Tuyển sinh 2012: Sức ép từ việc chọn trường của sĩ tử

20/03/2012 06:00
Theo giadinh.net.vn
Trong việc chọn trường, chọn nghề, học sinh không thể bỏ qua ý kiến góp ý, định hướng của người lớn. Song, quyết định phải do chính các em đưa ra.
Gần hết tuần đầu thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi Đại học, Cao đẳng, vẫn có rất ít thí sinh đến nộp, bởi các em còn nghiên cứu tài liệu, tham khảo ý kiến của gia đình, người thân về trường dự thi, ngành dự thi. Có em làm tới mấy bộ hồ sơ, chờ nộp với nhiều tâm trạng khác nhau…
Minh họa: nhận hồ sơ thi ĐH của thí sinh
Minh họa: nhận hồ sơ thi ĐH của thí sinh
Ngàn lẻ một… sức ép
Mặc dù thời điểm này cần sự vui vẻ, lạc quan để tập trung học tập, nhưng Trần Thị Hoa (Phú Thọ) đang cảm thấy không thoải mái. Em thích học sư phạm, nhưng bố mẹ lại muốn con theo nghề bác sĩ. Không cãi được cha mẹ, Hoa phải làm hồ sơ thi vào Đại học Y Hà Nội với hi vọng... không đỗ (để năm tới thi lại Đại học Sư phạm). Hoa tâm sự: Bố mẹ có lý của bố mẹ, rằng thi vào nghề Y thì rất tốt, không những tự biết cách bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn khiến cả gia đình yên tâm. Hơn nữa, thu nhập của ngành này hiện nay rất cao. Nhưng mình không thích một chút nào. Vì vậy, làm hồ sơ để chiều theo bố mẹ thôi, nếu đỗ mình cũng không học, nếu học thì chắc chắn sang năm mình sẽ thi lại.
Cũng giống như Hoa, rất nhiều học sinh hiện nay đang đứng trước sức ép chọn trường, chọn nghề theo mong muốn cùa cha mẹ. Ngay từ đầu năm lớp 10, Nguyễn Văn Hùng được gia đình “chọn” cho một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội. Ba mẹ bắt em phải học ngày học đêm, mua mọi loại sách tham khảo, ôn tập và không để em làm bất cứ việc gì ngoài học và học. Không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè, đôi lúc Hùng cảm thấy mình kiệt sức.
Bên cạnh đó, ba mẹ lúc nào cũng nói: “Đầu tư tất cả cho con như vậy mà không đỗ đại học thì cha mẹ chỉ còn nước chui xuống đất”; những người xung quanh thì ngoài việc hỏi han xem học hành, thi cử thế nào, luôn luôn kèm theo câu nói: “Bố mẹ giỏi thế kiểu gì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, việc đỗ đại học là trong tầm tay” khiến Hùng ngày càng thấy hoang mang, lo lắng...

Mình muốn làm nghề gì?
Trong buổi tư vấn tuyển sinh cho học sinh Đà Nẵng về mặt lựa chọn nghề (cuối tháng 2/2012), ông Nguyễn Phan Duy Vũ – chuyên viên phòng Giáo dục Chuyên nghiệp – Thường xuyên (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) nhấn mạnh: Các em nên chọn những ngành nghề theo năng lực, sở thích của mình. Nếu em nào thích một ngành nhưng không đủ khả năng thì vào thì có thể học trung cấp, cao đẳng và sau đó “đi đường vòng” bằng cách liên thông lên đại học.
Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thì phân tích về sự không thống nhất giữa cha mẹ và con cái trong việc chọn trường, chọn nghề. Ông cho rằng, trước hết, các em cần trả lời câu hỏi: Mình muốn làm ngành gì?
Tất nhiên, trong việc chọn trường, chọn nghề, học sinh không thể bỏ qua ý kiến góp ý, định hướng của người lớn. Song điều quan trọng, quyết định phải do chính các em đưa ra. Tiến sĩ Đinh Phương Duy nhấn mạnh, không nên tạo căng thẳng giữa bố mẹ và con vì sẽ ảnh hưởng tới học tập, ôn thi. Để thuyết phục cha mẹ về lựa chọn của mình, học sinh có thể trao đổi với bố mẹ là đã chuẩn bị khối thi rồi; cố gắng để chứng mình năng lực của mình phù hợp với ngành mình lựa chọn. Bên cạnh đó, các em có thể thu thập những hình ảnh, việc làm của ngành này để nói với bố mẹ, nói về cơ hội việc làm của ngành để bố mẹ hiểu nguyện vọng của mình.
Chuyên gia tư vấn Thảo Nguyên (đường dây tư vấn 1088 Hà Nội) có lời nhắn gửi tới các bậc cha mẹ đang có con chuẩn bị thi đại học rằng: Cha mẹ cần quan tâm, động viên con kịp thời thay vì trách mắng, dằn vặt trước sự lựa chọn của con. Trong thời gian này, cha mẹ cần thật sự gần gũi với con, hãy là chỗ dựa vững chắc cho các con chứ không nên là gánh nặng, áp lực.
Theo giadinh.net.vn