"Tài năng và đắc dụng": "Dám xin lỗi thì họ còn có lòng tự trọng"

09/06/2011 23:59
(GDVN)-“Khi bị lật tẩy đạo văn thì họ chỉ hy vọng là dư luận lắng xuống, lãng quên, để mong thoát tội, nhưng chắc chắn cộng đồng khoa học không bao giờ tha thứ"

(GDVN)-“Khi bị lật tẩy đạo văn thì họ chỉ hy vọng là dư luận sẽ lắng xuống, lãng quên, để chờ mong thoát tội. Bởi trong sự việc này, các tác giả lên tiếng để thanh minh, để xin lỗi thì cũng chỉ là hình thức” - TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã Hội học) đã đánh giá về sự im lặng của các tác giả là PGS.TS Phạm Hồng Tung và GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương, chủ biên cuốn Tài năng và đắc dụng

{iarelatednews articleid='3791,3589,3590'}


Đây là thói thường của những người chưa tốt

Về khía cạnh tâm lý của những người lẩn tránh khi biết mình làm sai, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Ở đây mọi người đã lên án rất nhiều rằng đã sai thế tại sao không thừa nhận? Tôi cũng không phải biện minh cho họ đâu nhưng tôi thấy đây đúng là một việc làm mà họ đã biết chắc chắn là sai từ đầu mà vẫn làm thì thật khó hiểu?... 

Nhưng tôi nghĩ có lẽ họ cũng không hình dung là hành vi của họ sẽ bị lật tẩy như vậy. Bởi vì những cuốn sách “rẻ tiền” như thế chúng ta có thể thấy khá nhiều. Thường thì người ta ít xem kỹ và xem “tréo”, xem thông tin cứ liệu lấy ở đâu? Và chỉ thấy nội dung của nó hay hay thôi. Bình thường thì không ai người ta mất công mà đi “soi” như vậy. Cho nên tâm lý của người đi đạo văn cũng nghĩ rằng sẽ không bị lật tẩy”.
 

S. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã Hội học)
TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã Hội học)
TS Trịnh Hòa Bình đánh giá: Vì thế cho nên trong cái suy nghĩ, cái hệ ứng xử của các tác giả cũng không được sẵn sàng lắm. Có thể họ hoàn toàn ý thức được cái hệ lụy của nó. Cho nên lúc này thì họ đang hoãn binh. Và tôi nghĩ hiện bây giờ họ không chỉ tự xấu hổ với bản thân, với độc giả mà các tác giả đang rối tung rối mù lên.

Và họ sẽ loay hoay tìm cách ứng xử làm sao để thoát “tội”. Bởi tâm lý người đi đạo văn của người khác thì mới chỉ nghĩ đến “vinh quang” chứ chưa nghĩ đến chuyện phải trả giá.
Khi bị lật tẩy, các tác giả chỉ hy vọng là dư luận sẽ lắng xuống, lãng quên, chờ mong thoát tội. Bởi vì trong sự việc này, các tác giả lên tiếng để thanh minh, để xin lỗi thì cũng chỉ là hình thức. Nhưng chuyện ghi nhận, đánh giá xem xét về góc độ khoa học thì chắc chắn cộng đồng các nhà khoa học không bao giờ tha thứ cho việc làm đó. Việc các tác giả lẩn tránh cũng chỉ là thói thường của những người chưa tốt.

"Các tác giả đã đá nhầm sân"

PV: TS có đánh giá như thế nào về khía cạnh cuốn sách là kết quả của một đề tài nhánh trong công trinh nghiên cứu cấp nhà nước do ĐHQG thực hiện nhưng lại được giao cho những người không phải là sở trường của họ về lĩnh vực KHXH thực hiện?

TS Trịnh Hòa Bình: Ở đây tôi không muốn quá khu trú để chỉ trách ai, nhưng tôi có cảm tưởng các nhà khoa học tham gia thực hiện đề tài, cụ thể là PGS.TS Phạm Hồng Tung và GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương, chủ biên cuốn "Tài năng và đắc dụng" đã tác nghiệp trên cái “sân” không quen thuộc của mình. Một người là Phó Ban Công nghệ của ĐHQG, một người là Phó Hiệu trưởng trường ĐHKH Tự nhiên, đây không phải là những người chuyên về lĩnh vực KHXH.

Như vậy hai tác giả đó đã thi đấu nhầm “sân”, có lẽ rằng ở đây cũng vì cái thói hiếu danh thôi, cũng muốn được người đời xưng tụng. Còn dân KHXH có “đạo văn” thì người ta cũng không đạo theo kiểu đó.  

Bất bình thường ở trong sự việc này phải xét từ cái gốc rễ của câu chuyện. Cần phải lật lại câu chuyện từ khi ĐHQG thực hiện cái đề tài chính cấp nhà nước. Nó không bình thường ở chỗ là những tác giả không phải là những người có hiểu biết có kinh nghiệm, có bề dày trong cái lĩnh vực xã hội, lịch sử, kinh tế…nhưng mà họ lại được giao thực hiện đề tài nhánh và đi làm sách, làm đề tài nghiên cứu khoa học mà lĩnh vực về con người, về những vấn đề của KHXH&NV, lịch sử…Tôi cho rằng các tác giả đã "đá nhầm sân” ngay từ xuất phát điểm.

Còn về phía Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, có thể nói hội đồng biên tập cũng đã có những đánh giá và thẩm định chưa kỹ nên mới dẫn đến “bỏ lọt” một cuốn sách mà dư luận đang bất bình như thế này?

TS Trịnh Hòa Bình: Tôi không thể phủ nhận vai trò cũng như danh tiếng của NXB Chính trị Quốc gia, nhưng trong sự việc này chắc rằng họ cũng mắc vào cái bệnh theo thói thường thôi. Cũng cứ tin cậy vào các nhà khoa học như vậy và khi xem xét, thẩm định người ta cũng không “xem tréo” một cách kỹ lưỡng. Người ta chỉ biên tập làm sao cho nó cân đối, nội dung chuyển tải cho nó có cái nọ cái kia thôi. Và khi nó bị đổ bể thì lẽ dĩ nhiên tất cả bị dư luận lên án và phê phán...

Theo đánh giá của TS, lúc này các tác giải nên hành động như thế nào?

TS Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng với các bằng chứng không thể chối cãi, việc đạo văn ở đây có thể khẳng định là đạo thô thiển, thì cái việc cần nhất đó là các tác giả phải lên tiếng và thừa nhận sai sót. Chứ không phải có chuyện là ông nọ quay sang đổ lỗi cho ông kia. Vì khi các tác giả, nhóm chủ biên đã cùng ký tên với nhau ở trong cuốn sách thì phải đồng trách nhiệm. Lúc vinh quang thì hưởng, còn khi bị phát giác và phê phán thì lại lẩn tránh, nhìn lên trời là không thể chấp nhận được…

Cả hai tác giải đồng chủ biên đều là những người có học hàm, học vị, đang nắm giữ những chức vụ lãnh đạo, nhưng họ luôn né tránh sự thật và có thể thấy họ thiếu đi “văn hóa xin lỗi”?

TS Trịnh Hòa Bình: Thực ra ở đây có hàng loạt các quy luật về mặt tâm lý, về mặt ứng xử, nó đi kèm với việc bị lộ “vở”, bị phát giác. Có thể xem như họ không bị bất ngờ, nhưng họ đã không tính đến phương án đó. Cho nên họ bối rối, không có ứng xử thích hợp với phong cách của những nhà khoa học thực thụ. Nếu như họ dám đứng ra xin lỗi thì họ còn có lòng tự trọng, còn khi họ không dám đứng ra xin lỗi độc giả thì điều đó vẫn chỉ nói rõ thêm rằng đấy là những cá thể, những nhà khoa học giả dối. Và tôi chắc chắn họ sẽ giải dối không chỉ dừng lại ở một lần.

Cái bằng cấp, cái học vị đó là quá trình phấn đấu của họ và cũng không loại trừ trong quá trình đó, họ cũng đã có những hành vi, tuy không hoàn toàn là tương tự nhưng nó cũng manh nha như vậy. Họ đã xây dựng những cái vinh quang, uy tín của họ trên sự giả dối, thì có thể họ cũng không từ những hành vi tương tự để thực hiện trong cả quá trình đạt được cái vinh quang, cái thứ bậc đó.

Coi thường hội đồng đạo đức

TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: Khi sự việc phát hiện đạo văn đã là hiển nhiên và có cơ sở để xác định việc đạo văn là có thực, thì chuyện thành lập ra các hội đồng, tổ chức chỉ là hình thức mà thôi. Còn nếu như cái việc gì cũng phải có tổ chức, cũng phải có hội đồng để đi giải quyết thì nước ta phải có bao nhiêu hội đồng như thế?

Trong lĩnh vực khoa học, người ta còn có một hội đồng thường gọi là “Hội đồng đạo đức”. Cái hội đồng đó trên thực tế được hình thành để giám định công trình này, xem xét công trình kia. Cũng có những công trình không có chuyện giám định đó nhưng về mặt ý nghĩa luôn luôn phải tồn tại một cái hội đồng như vậy. Hội đồng đó nó nằm ngay ở lương tâm của các nhà khoa học, của những tác giả đó và của những người hiểu biết về những con người đó, Những người đã nghiệm thu cho công trình, cái đề tài đó ra đời.

Như vậy, cung cách làm việc của các nhà khoa học, của các tác giả ở đây rất là hời hợt, rất hình thức, họ không có sự chịu trách nhiệm về việc học thuật, về giá trị khoa học, không dám chịu trách nhiệm trước đất nước, trước khoa học nói chung.

TS Bình cũng đánh giá: Ở nước ta thì chả mấy khi người ta dám nhận lỗi, việc đạo văn ở đây cũng chỉ là một trong rất nhiều sự việc đạo văn khác, nó vẫn tồn tại ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác. 
 
Tư Khương