Công ty Bình An đề xuất phương án tự cứu

26/03/2012 08:13
Theo PL TP HCM
Hiện Công ty Bình An đã đàm phán với đối tác để gia công sản phẩm và nhiều khả năng nhà máy hoạt động trở lại vào đầu tháng 4-2012.

Hiện UBND TP Cần Thơ vẫn yêu cầu duy trì hoạt động của tổ công tác để tiếp tục thống kê, ghi nhận thông tin về các khoản nợ phát sinh sau khi UBND TP Cần Thơ báo cáo tình hình cho Thủ tướng.

Tổ cũng theo dõi tình hình của công ty, các chế độ chính sách đối với công nhân… UBND TP Cần Thơ yêu cầu Công ty Bình An nhanh chóng hoàn tất báo cáo tài chính năm 2011. Trước đó, Bình An đã thuê công ty kiểm toán, kiểm toán toàn bộ hoạt động của công ty trong năm 2011, dự kiến kết thúc kiểm toán trong tháng 3-2012.
Hiện Công ty Bình An đã đàm phán với đối tác để gia công sản phẩm và nhiều khả năng nhà máy hoạt động trở lại vào đầu tháng 4-2012. Trước khi UBND TP Cần Thơ có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình của Bình An, công ty này đã có một báo cáo gửi cho trung ương và chính quyền địa phương để thông tin về tình hình hoạt động, các diễn biến nợ của công ty, tình hình sức khỏe của bà Phạm Thị Diệu Hiền và đưa ra một số phương án để cứu công ty. Trả lời một tờ báo, ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền, cho rằng số nợ theo thống kê của Công ty Bình An chỉ hơn 1.000 tỉ đồng.
Công nhân của Công ty Bình An hy vọng sớm quay lại làm việc. Trong ảnh: Công nhân của Bình An thời “hoàng kim”. Ảnh: GIA TUỆ
Công nhân của Công ty Bình An hy vọng sớm quay lại làm việc. Trong ảnh: Công nhân của Bình An thời “hoàng kim”. Ảnh: GIA TUỆ
Theo một nguồn tin, phương án mà Công ty Bình An đưa ra trong báo cáo nói trên gồm: Đề nghị UBND TP Cần Thơ đóng vai trò trung gian, đồng thuận để một số nhà đầu tư và hai ngân hàng nhận lãnh trả tiền cá cho các hộ dân và mua nguyên liệu sản xuất vào tháng 4; công ty bán tài sản riêng để trả nợ (bao gồm đất đai và cổ phần của Công ty Bình An), sau đó lấy tiền trả cho Ngân hàng ACB để nhận lại tài sản thế chấp cho ngân hàng khác với giá cao hơn, lấy chênh lệch trả nợ cho dân hoặc giãn thời gian trả nợ ngân hàng, tạm ngừng trả nợ gốc trong một thời gian; tái cơ cấu các khoản nợ và cung cấp thêm vốn để công ty đi vào sản xuất.
Ông Trần Văn Trí, cho biết bốn năm trước vợ ông đã mổ khối u ung thư ở ngực. Năm nay bệnh tái phát, bà phải sang Singapore cắt bỏ một bên nhũ hoa và một phần gan mới mong giữ được tính mạng.
“Hiện ung thư vú đã di căn vào gan nên vợ tôi buộc phải hóa trị tại Mỹ, lại chịu nhiều sức ép về tinh thần nên bị tai biến, liệt nhẹ tay trái phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Hiện chi phí điều trị bệnh của vợ tôi tại Mỹ rất lớn, riêng tiền cọc đã lên đến 500.000 USD. Chúng tôi không có đủ tiền nên vợ tôi chỉ vào hóa chất, sau đó sẽ trở về Việt Nam điều trị”.
Nói về căn bệnh ung thư vú đã di căn sang gan, một bác sĩ cho biết ông chưa tiếp xúc bệnh án của bà Hiền nhưng chuyện di căn sang gan đối với ung thu vú là không hiếm. Những trường hợp ung thư di căn đều là bệnh đã nặng, điều trị tốn rất nhiều tiền nhưng khó thể nói trước khả năng bình phục…
Theo PL TP HCM