VN nên "đền" để Lào ngừng xây thủy điện trên dòng chính?

18/04/2011 14:35
"Việt Nam hiện đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mekong ở Lào. Việc tăng cường hỗ trợ và viện trợ Lào xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh".

"Việt Nam hiện đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mekong ở Lào. Việc tăng cường hỗ trợ và viện trợ Lào nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp “đền bù” hoặc giải pháp “cùng có lợi”".

Đây là một trong những đề xuất của nhóm các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam sau thông tin Lào đang khởi động những công trình khu vực xây dựng đập Sayabouri đăng tải trên báo chí Việt Nam ngày 18/4.

Lào không được lợi bằng Trung Quốc

Các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam phân tích, tác động tiêu cực của đập Sayabouri ở mức độ nhất định có thể không lớn. Tuy nhiên, họ e ngại, nếu đập Sayabouri được xây dựng, nó sẽ tạo tiền lệ cho việc xây dựng  toàn bộ các đập khác trên dòng chính Mekong ở phần Hạ lưu vực.

Theo các nhà khoa học, đối với ĐBSCL, việc xây đập Sayabouri và 11 bậc thang khác trên dòng chính hạ lưu vực sông Mekong sẽ không mang lại bất cứ một lợi ích nào cho ĐBSCL. Nó đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai, đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
 

Vị trí các con đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.
Vị trí các con đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.


Bởi lẽ, tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến là các thủy điện không điều tiết, chỉ phục vụ duy nhất một mục đích là phát điện, không có tác dụng điều hòa nguồn nước, không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô.

Các đập thủy điện đều có đập cao từ 22-72m, có dung tích từ 220 triệu đến trên 2 tỷ m3,  sẽ có tác dụng điều tiết ngày. Đồng nghĩa, trong mùa khô, các nhà máy có khả năng giữ lưu lượng nước đến trong ngày, gây nên sự thay đổi dòng chảy đặc biệt gây giảm dòng chảy mùa khô đến hạ lưu.

12 đập thủy điện làm hơn 50% chiều dài sông Mekong Hạ lưu vực thành các vùng hồ nước, dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn sẽ lắng đọng các vùng hồ, việc giảm phù sa hạ lưu sẽ gây nên hàng loạt tác động đến Châu thổ Mekong ở Campuchia và ĐBSCL: tác động trực tiếp đến nguồn dinh dưỡng cho cá nội địa và đặc biệt nguồn dinh dưỡng cho các vùng biển cửa sông.

Các nghiên cứu chỉ ra được tác động của phát triển đê đập thượng lưu sẽ gây sự chìm xuống các châu thổ. ĐBSCL không tránh khỏi nguy cơ này, và hàng loạt tác động chưa lường trước.

Đối với Lào, nhóm các nhà khoa học này cho rằng, Lào sẽ chịu nhiều rủi ro do phát triển thủy điện. Tất cả thủy điện dự kiến đều do các nhà đầu tư tư nhân hoặc các tập đoàn nhà nước các quốc gia không phải của Lào đầu tư, xây dựng, vận hành và chuyển giao (trong đó Trung Quốc 4-5 nhà máy, Thái, 4; Việt Nam 1-2, Malaysia 1..).

Mặc dù Lào sẽ thu được 70% lợi ích về điện (2,6 tỉ USD/năm) từ các công trình dòng chính, nhưng trong 25-30 năm đầu vận hành theo phương thức BOT, phần lớn lợi ích (bằng tiền) là vào tay nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, không phải chính phủ hay nhân dân Lào.

Chính phủ Lào chỉ hưởng được 26-31% từ tổng doanh thu (tức chỉ khoảng 676-806 triệu USD/năm). Việc có được quy chế vận hành liên hồ để giảm thiệt hại cho hạ lưu là điều gần như không thể thực hiện.

Các nhà khoa học thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phân tích thêm, Trung Quốc sẽ nắm giữ và vận hành 4-5 nhà máy thủy điện trên dòng chính Hạ lưu vực. Họ sẽ là quốc gia chiếm lợi thế toàn diện về kinh tế, tầm ảnh hưởng và khống chế nguồn nước và tác động môi truờng đến các quốc gia hạ lưu đặc biệt là ĐBSCL.

Việt Nam nên giúp Lào xây dựng thủy điện trên dòng nhánh

Theo các nhà khoa học, hiện đã có nhiều giải pháp năng lượng thay thế bền vững có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế  và năng lượng trong hạ lưu vực Mekong. Có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế cùng giúp Lào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và tìm các giải pháp năng lượng thay thế.

 Họ đề xuất,  Việt Nam hiện đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mekong ở Lào nên có thể tăng cường hỗ trợ và viện trợ nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp “đền bù” hoặc giải pháp “cùng có lợi”.

Ngoài ra, kiên quyết trì hoãn việc xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghiên cứu bổ sung theo khuyến nghị của báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược của Ủy hội Sông Mekong (SEA) và đây là điều kiện tiên quyết để tránh hậu quả lớn lao sau này.

Chính phủ nên giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 công trình đập thủy điện đối với ĐBSCL. Trong đó, xem xét phân tích lợi ích đa chiều vấn đề nhập khẩu điện từ các công trình dòng chính sông Mekong trong chiến lược năng lượng để có điều chỉnh phù hợp nhất, có xem xét đầy đủ lợi ích và thiệt hại của quốc gia.

"Đề nghị phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề thủy điện dòng chính sông Mekong để tranh thủ và vận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ trong vấn đề này" - nhóm các nhà khoa học đề xuất.

Theo Hoàng Hạnh/KH&ĐS