Bí ẩn hệ thống hầm hào trong lòng núi Cát Bà

26/03/2012 07:56
Theo TPO
Sau khi quân đội bàn giao hai khẩu pháo lừng lững do người Pháp lắp đặt, Đảo du lịch Cát Bà – Hải Phòng ngày càng kích thích du khách đến thăm quan.



Du khách chỉ vết cắt để bán phế liệu vẫn hằn trên nòng pháo.
Du khách chỉ vết cắt để bán phế liệu vẫn hằn trên nòng pháo.

Bắn chìm duy nhất một tàu chiến?
Trên một đỉnh núi cao 177 m so với mực nước biển ở đảo Cát Bà, Hải Phòng, hai khẩu pháo khủng nằm đó cả thế kỷ vẫn là một bí ẩn với chính nhiều người dân đảo này. Anh Nguyễn Trung Hiếu (ở đường Núi Ngọc, đảo Cát Bà) nhà gần pháo đài và là người kinh doanh du lịch hàng chục năm ở đảo. Anh Hiếu tự hào “biết tuốt”, nhưng được hỏi về hai khẩu pháo, anh tỏ ra rất lơ mơ. Nhiều người dân chỉ biết “nghe nói thế, nghe đồn thế” và thậm chí chưa từng nhìn thấy hai siêu pháo này. Giữa đảo du lịch với bãi cát trắng, nước biển trong xanh, du khách bất ngờ, thích thú khi khám phá, tận mắt nhìn hai khẩu pháo bằng thép cực lớn.
Gần đây, khu pháo đài được mở cửa một phần để đón khách du lịch và từ đó mọi người đều có thể lên ngắm và chạm vào thân pháo. Thông tin dành cho khách du lịch về hai khẩu pháo cũng chỉ vỏn vẹn vài dòng là loại pháo đối hải, được sản xuất năm 1910 tại Pháp, cỡ nòng 138 mm, điều khiển bằng điện và có khả năng bắn xa đến 40 km...
Đầu thế kỷ trước, quân đội viễn chinh Pháp quyết định trang bị ba khẩu pháo trên ngọn núi hiểm yếu đảo Cát Bà, nhằm trấn ngữ và kiểm soát toàn bộ cửa biển vào Hải Phòng. Từ trên cao, phóng tầm mắt nhìn thấy Đồ Sơn, đảo Long Châu và toàn bộ cửa biển cảng Hải Phòng.
Ba khẩu pháo được chuyển bằng đường biển từ nước Pháp sang Việt Nam lắp đặt. Nòng pháo dài hơn chục mét, nặng cả trăm tấn, được xếp vào hàng vũ khí khủng thời đó. Khi quân đội Nhật vào nước ta, quân đội Pháp rút. Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, Cách mạng Tháng Tám thành công, bộ đội tiếp quản đảo Cát Bà và pháo đài này được đại đội Ký Con quản lí. Khi quân đội Pháp được phép ra miền Bắc thay thế quân Tưởng Giới Thạch theo Hiệp định sơ bộ năm 1946, tàu chiến của Pháp lừng lững tiến vào vùng biển Hải Phòng. Do thông tin cấp báo chưa đến kịp nên bộ đội ta nổ pháo bắn chìm tàu chiến Pháp. Đây là trận đánh pháo đối hải đầu tiên của pháo binh Việt Nam. Điều đặc biệt là các khẩu siêu pháo không có kim hỏa bởi do quân Pháp đã phá bỏ khi rút đi. Trận đánh này, bộ đội Việt Nam phải dùng búa và đục thay kim hỏa. Đến giờ, tài liệu liên quan còn lại chỉ ghi nhận một tàu chiến duy nhất bị bắn chìm.
Suýt bị bán sắt vụn
Bị bỏ rơi trong rừng cây trên đỉnh núi Cát Bà nhiều chục năm lại không được bảo quản nên hai siêu pháo hoen gỉ khá nhiều. Theo tài liệu của ban quản lí, một trong ba khẩu pháo mà quân Pháp lắp đặt đã biến mất một cách bí ẩn... “Khi chiếm giữ pháo đài này, quân Nhật đã tháo dỡ, vận chuyển một khẩu đem sang đảo Vân Đồn, Quảng Ninh lắp đặt để trấn giữ cửa biển vùng Quảng Ninh. Tuy nhiên, trên đường vận chuyển bằng tàu, do sóng lớn, khẩu pháo lại quá nặng nên tàu bị đắm đem theo khẩu pháo đó xuống đáy biển. Đến giờ, nó vẫn nằm dưới đáy biển, chưa trục vớt được” - anh Nguyễn Văn Tỉnh - trưởng ban quản lý khu du lịch Pháo đài, nói và chua thêm: “Đó là thông tin tôi được nghe kể lại thế. Thực hư thế nào vẫn chưa rõ...”.
Hai khẩu còn lại suýt bị bán phế liệu. Ngay trên nòng pháo vẫn hằn nguyên vết cắt dở để bán sắt vụn và nòng pháo bị cắt mất một đoạn để bán phế liệu.
Để liên kết ba đài siêu pháo trên đỉnh núi, người Pháp đã xây dựng cả hệ thống hầm ngầm trú ẩn, hào sâu trong lòng núi bằng đá xanh có chỗ dày đến gần một mét rất kiên cố vững chắc dài hàng trăm mét, tạo nên một pháo đài bất khả xâm phạm, bảo vệ Hải Phòng. Sâu trong lòng núi là những dãy hành lang hun hút, thỉnh thoảng bắt gặp một số phòng nhỏ, hội trường và kho đạn rất bí hiểm mà ngay anh Nguyễn Văn Tỉnh cũng lắc đầu chịu cứng không biết hệ thống hầm hào trong lòng núi dích dắc như thế nào.
Theo TPO