ các vùng biển quốc tế vào Trung Quốc. Nó cũng đảm bảo an ninh và lợi ích của lao động Trung Quốc đang hoạt động trên các vùng biển xung quanh” - ông Kiều nói.

Thế nhưng Thời báo Châu Á lại bình luận: “Tàu lớn nhưng cú đấm nhỏ ở biển Đông”. Trên thực tế, đây là tàu chiến lớn nhất ở châu Á và có thể giúp Trung Quốc thay đổi cục diện trên biển trong khu vực. Song tàu sân bay không thể giúp Trung Quốc khẳng định được chủ quyền ở biển Đông vốn là “nỗi đau đầu” lớn nhất của Bắc Kinh. Và sự hiện diện của con tàu có thể sẽ là “của nợ” gây khó khăn cho quá trình ngoại giao của Trung Quốc hơn là trở thành tài sản quân sự của nước này.

Với chiều dài 300m và nặng khoảng 60.000 tấn, có thể xem tàu Thi Lang là tàu chiến lớn nhất châu Á, bởi cho đến nay trong khu vực, ngoại trừ Thái Lan đang sở hữu tàu Chakri Narubet có thể chở máy bay chiến đấu, không nước nào có phương tiện này.

Thời báo Châu Á cho biết với một tàu sân bay đang sẵn sàng hoạt động và nếu nó được đặt ở căn cứ hải quân vốn đã được mở rộng ở Tam Á, đảo Hải Nam, thì có thể hình dung được Trung Quốc đang muốn thể hiện ý định duy trì sức mạnh vượt trội trên không ở bất kỳ điểm nào trên biển Đông. Giới chuyên gia nhận định có thể Trung Quốc xem đây là điều kiện tiên quyết cho các nỗ lực ngoại giao hoặc quân sự của họ nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền trên biển cũng như buộc đối phương hủy bỏ mọi hoạt động thương mại, xây dựng chủ yếu trên các đảo ở biển Đông.

Cộng đồng quốc tế cũng đang hoài nghi về chức năng thật sự của tàu sân bay này, dù các quan chức quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu Thi Lang chỉ để “phục vụ nghiên cứu khoa học và huấn luyện” cũng như chỉ hoạt động mang tính chiến lược. Song, ngay trước khi con tàu bắt đầu chuyến thử nghiệm trên biển Hoàng Hải, Tân Hoa xã lại đưa tin và viết: “Việc xây dựng hải quân hùng mạnh tương xứng với vị thế đang lớn mạnh của Trung Quốc là một bước cần thiết và là một lựa chọn không tránh né để bảo vệ lợi ích quốc gia ngày càng được toàn cầu hóa của Trung Quốc”. Điều này cũng có nghĩa là tàu sân bay Thi Lang sẽ hoạt động vượt xa hơn cái mà Trung Quốc cam kết là chỉ mang tính “chiến lược”.

Báo này cũng ghi nhận chỉ ngay sau khi chiếc tàu sân bay Thi Lang kết thúc bốn ngày chạy thử trên biển (từ ngày 10 đến 14-8), Nhân Dân Nhật Báo đã dẫn lại hàng loạt bài báo đăng trên các báo chính thức của Trung Quốc với nội dung gần như đi ngược với cam kết ban đầu của nước này với các nước khu vực và cộng đồng quốc tế.

Tàu sân bay Trung Quốc lại gây quan ngại
 
Tiếp tục những động thái gây quan ngại của phía Trung Quốc, tờ Thanh niên đưa tin:

Vào giữa tháng 8, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện một cuộc diễn tập hỗ trợ sự di chuyển khẩn cấp của tàu ngầm, theo tờ PLA Daily ngày 16-8. Cuộc tập trận diễn ra tại cảng quân sự của một căn cứ tàu ngầm thuộc Hạm đội Bắc Hải, vốn có trung tâm chỉ huy tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. PLA Daily còn khoe: “Căn cứ này có khả năng hỗ trợ hiệu quả và đáng tin cậy trong thời chiến… Nếu bến tàu bị phá hủy, đơn vị hỗ trợ của cảng quân sự có thể dùng nhiều thiết bị di động để tiếp liệu cho tàu ngầm”.

a
Trực thăng thuộc đội hỗ trợ tàu sân bay luyện tập - Ảnh: Mil.cnr.cn

Trước đó, vào ngày 13-8, trực thăng thuộc đội hỗ trợ tàu sân bay Trung Quốc đã luyện tập bay suốt đêm dưới sự chỉ huy của Phó tham mưu trưởng Quản Kiện Quốc của Hạm đội Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông). Theo trang tin quân sự Mil.cnr.cn, trực thăng bay cao chừng 100m và bay vòng quanh một con tàu để phát hiện những dấu hiệu bất thường xung quanh.

Các động thái trên của PLA có thể gây thêm quan ngại về mục tiêu thật sự trong chiến lược tàu sân bay của nước này. Trước đó, nhà nghiên cứu Lý Kiệt Thuyết của Học viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc nhận định tàu sân bay cần nhiều cơ sở ở các bến cảng để đảm bảo an toàn, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ khẩn cấp khi cần, không chỉ cho bản thân tàu mà còn các tàu hộ tống như tàu ngầm.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã trở về cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 14-8, kết thúc đợt thử nghiệm kéo dài 5 ngày. Đến ngày 16-8, Nhật báo Phương Nam ở Quảng Đông dẫn một nguồn tin quân sự cho hay tàu này sẽ được đưa vào hoạt động ở biển Đông trước ngày thành lập PLA (1-8) năm tới và nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương. Tờ báo dẫn lời chuyên gia quân sự Kiều Lương cho rằng tàu sân bay sẽ nâng cao khả năng chiến đấu toàn diện trên biển của Trung Quốc.

Những thông tin này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đây của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh rằng tàu sân bay sẽ được dùng cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Chưa kể nếu thật sự Trung Quốc cho tàu sân bay hoạt động ở biển Đông thì chỉ làm tình hình tranh chấp chủ quyền ở đây thêm phức tạp và căng thẳng. Đó là lý do nhiều bên như Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi Trung Quốc nói rõ mục đích sử dụng tàu sân bay.

Tàu sân bay Mỹ thăm Thái Lan và Việt Nam nhằm kiềm chế Trung Quốc

Trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sức mạnh quân sự và các hành động hung hăng ngang ngược nhằm đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý tại Biển Đông trong thời gian gần đây thì việc tàu sân bay Mỹ thăm Thái Lan và VN được coi như một hành động nhằm kiềm chế TQ. Tờ PL &XH dẫn lời báo "Sankei" của Nhật Bản ngày 16/8.

a
Tàu sân bay USS George Washington thăm Thái Lan và Việt Nam nhằm kiềm chế Trung Quốc

Để đối phó với kế hoạch sở hữu nhiều tàu sân bay của Trung Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á sẽ tăng cường giao lưu, tập trận chung. Báo "Sankei" dẫn lời một quan chức thăm tàu sân bay George Washington nói rằng ông “hy vọng vào sự hợp tác hơn nữa với Mỹ để giữ ổn định ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông”.

Mỹ ngày càng coi trọng châu Á trong chính sách ngoại giao của nước này. Trả lời báo chí địa phương khi đang ở thăm Australia, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã bày tỏ quan ngại về mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc và nêu rõ về lâu dài, Mỹ cần phải chuyển trọng tâm chính sách ngoại giao từ Trung Đông sang Châu Á. Ông đã thể hiện nhận thức coi trọng tăng cường quan hệ với các nước ASEAN và Ấn Độ.

Mỹ “ngoại giao tàu sân bay” tại biển Đông

Tờ PL&XH tiếp tục đưa tin:  Đây không phải là lần đầu tiên chiếc George Washington được phái đến vùng biển gần hải phận Việt Nam để thực hiện điều có thể gọi là một "công tác ngoại giao". Cách đây đúng một năm, cũng vào tháng 8, chiếc tàu sân bay này đã đến neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng, khi đó phía Mỹ cũng mời quan khách chính phủ và quân đội Việt Nam lên tham quan.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói bối cảnh của hai chuyến gọi là "ghé thăm hữu nghị" này khá giống nhau. Đó là vào lúc quan hệ Việt Nam -Trung Quốc đang căng thẳng vì những động thái hung hăng của Bắc Kinh nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên hầu như toàn bộ vùng biển Đông. Việc mời các giới chức chính quyền và quân đội Việt Nam lên tham quan hàng không mẫu hạm Mỹ còn được cho là nhằm mục đích phô trương một cách cụ thể ưu thế của hải quân Mỹ so với Trung Quốc, qua đó trấn an các nước đang muốn Mỹ hiện diện trong vùng để cân bằng uy lực của Bắc Kinh. 

Theo giới quan sát, chuyến ghé thăm Việt Nam chỉ là một phần trong hoạt động của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong thời gian gần đây. Trước lúc đến vùng biển tiếp giáp Việt Nam, tàu sân bay George Washington đã ghé cảng Thái Lan và cũng tiếp đón quan khách Thái Lan lên thăm tàu.

Ngoài chiếc George Washington, từ ngày 12-8, một hàng không mẫu hạm khác của Mỹ là USS Ronald Reagan với thủy thủ đoàn hơn 5.000 người cũng bắt đầu ghé cảng Hồng Công trong 4 ngày. Dù chuyến thăm đã được dự tính từ lâu và được Trung Quốc chấp thuận, nhưng sự kiện này cũng có thể được xem là một phương thức mà hải quân Mỹ sử dụng để khẳng định sự hiện diện của họ trong khu vực.

Điều có thể gọi là chiến lược "ngoại giao tàu sân bay" của Mỹ tại vùng biển Đông sẽ đạt đỉnh cao cuối tháng này, khi toàn bộ hải đội hàng không mẫu hạm tấn công số ba của Hạm đội 7, với tàu sân bay hạt nhân USS John Stennis cùng tất cả đội tàu và phi cơ hộ tống, sẽ đến Manila biểu dương lực lượng nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp ước Quốc phòng tương hỗ Mỹ-Philippines. Cuộc phô trương thanh thế này cũng diễn ra trong bối cảnh Philippines đang bị Trung Quốc lấn lướt ở Biển Đông và đã cầu viện đến đồng minh Mỹ.

Tất cả những hoạt động trên của hải quân Mỹ chứng tỏ một điều rằng Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động "ngoại giao tàu sân bay" để tăng cường ảnh hưởng và trấn an các nước trong khu vực trước những lo ngại về sự đe dọa quân sự của Trung Quốc.

Vị trí của Thi Lang trong thế kỷ 21: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”


Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Một nước mới có một tàu sân bay, phải mất bao lâu để rèn luyện?”, hạm trưởng tàu sân bay USS George Washington, David Lausman nói: “Chúng tôi đã mất cả một thế kỷ với tàu sân bay, còn máy bay trên tàu chúng tôi thì mỗi ngày bay lên hạ xuống cả trăm lần!”.

Nhớ tới tình huống khi chiếc Thi Lang hạ thủy, đề đốc hải quân Trung Quốc Zhang Zhaozhong trả lời Tân Hoa xã: “Thi Lang sẽ không có sứ mạng chiến đấu, mà chỉ được dùng để huấn luyện và thử nghiệm”. Ông tỏ ra biết người, biết ta khi nhắc lại rằng Mỹ từng đóng và làm chủ đến hơn 200 tàu sân bay, Nhật chí ít cũng được 25 tàu và trải qua bao chiến tranh, trong khi Trung Quốc mới chỉ có chút ít kinh nghiệm chiến đấu với vài con tàu mặt nước, chưa hề có kinh nghiệm hạ cánh tàu sân bay nào, lịch sử tàu sân bay của Trung Quốc mới chỉ là một trang giấy trắng”.

Lời tự nhận xét này của đề đốc Zhang Zhaozhong đặt trong cái nhìn lịch sử trăm năm tàu sân bay, càng thấy “chiếc áo không làm nên thầy tu”! Tờ Tuổi trẻ nhận định.

Mối đe dọa cho ai?

Thông cáo cấm tàu bay, tàu bè có mặt khu vực rộng 13,25, dài 22 hải lý dọc từ phía bắc Hoàng Hải đến vịnh Liêu Đông từ ngày 10 đến 14-8 để cho chiếc Thi Lang hạ thủy càng gây tò mò, bình phẩm.

Có tác giả như Craig Guthrie chế giễu trong bài báo mang tựa đề “Tự hào và thành kiến về chiếc tàu sân bay của Trung Quốc” (Pride & prejudice over China’s aircraft carrier): “Một số người, trông mặt bắt hình dong, ngờ rằng con tàu này chính là một mối đe dọa cho thủy thủ của nó hơn là với các nước khác”.

Thật ra không ít người cũng e ngại chiếc Thi Lang sẽ gây nguy hiểm cho thủy thủ của nó. Trefor Moss trong “Giải mã tàu sân bay Trung Quốc” giải thích chi tiết: Đây là chiếc tàu huấn luyện cho một lực lượng hải quân chưa từng sử dụng tàu sân bay bao giờ. Nhất là khi quả quyết sẽ trang bị cho tàu sân bay này chiến đấu cơ hải quân J-15, là những chiếc máy bay còn chưa được kiểm chứng trong thực tế và vẫn trong giai đoạn phát triển (của quá trình nghiên cứu và phát triển).

Sở dĩ Trefor Moss hoài nghi chiếc J-15 là do tương truyền đây là bản sao của một chiếc Su-33 nguyên mẫu chưa hoàn tất mua lại từ Ukraine năm 2001, đem về banh ra, “mổ xẻ” rồi “phát huy sáng kiến làm lợi cho nhà nước hàng tỉ đồng”. Sau vụ “tham khảo” này, Trung Quốc có đòi mua trở lại chiếc Su-33 song Nga từ chối. Nên sau này chiếc J-15 quay trở lại với hình mẫu là chiếc J-11, vốn là một bản sao “chôm” tác quyền chiếc Su-27 của Nga khiến Nga tức giận “cấm cửa”.

Thành ra không chỉ Trefor Moss e dè trước chiếc J-15 này, mà cả Dean Cheng, một nhà nghiên cứu của Heritage Foundation, cũng ớn lạnh tương tự: ”Huấn luyện phi công cất cánh từ tàu sân bay là một công việc tốn thời gian và tốn kém. Sẽ có cả thất bại và mất phi công”.

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: Kiên quyết đẩy đuổi tàu nước ngoài vi phạm vùng biển

Sáng 16-8 tại TP Đà Nẵng, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng đã có cuộc giao ban với lãnh đạo 17 tỉnh thành miền Trung - Tây nguyên về công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đất liền và biển. Thông tin đăng tải trên Tuổi trẻ.

a
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo quê hương. Ảnh TT

Theo Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, tình hình liên quan đến biển Đông cơ bản ổn định nhưng diễn biến có phức tạp hơn trước, trong đó đáng chú ý: các nước có yêu sách về chủ quyền ở biển Đông tăng cường các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền ở vùng biển đã tuyên bố; hàng trăm lượt tàu cá xâm phạm chủ quyền vùng biển VN, tập trung ở khu vực cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 17-80 hải lý, khu vực cách bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) 35-55 hải lý và khu vực cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 23-120 hải lý.

Tại hội nghị, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng đề ra một số biện pháp để chấn chỉnh tình trạng trên. Theo đó, đối với chủ quyền vùng biển, tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển và kiên quyết đẩy đuổi tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển VN, xử lý nghiêm các vụ vi phạm xảy ra trên biển. Phối hợp với địa phương, các lực lượng xây dựng “tổ tàu đoàn kết của ngư dân giúp đỡ nhau sản xuất, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ vùng biển”; tuyên truyền để ngư dân không vi phạm chủ quyền vùng biển của các nước trong khu vực.

Mặt khác, đối với các dự án đầu tư ở khu vực biên giới như thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng rừng... nếu có yếu tố nước ngoài, bắt buộc phải có hình thức quản lý chặt chẽ về nhân thân và hoạt động của lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại các địa bàn triển khai dự án trồng rừng ở khu vực biên giới.

Hải Hà (tổng hợp)