Chó nghiệp vụ - binh chủng đặc biệt của lực lượng vũ trang

07/07/2011 08:58
Đằng sau những chiến công ấy là công sức không nhỏ của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên Trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ.

Những chiến công của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trong phòng, chống tội phạm ma túy, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn có phần đóng góp quan trọng của một “binh chủng đặc biệt” - chó nghiệp vụ. Đằng sau những chiến công ấy là công sức không nhỏ của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên Trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ.

Chiến công từ khổ luyện

Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ đã tham gia chiến đấu 63 trận, trực tiếp truy bắt được 83 tên gián điệp, biệt kích, 4 giặc lái Mỹ, truy tìm 2 xác máy bay, bắt 3 tên phản cách mạng đang tìm đường vượt giới tuyến;

khám phá phát hiện 37 vụ án hình sự, bắt 70 tên tội phạm trốn trại. Nhiều huấn luyện viên đã lập thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 28 huân chương chiến công. Tiêu biểu cho các huấn luyện viên đó là Ma Văn Ngân sử dụng chó nghiệp vụ Evi truy bắt 4 tên phản động trong nhóm Hoàng Cơ Minh xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam năm 1990;
 

 

huấn luyện viên Trần Thanh Long sử dụng chó nghiệp vụ Ro Man cùng đội công tác của đồn Biên phòng 547 Nghệ An đã dũng cảm truy lùng, bắt gọn 7 tên phỉ ngày 11-9-2004 và nhiều huấn luyện viên khác đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Trong thời kỳ hiện nay, những chú chó nghiệp vụ cũng đã lập công xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quân sự, ngăn chặn, bắt giữ các hoạt động buôn lậu lớn...

Thời gian gần đây, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo nhà trường huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đánh bắt tội phạm buôn lậu ma túy có vũ trang qua biên giới và tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

 Thượng tá Nguyễn Văn Chiến - Phó hiệu trưởng nhà trường, kể về trận đánh do anh trực tiếp chỉ huy 19 cán bộ, huấn luyện viên và 15 chó nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng đánh bắt tội phạm ma túy lớn tại bản Lắc Phương, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vào tháng 11-2009.

 Đoàn đã cơ động từ 4 giờ sáng đến 18 giờ chiều, vượt chặng đường gần 300km để đến được vị trí tập kết đổ quân. Trong quãng đường dài ấy, ngồi trong xe thùng bịt kín, người và chó đều say xe. Tuy nhiên, ngay khi đến địa bàn, toàn đội đã nhanh chóng triển khai đội hình mật phục và tổ chức đánh án.

Trong đợt phá án này, với sự hỗ trợ đắc lực của chó nghiệp vụ, chỉ sau hai phút đã bắt gọn hai đối tượng, thu hai súng quân dụng, 24 bánh hê-rô-in, 398 viên ma túy tổng hợp cùng một số tang vật...

Tháng 12-2007, tại mỏ đá D3, Công trình thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) đã xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng, làm 18 cán bộ, công nhân thiệt mạng. Khi có mặt tại hiện trường, đội chó nghiệp vụ của nhà trường đã xác định đúng vị trí, phối hợp cùng với các lực lượng tìm được 11 thi thể nạn nhân và một số máy móc trang bị, dụng cụ lao động bị vùi lấp...

Tâm huyết với nghề

Đại tá, tiến sĩ Phạm Văn Thùy, Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng cho biết: Trong huấn luyện, muốn thành lập phản xạ của chó nghiệp vụ ở các khoa mục, trước hết phải huấn luyện cho chó có tính kỷ luật cao, có thể lực tốt. Đây là cả một quá trình gian nan, vất vả của cả “thầy” lẫn “trò”.
 

 

Khi huấn luyện viên điều khiển chó vượt qua hệ thống vật cản như cầu độc mộc, cầu thang cao, hàng rào sắt, vòng lửa, lỗ châu mai, rào mái nhà, hố dài, hầm ngầm, ôtô... cũng gian nan không kém.

Để những chú chó nghiệp vụ có thể đảm nhận được nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ chiến đấu, truy lùng, bảo vệ mục tiêu, cắn bắt, dẫn giải đối tượng, tuần tra bảo vệ biên giới, giám biệt nguồn hơi hỗ trợ điều tra hình sự, phát hiện các chất ma túy, thuốc nổ và tìm kiếm cứu nạn, là cả một quá trình khổ luyện, đòi hỏi nhiều công sức của huấn luyện viên.

Đại tá Phạm Văn Thùy nói thêm: Theo nghề huấn luyện chó nghiệp vụ thì có thêm “thiên chức làm mẹ”, vì phải thức khuya, dậy sớm, “ăn không ngon, ngủ không yên” những khi chó ốm, hoặc khi chúng không “hoàn thành nhiệm vụ”. Huấn luyện viên cũng là nghề nguy hiểm vì ngoài việc tham gia tìm kiếm cứu nạn, huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ còn xung trận đánh bắt tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy và phát hiện thuốc nổ.

Hoạt động của bọn tội phạm, nhất là tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng bắn vào huấn luyện viên và chó nghiệp vụ. Bởi vậy, đòi hỏi người huấn luyện viên phải có sức khỏe, tinh thông nghiệp vụ, giỏi võ thuật, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm để xử lý các tình huống nguy hiểm, phức tạp.

{iarelatednews articleid='6775,6779,6621,6648,3426,709,1540,4872,4873,4869,6558'}
Theo Công An Thành Phố HCM