Trung Quốc tự mâu thuẫn khi đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò"

11/06/2011 23:50
(GDVN) – Kết nối sự kiện trong thời gian qua, có thể thấy rất rõ tham vọng thực hiện tiến trình "hiện thực hóa" yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
(GDVN) – Kết nối sự kiện trong thời gian qua, có thể thấy rất rõ tham vọng thực hiện tiến trình "hiện thực hóa" yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Chiến lược này được thực hiện thông qua các hoạt động gây hấn.
{iarelatednews articleid='4474,4314,4295,3948,3909,3870,3861'}
LTS: Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc liên tiếp thực hiện hành vi phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam. Nhằm rộng đường dư luận và có cái nhìn nhiều chiều về sự việc này, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của TS Nguyễn Toàn Thắng, chuyên gia về Luật Biển, ĐH Luật Hà Nội.
Cả hai vụ tàu Bình Minh 02 và Viking II đều xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam – vùng biển mà riêng Việt Nam được thực hiện quyền chủ quyền trong việc khai thác nguồn tài nguyên ở vùng nước bên trên đáy biển, ở đáy biển cũng như lòng đất dưới đáy biển (điều 56, 77 Công ước Luật biển năm 1982). Điều này cho thấy tham vọng "bá chủ" của Trung Quốc, biến Biển Đông thành vùng quản lý của riêng mình, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên.
Trung Quốc "leo thang" trong chiến lược "hiện thực hóa đường lưỡi bò"
Kết nối sự kiện trong thời gian qua, có thể thấy rất rõ tiến trình "hiện thực hóa" yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Chiến lược này được thực hiện thông qua các hoạt động gây hấn mà Trung Quốc gọi là "thực thi thẩm quyền" trong phạm vi "đường lưỡi bò", đầu tiên là ở vùng biển quốc tế và sau đó tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ASEAN. 
Hiện nay, Trung Quốc đang cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực vốn không có tranh chấp, hoàn toàn thuộc vùng biển Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán, không có cơ sở để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. 
Đối tượng mà Trung Quốc hướng tới là nguồn tài nguyên phong phú tại Biển Đông, bao gồm tài nguyên sinh vật (cá) và tài nguyên phi sinh vật (dầu khí). Vì vậy, trong thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên cản trở hoạt động đánh bắt cá trên biển (xua đuổi, bắt giữ và sử dụng vũ lực đe dọa) và gần đây là hoạt động thăm dò dầu khí của các nước ASEAN, thậm chí yêu cầu tất cả các quốc gia ngừng khai thác dầu khí ở Biển Đông – một trong những vùng biển nửa kín rộng nhất thế giới mà Trung Quốc cho rằng thuộc "chủ quyền" của họ. 
Nếu những sự kiện tương tự diễn ra liên tiếp và trong một thời gian dài, ngư dân các nước sẽ rất khó khăn khi ra khơi đánh cá và hợp tác với các công ty nước ngoài trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Với chiến lược này, Trung Quốc trực tiếp đánh vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực, đồng thời kiểm soát được nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu phát triển của Trung Quốc.
Trên cơ sở các hoạt động thực địa, Trung Quốc muốn ép các nước đàm phán để thực hiện "hợp tác khai thác chung" theo cách thức và điều kiện do Trung Quốc áp đặt, theo đó chủ quyền đối với vùng biển liên quan thuộc về Trung Quốc và khai thác chung chỉ nhằm mục đích nâng cao hiểu biết và tạo điều kiện cho giải pháp cuối cùng về chủ quyền lãnh thổ. Nếu làm được điều này, Trung Quốc đã thành công trong chiến lược "biến không thành có", biến vùng không có tranh chấp thành "vùng tranh chấp", biến yêu sách không có cơ sở pháp lý thành thực tế được các quốc gia liên quan thừa nhận, chấp nhận "quyền hợp pháp" của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông. 
Về phương diện pháp lý quốc tế, Trung Quốc tự mâu thuẫn khi đưa ra tuyên bố về "đường lưỡi bò" và quy chế của vùng biển nằm bên trong phạm vi đường yêu sách đó. Một mặt, khẳng định "chủ quyền" đối với 80 % Biển Đông, mặt khác Trung Quốc luôn tuyên bố tôn trọng quyền tự do hàng hải của các quốc gia tại vùng biển này. 
Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, trong vùng biển thuộc chủ quyền, quốc gia ven biển thực hiện quyền tối cao đối với lãnh thổ, vì vậy không đồng thời tồn tại "chủ quyền" và "quyền tự do hàng hải" trên cùng một vùng biển. Trung Quốc cũng đã từng đưa ra cam kết với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002 về việc tôn trọng quyền tự do hàng hải tại Biển Đông "được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của luật quốc tế, kể cả Công ước Luật biển năm 1982". 
Như vậy, yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc năm 2009 hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và đi ngược lại với những gì Trung Quốc đã tuyên bố và cam kết.
Việt Nam kiên trì con đường đấu tranh hòa bình
"Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm chống lại quốc gia khác" – đó là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế mà Việt Nam luôn tuân thủ và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Để đấu tranh chống lại hành động liên tiếp "gây hấn" của Trung Quốc, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, chúng ta cần kiên trì con đường hòa bình, thông qua ngoại giao, đàm phán, mềm dẻo nhưng kiên quyết, không nhượng bộ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. 
Tất cả hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua đều được thực hiện một cách có chủ ý, có hoạch định và tính toán từ trước. Vì vậy, không loại trừ khả năng Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động nhằm "khiêu khích" để Việt Nam "vượt quá giới hạn" gây xung đột vũ trang trong khu vực. Trong mọi trường hợp, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, phải luôn được viện dẫn như là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để giải quyết vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, trước hành vi "lấn lướt" trên thực địa của Trung Quốc, ngoại giao là biện pháp quan trọng, thiết yếu nhưng chưa đủ. Trước mắt, cần tiến hành các biện pháp bảo vệ tàu Viking II. Nếu tàu Bình Minh 02 vẫn tiếp tục ra khơi với 8 tàu bảo vệ thì biện pháp tương tự cũng nên áp dụng với tàu Viking II. Đây là biện pháp tạm thời nhưng tỏ rõ thái độ kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam. 
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động chấp pháp trên biển của các cơ quan chức năng. Không chỉ dừng lại ở hành vi xua đuổi tàu cá Trung Quốc thực hiện hành vi vi phạm, trong trường hợp cần thiết, tiến hành bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật, phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982 (điều 73).
Trên bình diện quốc tế, cần công khai, minh bạch để các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhìn nhận chính xác sự việc, hiểu rõ quan điểm và cách hành xử theo pháp luật của Việt Nam. Một trong những biện pháp mà Việt Nam có thể tính đến là giải quyết tại Tòa án trọng tài quốc tế, thông qua việc áp dụng thủ tục bắt buộc quy định tại điều 287 của Công ước Luật biển năm 1982.
TS Nguyễn Toàn Thắng