TS Lê Đăng Doanh: "Ông Lê Minh Khương có thể đưa sự việc ra tòa"

19/05/2011 07:06
(GDVN)-"Sự việc càng kéo dài, càng bất lợi cho cả 2 bên. Vietnam Airlines nên có thái độ lắng nghe, bởi tất cả những đóng góp của khách hàng đều có ý xây dựng".

(GDVN) - Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: "Sự việc càng kéo dài thì càng bất lợi cho cả 2 bên. Vietnam Airlines nên có thái độ lắng nghe, bởi tất cả những đóng góp của khách hàng đều có ý xây dựng, mặc dù phê phán nhưng sẽ giúp cho Vietnam Airlines trưởng thành hơn".

{iarelatednews articleid='2666,2662,2642,2611,2640,2639,2132'}

Liên quan đến những diễn biến mới nhất vụ lùm xùm giữa HLV Lê Minh Khương và Vietnam Airlines, TS Lê Đăng Doanh nói: "Nếu ông Lê Minh Khương không nhất trí với kết luận phía Cục Hàng không đưa ra, vụ việc vẫn chưa chấm dứt. Cục Hàng không Việt Nam cần phải xem xét thêm". Ông Doanh nhấn mạnh: Việc kéo dài ở đây chủ yếu do thủ tục pháp lý.

Sự việc càng kéo dài thì càng bất lợi cho cả 2 bên. Thậm chí, nếu không thống nhất đi tới kết quả cuối cùng, các bên liên quan có thể đưa nhau ra tòa để tìm đến phán quyết cuối cùng.

Sau khi theo dõi diễn biến của vụ việc, ông Doanh cho rằng: "Không phải cả 2 bên đều đúng. Chính vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam cần giải quyết sao cho công bằng theo đúng pháp luật". Đồng thời, ông Doanh nhấn mạnh: "Nhà chức trách hàng không cần đưa ra những chứng minh rõ ràng, cụ thể, tránh tình trạng áp đặt, thiếu căn cứ, không mang tính trung thực và thiếu pháp lý".

Ngoài ra, ông Doanh cũng nhấn mạnh: Dư luận nên thận trọng hơn khi phán xét sự việc, “bởi trong vụ việc này, chúng ta không phải là người trong cuộc nên khó có thể đánh giá được ai đúng – ai sai. Khi đưa tin cần có căn cứ, không ác ý hay chê bai, hiềm khích".

Trước làn sóng “ném đá” Vietnam Airlines đang dấy lên trong dư luận, ông Doanh cho rằng: Vietnam Airlines nên có thái độ lắng nghe, bởi tất cả những đóng góp của khách hàng đều có ý xây dựng, mặc dù phê phán nhưng sẽ giúp cho Vietnam Airlines trưởng thành hơn, tiến bộ hơn; tránh những thái độ, ứng xử không nên có trong văn hóa doanh nghiệp, kinh doanh, kinh tế.

Tiểu Phương