TPHCM: Đau lòng chuyện con làm giấy chứng tử mẹ đang sống

09/04/2012 10:29
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Nhờ người quen bà đã phát hiện ông Tư làm giấy chứng tử giả để… khai tử bà. 

Năm 1960, sinh cô con gái út vừa xong là bà và ông thôi nhau. Ngày đó, vợ chồng ở với nhau chỉ nặng ân tình, không cần xác tín về mặt giấy tờ pháp lý, nên chia tay, nhẹ tênh. Chia tay, ông đi biền biệt. Mãi cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ rồi, bà cũng không biết tin tức gì về ông. Huống hồ, là cơ hội được gặp lại.
 
Bà Ngọc và mảnh giấy chứng tử giả.
Bà Ngọc và mảnh giấy chứng tử giả.
Bà tên là Nguyễn Thị Ngọc, năm nay đã 87 tuổi, ngụ đường Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6, TP HCM.

 Mẹ con dứt tình

Bà và cả 3 người con của bà, có ai còn trẻ đâu. Người con trai đầu tên Nguyễn Văn Rớt (65 tuổi), người con trai thứ hai tên Nguyễn Văn Tư (58 tuổi) và cô con gái út tên Nguyễn Thị Bông (52 tuổi).

Thoáng đó, mà mẹ con tóc đã bạc trắng như nhau.

Bà thủ thỉ, cái chuyện kiện con cái xấu hổ lắm. Mà tui đã nghi nghi rồi, đã đâm đơn ra Tòa thì mẹ con không sống được với nhau nữa đâu. Nhưng mà, tui biết làm sao bây giờ.

Người chị ruột của bà năm nay đã 99 tuổi không có con cái, thương cô cháu út hoàn cảnh khó khăn mới cho cháu 2 cái nền đất nhỏ để dựng nhà, vợ chồng đưa nhau về cái hẻm này ở cho gần mẹ gần con, gần dì gần cháu. Vậy mà, không hiểu ông Tư dẫn người dì của mình đi lòng vòng hết nơi này đến nơi khác, công chứng rồi ký tên hết lần này đến lần khác… Kết quả, hai cái nền đất trên thuộc quyền sở hữu của ông Tư. Đó là vào năm 2009.

"Mà chú biết không, đất ngày xưa ở quận 6 có ai ở đâu, vắng hoe, bán rẻ như cho. Ông bà ngoại thằng Tư để lại nhiều đất, chứ có túng thiếu gì đâu. Thằng Tư có mấy đứa con, thì mấy đứa đều có nhà. Rồi nó còn có thêm dãy nhà trọ đang cho người ta mướn nữa. Vậy mà, nó đành đoạn giành miếng đất nhỏ xíu của em gái út nó", bà kể.

Sau cái chuyện ấy, bà giận ông Tư lắm. Bà quyết định một hai đòi bán căn nhà số 70 Tân Hòa Đông để chia phần cho con. Trong thâm tâm bà, bà muốn lo cho cô con gái út hơn cả. Thế nhưng, ông Tư kiên quyết không chịu. Ông giữ rịt sổ hộ khẩu, nhất định không đưa cho bà. Cùng đường, bà giả đò nói với ông Tư rằng: "Tư à, con cho mẹ mượn cái hộ khẩu, mẹ ra phường, lên quận xin chuyển hộ khẩu vào nhà của thằng Rớt. Mẹ về đó ở với nó, không làm phiền con nữa".

Nghe vậy, ông Tư mới chịu đưa hộ khẩu cho bà. Có hộ khẩu trong tay, bà nhờ người con rể chở bà sang Phòng Tài nguyên - Môi trường quận xin trích lục giấy tờ nhà. Tại đây, bà mới hoảng hốt khi toàn bộ giấy tờ nhà đều thể hiện bà đã nhượng quyền sở hữu cho ông Tư từ cái hồi… xa lắc.

Mà lạ lắm, bà cầm hộ khẩu hôm trước. Hôm sau, ông Tư đã đến đủ nơi để khiếu nại cái chuyện bà cướp hộ khẩu của ông.

"Cái nhà đó tui mua bằng tiền của tui. Năm 1985, tui đã được Nhà nước thừa nhận đó là nhà của tui. Tui còn sống, tui còn minh mẫn, tui có cho thằng Tư cái nhà đó hồi nào đâu mà nó dám làm với tui như vậy. Tui nói với nó là tui bán nhà, sẽ chia cho ba anh em 3 phần đều nhau. Vậy mà, nó có chịu đâu. Nó chỉ muốn giữ của cho riêng nó thôi. Nó làm anh, làm em mà đi giành với anh trai, với em gái nó, chú coi nó làm vậy có đặng không?", bà hỏi tôi. Đương nhiên, tôi lặng im không đáp.

Không thể thương lượng được với ông Tư, ngày 18/3/2009, bà kiện ông Tư ra Tòa án nhân dân quận 6.

Ngày 16/12/2011, Tòa án Nhân dân quận Bình Tân tuyên bà thắng kiện trong vụ việc này. Lý do, hồ sơ chứng thực sở hữu nhà của ông Tư có dấu hiệu tẩy xóa.

Quan trọng hơn, nhờ người quen bà đã phát hiện ông Tư làm giấy chứng tử giả để… khai tử bà. Và mảnh giấy chứng tử khiến nhạt nghĩa mẹ con này đã được bà nộp cho Tòa án nhân dân quận 6.

Hôm trước Tòa tuyên án, thì hôm sau, ông Tư đã đuổi bà ra khỏi nhà. Bà lủi thủi vào phía sâu trong con hẻm gần đó, ở ké nhà người con trai đầu. Những người con của ông Tư đều đã khôn lớn, ngay cả cô út 26 tuổi cũng thôi không nhìn mặt bà nội nữa. Bà ở nhà người con trai đầu, cách nhà ông Tư có mấy bước chân, mà dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, bà bắc ghế ra ngõ ngồi trông, tuyệt không có đứa cháu nào xuất hiện.
Tờ giấy chứng tử mà ông Tư đã làm khi mẹ mình vẫn còn sống.
Tờ giấy chứng tử mà ông Tư đã làm khi mẹ mình vẫn còn sống.

 Mảnh giấy phận người

"Còn thiên còn địa gì nữa không, chú ơi! Tui còn sống sờ sờ đây mà con tui đã làm giấy bắt tui chết từ năm 1992", bà nói mếu máo, tay lần trong cái túi áo bà rút ra cho tôi xem mảnh giấy chứng tử mà ông Tư đã điền tên bà vào đấy.

Mảnh giấy chứng tử ghi họ tên bà, địa chỉ, ngày bà mất là ngày 26/2/1992, lý do: bệnh già.

Bà còn cho tôi xem thêm Văn bản đề nghị nhận thừa kế. Trong văn bản này có hai người xin nhận thừa kế là bà Nguyễn Thị Liễu (chị ruột của bà Ngọc, 99 tuổi - người tôi đã nhắc phần trên của bài viết - PV) và ông Tư. Theo đó, tờ văn bản khai, chồng bà Ngọc chết từ năm 1983, còn bà Ngọc chết từ năm 1992. Hai vợ chồng chỉ có duy nhất một con là Nguyễn Văn Tư. Trước khi chết bà Ngọc không để lại di chúc.

Ông Tư cam kết những lời khai của mình là hoàn toàn đúng sự thật và xin đem tài sản riêng của mình ra để bảo đảm cho lời khai này và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vậy đó, ông Tư giúp mẹ "chết sớm" hơn nhiều năm. Ông Tư giúp mẹ "chết" ngay khi mẹ còn sống là chỉ để minh chứng mình là người con duy nhất. Mục đích của ông Tư là gì, hẳn nhiên bạn đọc cũng đã hiểu.

Khi bà Ngọc nộp bản sao tờ giấy chứng tử này cho Tòa án nhân dân quận 6 trong ngày tòa tuyên án, Chủ tọa phiên Tòa có hỏi ông Tư:  "Ông làm vậy mà coi được sao, ông Tư?". Ông Tư im lặng lúc lâu mới trả lời: "Mảnh giấy chứng tử này do dì Liễu làm, tui biết gì đâu". Tội nghiệp bà Liễu hết năm nay đã 100 tuổi. Thân một mình, tuổi xưa nay hiếm, bà làm giả giấy chứng tử mong em ruột của mình chết  để làm gì (!?). Mà luật pháp nào chấp nhận một người có số tuổi như bà lọ mọ đi làm… giấy chứng tử cho người khác.

Sau khi bị Tòa án nhân dân quận Bình Tân tuyên thua kiện, ông Tư nộp đơn lên Tòa án nhân dân TP HCM. Không hiểu thế nào, đầu tháng 3/2012 này, Tòa án nhân dân TP HCM lại tuyên ông thắng kiện.

Bà nghe chủ tọa phiên Tòa tuyên dứt câu, lập tức có cảm giác không thở được. Ông Tư gặp bà sau phiên tòa, không nói gì chỉ mỉm cười. Bà lặng lẽ ngồi sau yên xe gắn máy để người con rể đưa về nhà. Ngồi trên xe bà không nói gì cả, bà chỉ buồn, vừa buồn, vừa ức, vừa tủi phận mình.

Anh con rể bà có nói với tôi rằng, đợi khi nhận được phán quyết bằng văn bản từ Tòa án, anh sẽ chở bà đi kiện tiếp. Anh phải chiều theo lòng bà, bởi với bà thì "Không lẽ, ở đời không còn công lý?".

Nghe chuyện hắt hiu, tôi hỏi lảng ra chuyện khác: “Hồi  xưa, khi bà tổ chức đám cưới cho ông Tư, bà có làm lớn không, thưa bà?".

"Đâu có đám cưới. Vợ chồng nó về ở với nhau thôi", bà đáp. Rồi như biết tôi chuẩn bị đưa ra thắc mắc của mình, bà nói thêm: "Chú biết không, lúc thằng Tư đòi lấy vợ. Tui có đi coi tuổi cho vợ chồng nó, thầy bói phán hai tuổi này không hợp. Lấy nhau sẽ làm ăn không được, lại còn ly tán sau này". Nhưng mà, "Con mình thương ai thì mình đồng ý cho nó ở với người thương. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Tui đi coi mấy ông thầy liền, mấy ổng nói, nếu tiết chế đi chuyện cưới xin, nhiều khi sẽ cãi lại được vận số. Nhờ vậy, mà hai vợ chồng nó yên ấm đến giờ, ăn nên làm ra, có được 6 đứa con trai gái đủ cả đó", mắt bà ánh lên niềm ấm áp.

Niềm ấm áp le lói đó vụt đến lại chợt tan đi rất nhanh.

Trước khi tôi chào bà ra về, bà còn nói với tôi rằng, số bà bạc phận, nên mẹ con mới phải kéo nhau ra tòa khiến thiên hạ xì xầm, hàng xóm dị nghị.

Bà hỏi lại thêm lần nữa: "Chú thấy, tui có làm gì sai không hả chú?". Lần này, tôi vẫn lại lặng im.

Nắng chiều xếch qua tán cây si ken dày trước ngõ, hắt vào bà chút ánh sáng mỏi mệt. Tuổi bà già lắm rồi, mái tóc bạc trắng được cắt sát da đầu cho gọn gàng, khuôn mặt hằn lên nét khô cằn của thời gian, suốt buổi trò chuyện cùng tôi bà không cười lấy được hai lần.

Lần duy nhất bà cười, là khi tôi mạn phép đùa: "Ngày đó bao nhiêu tuổi, thì bà với ông yêu nhau rồi lấy nhau?". Bà nói: "Trời ơi, chuyện xưa rồi, làm sao ai mà nhớ hết  được".

Vô phúc đáo tụng đình… Mẹ con dắt díu nhau ra tòa càng vô phúc hơn nữa. Nhưng biết làm sao, khi cuộc sống đầy bất trắc, khi phận người còn nhiều điều trớ trêu.

Tôi vẫn tin rằng, tiền bạc ở đời có thể mất đi rồi may mắn kiếm lại được. Chỉ có thứ tan biến rồi, là cho dù có khắc khoải kiếm tìm mãi mãi vẫn không thể hiện về, đó chính là tình nghĩa.

Mà bà già rồi, cái ngày xa con xa cháu để về miền hư ảo đâu còn xa nữa.

Liệu, mai này khi thắp cho bà nén nhang tiễn biệt, có ai đó nghĩ lại những chuyện xưa mà hối hận đến mức bi phẫn không. Hối hận khi ấy để làm gì đâu, chỉ có hối hận ngay lúc này, nhớ về ấu thơ thơm mùi sữa mẹ thì còn có hy vọng cứu vãn giúp mẹ một nụ cười chiều. Dẫu rằng, nụ cười đã rất nhọc nhằn. Một đời bà sống để nuôi con, bà có đáng để phải nhận lại những nỗi buồn như vậy đâu(?!).

Cố thi sĩ Phùng Cung viết trong tập Xem Đêm, bài thơ ngắn nhan đề Mẹ: "…Mồ hôi Mẹ… Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt… Con níu giọt mồ hôi… Đứng dậy làm người".

Trích lại, để có ai đó đọc được, thì cố gắng thử một lần kìm lòng trước hiện kim, gắng nghĩ về ngày xưa cũ…
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu