Tuyển sinh 2012: Nghịch lý trong quy chế tuyển sinh hệ trung cấp

20/03/2012 06:00
Theo Thanh niên
Hiện nhiều trường đang tìm cách lách quy định này bằng việc sẽ thành lập trường TCCN trong trường ĐH.

Cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 57 được dư luận đồng tình. Điểm nổi bật là từ năm 2012 các ĐH, học viện, trường ĐH không được đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Điều này xuất phát từ thực tế nhiều trường dù là ĐH nhưng số lượng sinh viên bậc TCCN còn nhiều hơn cả bậc ĐH-CĐ. Dựa vào thế mạnh của mình là một trường ĐH, các trường đã ào ạt tuyển sinh TCCN. Đây cũng là một trong những lý do khiến hàng loạt trường TCCN không thể tuyển sinh được. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện các trường TCCN chỉ đào tạo khoảng 40% số học sinh TCCN, 60% ở các trường ĐH-CĐ. Đó là chưa kể, điều 42 luật Giáo dục quy định: Trường ĐH đào tạo trình độ ĐH-CĐ và thạc sĩ, tiến sĩ khi được phép. Như vậy, rõ ràng đào tạo TCCN trong trường ĐH như lâu nay đã vi phạm luật.
Nhiều trường ĐH có đào tạo TCCN miễn cưỡng đón nhận thông tư này. Lãnh đạo các trường đưa ra nhiều lý do để níu kéo bậc học này như ngành đặc thù, sẵn cơ sở vật chất và cán bộ giảng dạy… Và thế là các trường làm đơn xin Bộ GD-ĐT cho tiếp tục tuyển sinh TCCN trong năm nay. Trả lời Báo Thanh Niên, ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ TCCN Bộ GD-ĐT cho biết hiện có gần 30 trường ĐH gửi đề nghị được đào tạo TCCN. Cũng theo ông Vinh, sắp tới, căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực, đặc thù của địa phương hoặc của từng trường để cho phép trường có được đào tạo TCCN hay không. Nếu Bộ GD-ĐT giải quyết theo cách này rõ ràng không ổn, không ai biết chắc đâu là nhu cầu nhân lực, đâu là đặc thù của trường hay địa phương… Vì thế chắc chắn sẽ nảy sinh cơ chế “xin - cho”.

Cũng đã xảy ra tình trạng tương tự đối với điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ mà bộ vừa mới bỏ. Điều này quy định về mức điểm chênh lệch đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số và quy định cho phép các trường đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Các quy định này nhằm nới rộng khoảng cách ưu tiên điểm khu vực để tạo điều kiện cho thí sinh vùng dân tộc thiểu số được đi học, đồng thời giúp các địa phương khó khăn về nguồn tuyển cán bộ được cử người đi học với những chính sách ưu tiên. Do bộ không quy định công khai và cụ thể những tiêu chí thực hiện nên hằng năm, trường nào “chạy” giỏi sẽ được hưởng ưu tiên này.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã cân nhắc rất kỹ trước khi ban hành Thông tư 57 không để các trường ĐH tuyển sinh và đào tạo TCCN. Vậy không có lý do gì đến giờ này, bộ lại cho rằng sẽ xem xét để cho phép trường nào được đào tạo. Không ít trường trong số này khi làm đề án xin nâng cấp từ TCCN lên CĐ, rồi từ CĐ lên ĐH đã khẳng định đủ tiềm lực đào tạo trình độ ĐH, CĐ. Thế sao giờ này lại còn vương vấn bậc TCCN? Đó là chưa kể hiện nhiều trường đang tìm cách lách quy định này bằng việc sẽ thành lập trường TCCN trong trường ĐH. Trong việc này, lãnh đạo bộ cần phải cương quyết, nghiêm minh, tránh tình trạng tiền hậu bất nhất.
Theo Thanh niên