Trung Quốc đang nôn nóng đưa giàn khoan khủng ra Biển Đông

17/07/2011 12:08
(GDVN) - "Trung Quốc phải khẩn cấp thâm nhập vào Biển Đông để khai thác dầu mỏ khi các nước láng giềng bắt đầu nhận thức được lợi ích của dầu và khí đốt..."

(GDVN) - Theo Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc hiện thực hóa tham vọng của mình bằng biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các giàn khoan với hy vọng có thể tiếp cận với các nguồn năng lượng mới nằm dưới vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) ngay trong mùa thu này.

Theo đó, Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation viết tắt là CNOOC) - đơn vị khai thác dầu khí thuộc sở hữu của Nhà nước Trung Quốc -  sẽ đảm nhiệm việc triển khai hệ thống khoan dầu đầu tiên của Trung Quốc,  Offshore Oil 981, trên Biển Đông.

Dàn khoan 891
Dàn khoan 981

Tại buổi lễ đặt tên là "Offshore Oil Aircraft Carrier - Hàng không mẫu hạm dầu mỏ" cho giàn khoan Offshore Oil 981 của Trung Quốc vào hôm 23/5, Wang Yilin, Chủ tịch của CNOOC cho biết: 'thiết bị khoan dầu dưới biển sâu của chúng ta đã bắt đầu chuyển động và nó rất cần thiết cho việc thực hiện chiến lược khai thác dầu ngoài khơi của TQ".

Trung Quốc đang "nôn nóng" trong việc chiếm hữu các dầu mỏ trên Biển Đông. Theo tờ Tin tức Năng lượng của nước này đăng tải trước đó: "quần đảo Trường Sa có trữ lượng vào khoảng 20 tỷ tấn dầu nhưng Trung Quốc chỉ đứng nhìn mà chưa khai thác được một giọt dầu nào từ đây trong khi nhu cầu sử dụng dầu mỏ trong nước ngày càng tăng".

Điều đó có nghĩa là "Trung Quốc phải khẩn cấp thâm nhập vào Biển Đông để khai thác dầu mỏ khi các nước láng giềng bắt đầu nhận thức được lợi ích của dầu và khí đốt trên vùng lãnh thổ của Trung Quốc" - Lin Boqiang, giám đốc của Trung tâm Trung Quốc nghiên cứu Kinh tế Năng lượng tại Đại học Hạ Môn nói với tờ Global Times hôm 14/7.

Vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc "lãnh thổ của mình" và ngang nhiên tiến hành khai thác dầu khí là vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia. 

Tuy nhiên, ông Lin cho rằng các quốc gia trên đã khai thác dầu tại vùng biển thuộc biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) của Trung Quốc, mà theo lời Song Enlai - Chủ tịch Hội đồng quản trị của CNOOC thì trữ lượng khai thác các các nước là 20 triệu tấn dầu mỗi năm.

Ông Lin còn cho rằng, Trung Quốc vốn có thể tự nghiên cứu phát triển các thiết bị giàn khoan sâu dưới đáy biển, nhưng "do cần phải khẩn trương thâm nhập vào Biển Đông để khai thác dầu khí nên việc phải mua một số thiết bị của nước ngoài để lắp đặt cho dàn khoan này cũng là điều dễ hiểu" và "giàn khoan sâu này sẽ cho Trung Quốc một cơ hội để đứng ở vị trí ngang hàng với các nước láng giềng trong việc khai thác tài nguyên trên Biển Đông".

Trong khi đó, giàn khoan khai thác khí đầu tiên của Trung Quốc, Liwan 3-1, có thể hoạt động ở độ sâu 1.500m, cũng sẽ sẵn sàng làm nhiệm  vụ ở vùng biển phía đông của Biển Đông trong năm 2013 - CNOOC nói.

D
Giàn khoan 981

"Trung Quốc sẽ xây dựng giàn khoan dầu sâu thứ hai, thứ ba để liên tục hỗ trợ khai thác dầu ở vùng biển sâu của đất nước" - Jin Xiaojian, tổng giám đốc kỹ thuật của CNOOC nói với tờ Beijing Daily.Ngoài tham vọng trên Biển Đông, CNOOC cũng đang mở rộng hoạt động của mình ra các châu lục khác bằng cách mua quyền khai thác một số mỏ dầu và khí đốt ở Nam Mỹ - tạp chí Oriental Outlook tiết lộ.

Tuy nhiên, sự kiện giàn khoan dầu của CNOOC ở biển Bột Hải bị tràn dầu ra biển và một nhà máy lọc dầu của CNOOC tại Quảng Đông phát hỏa trong tuần vừa qua khiến người dân Trung Quốc tỏ ra quan ngại về việc liệu CNOOC có đảm bảo an toàn khi khai thác dầu khí ở Biển Đông hay không.

"Khi đưa ngành công nghiệp khai thác dầu khí ra nước ngoài, vấn đề quan trọng nhất là ô nhiễm môi trường đang đặt ra thách thức lớn đối với CNOOC khi họ đang tìm cách tiến xa hơn ra Biển Đông" - ông Lin nói.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Lin đã lên tiếng ngợi ca hệ thống điều khiển tự động hóa tiên tiến của giàn khoan có thể ứng phó các sự cố của giàn khoan 981 và khẳng định "chắc chắn rằng sự cố tràn dầu sẽ không xảy ra nếu nó bắt đầu hoạt động trên Biển Đông".

Giàn khoan 981 do Tổng Công ty Dầu mỏ hải dương Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền Trung Quốc hợp tác sản xuất với tổng vốn đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (19.020 tỉ đồng VN) được bắt đầu từ 6 năm trước. Giàn khoan 981 thuộc kế hoạch sản xuất sáu tàu chuyên khai thác dầu mỏ ở độ sâu 3.000 m.

Hệ thống khoan dầu Offshore Oil 981 là một trong 20 giàn khoan "khủng" trên thế giới. Được mệnh danh là "Hàng không mẫu hạm dầu khí trên biển", con tàu nửa chìm nửa nổi nặng 30.000 tấn này được thiết kế hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m.

Trong khi đó, theo thông tin trên trang web chính thức của CNOOC thì các giàn khoan Trung Quốc đang sử dụng và khai thác hiện nay chỉ hoạt động được ở độ sâu không quá 500m.

CNOOC đã đầu tư 15 tỷ NDT (2,3 tỷ USD) cho việc mua giàn khoan được coi là hiện đại nhất thế giới này, gồm cả một cần cẩu nổi và các thiết bị hỗ trợ khác. Giàn khoan dài hơn 650m, gồm 5 tầng với tổng chiều cao là 136m (bằng tòa nhà cao 45m), diện tích boong tương đương với sân vận động tiêu chuẩn, có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 nhân viên làm việc và nghỉ ngơi.

Chín máy phát điện đủ đáp ứng nhu cầu điện cho một thành phố 200.000 dân. Lượng tiêu hao dầu diesel từ 100 đến 150 tấn/ngày hoặc 200 tấn trong điều kiện mưa bão và đủ sức chống đỡ với bão mạnh cấp 10.

Do đó, giàn khoan có trang bị khoang dầu với dung tích 4.500 tấn đủ cho máy phát điện chạy liên tục 30 ngày. Mỗi ngày giàn khoan này ngốn chi phí vào khoảng 981.100 tới 1,5 triệu USD.

Chiên lược khai thác tài nguyên biển sâu của Trung Quốc

Trong ngày hạ thủy giàn khoan 981 (26/5), Tổng Công ty Dầu mỏ hải dương Trung Quốc đã công bố 19 khu vực trên biển Đông sẽ hợp tác với nước ngoài thăm dò và khai thác, trong đó có sáu khu vực ở biển sâu, ba khu vực ở phía tây và ba khu vực ở phía đông Biển Đông.

Sau hai năm lặng lẽ, Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc thông báo đang chuẩn bị khởi động thăm dò dầu mỏ tại biển Đông và đã lên kế hoạch khoan hai giếng dầu tại vùng biển này.

Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất và dầu mỏ Trung Quốc tuyên bố đang hợp tác với Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Na Uy nghiên cứu địa chất khu vực biển sâu ở biển Đông nhằm xác định vị trí giếng dầu.

Đến ngày 1-6, Tổng Công ty Dầu mỏ hải dương Trung Quốc tuyên bố mỏ dầu Lệ Loan 3-1 ở độ sâu 1.500 m đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm 2013.

Từ kế hoạch năm năm lần thứ 11 (năm 2005-2010) đến nay, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy phát triển chiến lược khai thác dầu mỏ ở khu vực biển sâu và đã đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ sản xuất trang thiết bị khai thác dầu mỏ biển sâu loại hình lớn như tàu đặt ống nước sâu, giàn khoan kiểu nửa chìm.

Ví dụ tàu Dầu mỏ hải dương 201 của Trung Quốc là tàu đặt ống nước sâu đầu tiên trên thế giới có khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000 m, có sức nâng 4.000 tấn, được trang bị thiết bị hiện đại như hệ thống định vị động lực cấp DP-3, hệ thống đặt đường ống nút kép hình chữ S.

Theo số liệu của ngành dầu mỏ Trung Quốc, sản lượng dầu mỏ Trung Quốc năm 2010 đã vượt ngưỡng 50 triệu tấn. Trung Quốc đã dự kiến đến năm 2020 sẽ duy trì ổn định sản lượng 50 triệu tấn/năm tại khu vực biển gần bờ và nâng sản lượng tại khu vực biển sâu đạt quy mô 40-50 triệu tấn/năm.

Ngay từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ khai thác dầu mỏ tại biển Đông, phê chuẩn cho Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc và Tập đoàn Hóa chất và dầu mỏ Trung Quốc (vốn chỉ khai thác dầu mỏ đất liền) thăm dò dầu mỏ vùng biển Đông. Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc đang quản lý 20 khu vực dầu mỏ với diện tích 127.000 km2 trên biển Đông. Tập đoàn Hóa chất và dầu mỏ Trung Quốc cũng quản lý hai khu vực trên vùng biển này.

Kế hoạch năm năm lần thứ 11 của Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch sản xuất sáu tàu thuộc năm chủng loại chuyên lắp đặt công trình dưới biển ở độ sâu 3.000 m nhằm tạo một hạm đội liên hợp với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ nhân dân tệ (47.550 tỉ đồng VN). Bước tiếp theo, ngành dầu mỏ Trung Quốc tiếp tục chế tạo một loạt giàn khoan hoạt động ở độ sâu 1.000-1.500 m, 2.000 m, 3.000 m đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống sản xuất dầu khí biển sâu phức tạp hơn.

Theo Petrotimes


{iarelatednews articleid='5017,4976,4977,4964,4974,4841,4708,4660,4633,4534,4487,4402,4405,4374,4268,4130,4115,4072'}
Nguyễn Hường
(Theo Thời báo Hoàn Cầu)

Trung Quốc  đang nôn nóng đưa giàn khoan khủng  ra Biển Đông ảnh 3