Vụ đẻ rơi trong nhà tạm giữ: Chuyển hồ sơ lên CA Hà Nội để làm rõ

22/07/2011 06:10
(GDVN) - VKSND huyện Đông Anh vừa ra Quyết định chuyển vụ án hình sự số 11 đề nghị cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh chuyển vụ án đến cơ quan CSĐT CATP Hà Nội.

(GDVN) - Liên quan đến sự việc chị Lê Thị Lâm (SN 1987, trú tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ của Công an huyện Đông Anh, VKSND huyện Đông Anh vừa ra Quyết định chuyển vụ án hình sự số 11 đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Đông Anh chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội điều tra giải quyết tiếp.  
 
Theo thông tin từ cơ quan công an huyện Đông Anh, ngày 14/7/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Đông Anh có công văn số 511 đề nghị VKSND huyện Đông Anh ra Quyết định chuyển vụ án hình sự: “Cướp tài sản”, xảy ra ngày 04/2/2011 tại tổ 35 thị trấn Đông Anh, Hà Nội đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội điều tra giải quyết tiếp.

Chị Lê Thị Lâm vẫn chưa tìm được đứa con bị
Chị Lê Thị Lâm vẫn chưa tìm được đứa con bị "mất tích"

Ngày 18/7/2011, VKSND huyện Đông Anh ra Quyết định chuyển vụ án hình sự số 11 đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Đông Anh chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội.

Trước đó báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh đã tạm giữ hình sự đối với hai người phụ nữ đang mang bầu là chị Lê Thị Lâm (SN 1987, trú tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, đang mang bầu 37 tuần tuổi) và chị Nguyễn Thị Hà (chị dâu của Lâm, đang mang bầu 26 tuần tuổi) dẫn đến việc chị Lâm đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ của Công an huyện Đông Anh.

Đánh giá về sự việc này, luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho biết: Qua sự phản ánh của các cơ quan báo chí, đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội đã có ý kiến về sự việc.  Ngày 18/7, VKSND huyện Đông Anh ra Quyết định chuyển vụ án án hình sự số 11 đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội thể hiện tinh thần có trách nhiệm của lãnh đạo công an TP Hà Nội trong quá trình giải quyết sự việc này. Có thể thấy, động thái trên sẽ đảm bảo tính khách quan và vô tư trong quá trình điều tra sự việc này.

Luật sư Trần Đình Triển cũng đang hoàn thiện thủ tục để liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội (PC45) đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bị can Nguyễn Thị Hà và Lê Thị Lâm theo quy định. 

Trước đó, trả lời báo chí, đại tá Nguyễn Đức Chung – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA TP. Hà Nội. CA Hà Nội đã khẳng định rằng: “Sẽ điều tra hành vi môi giới cho nhận hài nhi đẻ rơi”. Đại tá Chung cho biết, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh đã tìm ra gia đình nuôi dưỡng cháu bé, quá trình cho nhận phức tạp, liên quan đến hàng chục đối tượng môi giới.

Trước đề nghị của PV báo chí về việc Công an TP. Hà Nội cần làm rõ toàn bộ quá trình giao nhận con của Lâm, có đúng là con của bị can Lâm không? Việc cho nhận trẻ sơ sinh có đúng pháp luật không? Đại tá Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Hiện nay theo tài liệu thu thập được, đã làm rõ quá trình cho, nhận cháu bé trai do bị can Lâm đẻ. Việc xác định hành vi của các đối tượng (môi giới cho nhận trẻ sơ sinh – PV) này đúng hay sai với quy định của pháp luật và có đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật thì Cơ quan CSĐT CA TP đang chỉ đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT phối hợp với CA huyện Đông Anh điều tra, làm rõ.

Kết quả xử lý cuối cùng, Cơ quan CS ĐT CA TP. Hà Nội sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí”.

{iarelatednews articleid='7227,7290,7168,7227,6920,6770,6484,6725,6578,6553,6557,6422,6314,6259,6056,5855'}

Đỗ Văn

alt