"Việt Nam có thể yêu cầu HĐBA Liên Hiệp quốc can thiệp"

06/06/2011 23:51
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, trường hợp Việt Nam kiện ra Tòa án Công lý quốc tế mà Trung Quốc không thực hiện thì có thể yêu cầu HĐBA Liên Hiệp quốc can thiệp.
Theo PGS - TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao), trường hợp Việt Nam kiện ra Tòa án Công lý quốc tế mà Trung Quốc không thực hiện phán quyết của tòa thì có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp
* Phóng viên: Xin ông cho biết cơ sở pháp lý để Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc về việc tàu hải giám nước này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đồng thời phá hoại tài sản của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam?
 
- PGS - TS Nguyễn Hồng Thao: Hiến chương của Liên Hiệp Quốc năm 1945 quy định tại điều khoản 33 về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, đàm phán, trung gian hòa giải và đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế. Khi đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế, phải dựa trên quy chế và nguyên tắc là các quốc gia đều đồng ý. Do vậy, khi đưa các vụ việc ra Tòa án Công lý quốc tế, các quốc gia có thể dựa trên 3 cơ sở: các quốc gia ký thỏa thuận đồng ý đưa vấn đề ra tòa án quốc tế; các quốc gia có thể tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của tòa; trong các quốc gia có hiệp ước quy định khi xảy ra tranh chấp thì đưa ra tòa án quốc tế.
* Trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế và thắng kiện nhưng phía Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết của tòa thì cơ quan quốc tế nào sẽ xử lý?
- Quy chế của Tòa án Công lý quốc tế quy định rõ thẩm quyền của tòa án này dựa trên sự thỏa thuận của quốc gia, các quốc gia yêu cầu giải quyết vấn đề nào thì tòa án giải quyết vấn đề đó. Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế là phán quyết cuối cùng, các bên phải có nghĩa vụ thi hành, dựa trên thiện chí cam kết thực hiện các nguyên tắc quốc tế. Nếu xảy ra tình huống Trung Quốc không thực hiện phán quyết của tòa án quốc tế, Việt Nam có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp.
* Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà nước này đã ký kết cùng ASEAN. Phải chăng Trung Quốc bất chấp tất cả để đạt được tham vọng “đường lưỡi bò”?
- DOC đã được ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết năm 2002. Tuyên bố này có đưa ra một số nguyên tắc như các bên kiềm chế không mở rộng chiếm đóng mới; không làm phức tạp thêm tình hình; hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, chống cướp biển. Tuy nhiên, việc thực hiện tuyên bố này phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các bên. 
Nhằm ổn định tình hình trên biển Đông, rất nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), đây sẽ là văn bản pháp lý có tính ràng buộc. Cuộc họp cấp cao ASEAN vừa qua ở Jakarta (Indonesia) cũng đặt ra mục tiêu kêu gọi các bên sớm đạt được COC vào năm 2022.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ở Trường Sa. Ảnh: THẾ DŨNG
* Không thể không đặt tình huống Việt Nam sử dụng giải pháp ôn hòa và chờ đến khi có COC thì Trung Quốc sẽ tiếp tục có hành động “leo thang” ở biển Đông?
- Việt Nam và Trung Quốc có chung câu thành ngữ “mềm nắn, rắn buông”. Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giữ vững chủ quyền của dân tộc ta đã chứng minh có lúc cần kiên quyết thì rất kiên quyết, thời điểm cần mềm dẻo thì cũng rất mềm dẻo. Việt Nam không sợ bất cứ ai, khi chủ quyền bị xâm phạm, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. 
Khi cần, Việt Nam sẽ hành động cứng rắn
Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đề nghị thiết lập một kênh truyền thông đặc biệt nhằm chia sẻ hoạt động kinh tế ở biển Đông
Trao đổi với phóng viên, TS Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược - Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), nhấn mạnh: “Về việc tranh chấp ở biển Đông, vũ khí chính mà chúng ta cần sử dụng là ngoại giao, luật pháp quốc tế và tập hợp các tiếng nói ủng hộ trên các diễn đàn quốc tế cũng như khu vực. Tùy vào bản chất của từng sự việc, Việt Nam sẽ có phản ứng phù hợp và khi cần, sẽ có hành động cứng rắn nhằm tự vệ”.
Trong vụ tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh và công khai sự kiện trên nhiều nguồn khác nhau. Đáng mừng là dư luận quốc tế cũng rất quan tâm và đa số xem đây là một sự kiện nằm trong “bước đi” mang tính hệ thống của Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc đã công khai “đường lưỡi bò”. Theo đánh giá của giới nghiên cứu quốc tế, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục hành xử mạnh bạo trên biển Đông. Vì vậy, cấp thiết phải có một quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý để kiềm chế hành động quá khích của các bên nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi thông báo hôm 5-6 rằng Thủ tướng Najib Tun Razak đã đề nghị thiết lập một kênh truyền thông đặc biệt nhằm chia sẻ hoạt động kinh tế ở biển Đông.
Hãng tin Bernama dẫn lời ông Ahmad Zahid bên lề Diễn đàn An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2011 (Đối thoại Shangri-La 10) ở Singapore: “Phương tiện truyền thông được thiết lập không chỉ căn cứ trên sự tham gia công bằng mà còn chia sẻ hoạt động thăm dò tài nguyên thiên nhiên”. Ông Ahmad Zahid cho rằng các nước tuyên bố có chủ quyền nơi đây nên cùng nhau thảo luận đa phương hơn là đàm phán song phương. “Chỉ số thành tích then chốt của chúng ta không dựa trên bao nhiêu cuộc chiến chúng ta sẽ giành thắng lợi mà phải căn cứ vào bao nhiêu cuộc chiến hay vụ khủng hoảng mà chúng ta tránh được” - ông Ahmad Zahid nói.
Theo hãng tin Bernama, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề nghị của Malaysia về việc thành lập kênh truyền thông đặc biệt nhằm chia sẻ hoạt động kinh tế ở biển Đông.
 Theo NLĐ