Tuyển sinh 2012: Xuất hiện nhiều ngành học mới lạ

22/03/2012 09:03
Theo Đất việt
Thiết kế cảnh quan, ngôn ngữ Ả rập, nghiên cứu hạt nhân... là những ngành học mới lạ được nhiều trường “mời chào” tại đợt tuyển sinh năm nay.

Cổng trường rộng mở

Ngành Quan hệ lao động có tên rất… trừu tượng nhưng hiện đang là ngành “hot” được các doanh nghiệp quan tâm.
Học sinh đang rất cần thông tin về các ngành học và nhu cầu nhân lực.
Học sinh đang rất cần thông tin về các ngành học và nhu cầu nhân lực.
Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một trong 2 trường trong cả nước đào tạo hệ đại học ngành Quan hệ lao động cho biết: “Sinh viên học ngành này được trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý mọi mối quan hệ lao động, phương pháp phân tích đánh giá và ra quyết định liên quan trong ứng xử với người lao động… Sinh viên ra trường có thể làm tại phòng thiết kế, thẩm định giá, giám sát xây dựng, nhân sự…”.

Điểm đầu vào ngành này cũng không cao: Chỉ 13-15 điểm “là mức điểm phù hợp với sức học của phần lớn học sinh”- bà Huyền nói.

Tương tự, ngành Hoa viên cây cảnh- thiết kế cảnh quan hiện cũng đang thiếu nhân lực trầm trọng trong bối cảnh nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đã và đang được xây dựng. Ngành này thi khối A, B, điểm đầu vào từ 13-16 điểm. Ngành Hoa viên cây cảnh- thiết kế cảnh quan được đào tạo bài bản ở Đại học Nông lâm TP.HCM và Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Ngành Vi sinh vật học cũng là một ngành “lạ” mà mới nghe, nhiều người cho rằng thiên về nghiên cứu. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, đây là ngành học có tính ứng dụng cao, sinh viên có thể làm việc “đa năng”. “Sinh viên học ngành này được học nhiều kiến thức liên quan như men thực phẩm, vi sinh trong an toàn thực phẩm, vi sinh môi trường, vi sinh công nghiệp, vi khuẩn gây bệnh trong thủy sản, vaccin học, miễn dịch học, vi sinh trong chăn nuôi… phục vụ các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn”- ông An nói.

Ngành mới, nghề lạ

Một trong những ngành mới của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM là ngành Kỹ thuật hạt nhân. Đây là ngành học “đón đầu” các dự án điện hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân. Thạc sĩ Lê Văn Lai - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết: “Sinh viên học ngành này có khả năng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực, đặc biệt là sinh học và y học. Sau khi tốt nghiệp có thể dễ dàng tìm việc làm tại các viện hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân, các bệnh viện, các viện sinh học, các trung tâm giống…”.

Ngành học mà Bộ GDĐT khuyến cáo quá dư thừa nhân lực, khó tìm việc là ngành dược, điều dưỡng trình độ trung cấp. Năm 2012, Bộ GDĐT yêu cầu các trường rà soát, giảm chỉ tiêu đào tạo và từ chối việc mở ngành đào tạo điều dưỡng, dược trình độ trung cấp đối với 5 trường có ý định mở mới những ngành này.

Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội mới mở ngành Ngôn ngữ Ả rập (mã ngành D220211). Đây là ngành học mà học sinh… ngại học vì lý do ngôn ngữ quá khác biệt so với hệ ngôn ngữ Latin. Tuy nhiên, đây lại là ngành mà 100% sinh viên ra trường có việc làm. Bùi Thanh Mai - sinh viên khoa Ngôn ngữ Pháp đang học thêm ngoại ngữ 2 ngôn ngữ Ả rập cho biết: “Hiện Việt Nam đang có nhiều đối tác tại khu vực Trung Đông gồm 6 nước sử dụng ngôn ngữ Ả rập nhưng thiếu phiên dịch, thiếu người đại diện biết tiếng Ả rập”.
Trường Đại học Y dược Hà Nội cũng mới mở ngành Xét nghiệm y học (hệ cao đẳng) nhằm tăng cường nhân lực cho các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh trong bối cảnh các bệnh viện có máy xét nghiệm nhưng thiếu người vận hành.

Một ngành học không mới nhưng đang có nhiều ứng dụng mới là ngành Tâm lý học. Thạc sĩ Nguyễn Văn Lượt - Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho hay: “Xã hội công nghiệp ngày càng nảy sinh các vấn đề tâm lý, sức khỏe tinh thần cần phải giải quyết. Do đó, nhu cầu nhân lực về tâm lý ngày càng tăng. Sinh viên ra trường có thể làm trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lẫn doanh nghiệp, trường học”.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Đất việt