Trung Quốc công bố “Sách trắng ngoại giao 2011”, mời nhiều nước ASEAN

13/08/2011 10:36
(GDVN) - Sách trắng “Ngoại giao Trung Quốc” năm 2011 có 3 bản: bản tiếng Trung, bản tiếng Anh, bản tóm tắt song ngữ Trung-Anh. Bộ trưởng Ngoại giao TQ viết lời tựa cho văn kiện này.

(GDVN) – Trung Quốc tiếp tục khăng khăng đòi “đàm phán song phương”, “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan.

Ngày 11/8, Sách trắng “Ngoại giao Trung Quốc” năm 2011 lần đầu công bố tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, thành phố tuyến đầu mở cửa hợp tác Trung Quốc-ASEAN.

Trung Quốc đã mời các quan chức cơ quan tổng lãnh sự, lãnh sự, đại diện thương mại các nước tại Nam Ninh đến tham dự buổi lễ công bố sách trắng này, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, Indonesia.

Ngày 11/8/2011, Trung Quốc tổ chức giới thiệu về Sách trắng “Ngoại giao Trung Quốc” năm 2011 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc với sự tham dự của quan chức nhiều nước ASEAN. (ảnh minh hoạ)
Ngày 11/8/2011, Trung Quốc tổ chức giới thiệu về Sách trắng “Ngoại
giao Trung Quốc” năm 2011 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc với
sự tham dự của quan chức nhiều nước ASEAN. (ảnh minh hoạ)

Tin cho biết, Sách trắng “Ngoại giao Trung Quốc” là một văn kiện giới thiệu về quan điểm của Trung Quốc đối với tình hình quốc tế hàng năm và thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời cũng giới thiệu quan điểm và chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Sách trắng này bắt đầu được công bố từ năm 1987. Sách trắng “Ngoại giao Trung Quốc” năm 2011 có 3 bản: bản tiếng Trung, bản tiếng Anh, bản tóm tắt song ngữ Trung-Anh. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc viết lời tựa cho văn kiện này.

Dưới đây là một số nét chính trong “Sách trắng ngoại giao Trung Quốc 2011” được phóng viên của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tóm lược.

5 đặc điểm lớn của tình hình quốc tế

Năm 2010, tình hình quốc tế có nhiều biến đổi to lớn, Sách trắng “Ngoại giao Trung Quốc” 2011 khái quát 5 đặc điểm sự phát triển tình hình quốc tế như sau:

Một là, kinh tế thế giới phục hồi chậm, vấn đề phát triển vẫn nổi bật.

Kinh tế thế giới năm 2010 đang trong quá trình phục hồi, nhưng chậm, không vững chắc, không cân bằng, không ổn định. Thị trường tài chính quốc tế lên xuống bất thường, tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chính có nhiều biến động,

giá cả hàng hóa tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, tăng thêm biến số cho phục hồi kinh tế thế giới. Vấn đề phát triển rất được quan tâm, các nền kinh tế chính đẩy mạnh điều chỉnh phương thức tăng trưởng và mô hình quản lý kinh tế.

Cơ cấu kinh tế thế giới bước vào thời kỳ điều chỉnh, tình hình kinh tế thế giới nhen nhóm sự thay đổi to lớn, nhưng điểm tăng trưởng kinh tế mới vẫn chưa hình thành.

Hai là, cán cân sức mạnh quốc tế tiếp tục diễn ra theo hướng ngày càng cân bằng.

Một loạt các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng nhanh, đã tạo ra cục diện “trỗi dậy nhóm”, tạo được ảnh hưởng rõ rệt trong các vấn đề quan trọng như cải cách cơ chế quản lý kinh tế thế giới, ứng phó xử lý với các vấn đề toàn cầu.

Tỷ trọng của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, tiếp tục thu nhỏ khoảng cách chung với các nước phát triển. Các cơ chế hợp tác như BRIC tiếp tục tăng cường, vai trò ảnh hưởng và tiếng nói quốc tế được nâng cao.

Nhưng các nước đang phát triển vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trỗi dậy thực sự cần phải có một quá trình lâu dài. Cục diện “bắc mạnh, nam yếu” trong cán cân sức mạnh quốc tế không có sự thay đổi căn bản, phát triển đa cực hóa vẫn là một quá trình quanh co lâu dài.

Ba là, cải cách cơ chế quản lý kinh tế thế giới đạt được tiến bộ mới.


Nhờ sự thúc đẩy của các bên, cơ chế quản lý kinh tế thế giới đang phát triển theo hướng công bằng, hợp lý hơn. G20 tiếp tục phát huy vai trò diễn đàn chủ yếu hợp tác kinh tế thế giới, đang chuyển từ cơ chế ứng phó khủng hoảng sang cơ chế quản lý kinh tế hiệu quả lâu dài, vai trò và ảnh hưởng được các bên coi trọng.

Định mức cho vay của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đạt sự tiến triển tích cực, cải cách quyền bỏ phiếu ở Ngân hàng Thế giới (WB) có bước tiến thực chất.

 Các nước đang phát triển tham gia bình đẳng hơn vào cơ chế quản lý kinh tế thế giới, tiếng nói và sức ảnh hưởng tiếp tục được nâng lên. Nhưng cùng với việc thúc đẩy cải cách, độ khó của cải cách cũng gia tăng, các bên đã tranh cãi về nội dung và phương hướng cải cách.

Bốn là, tính phức tạp của tình hình an ninh quốc tế nổi bật hơn.

Xu thế hòa bình chung của thế giới không thay đổi, nhưng các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố...

và các vấn đề an ninh truyền thống như điểm nóng khu vực, xung đột cục bộ, tranh chấp lãnh thổ… đan xen với nhau, làm gia tăng tính đa dạng và tính phức tạp của các mối đe dọa an ninh, các nhân tố bất ổn và bất định tăng nhiều.

Các nước chính lần lượt đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới, xây dựng trật tự an ninh quốc tế bước vào giai đoạn phát triển mới. Khu vực châu Á cơ bản giữ được ổn định, nhưng thách thức an ninh tăng nhiều, tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, vấn đề điểm nóng có lúc tăng nhiệt, chính trường một số nước biến động, các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh khu vực phức tạp hơn.

Năm là, giao lưu quốc tế tích cực hơn.

Tác động của khủng hoảng tài chính quốc tế đối với lĩnh vực văn hóa tư tưởng quốc tế tiếp tục nổi lên, sự thức tỉnh, trao đổi và điều chỉnh bằng các hình thức khác nhau rất tích cực. Các nước lần lượt đưa ra các quan điểm mới, chủ trương mới, tăng cường đầu tư xây dựng sức mạnh mềm.

Xu thế học tập, giao lưu giữa các nền văn minh và mô hình phát triển khác nhau rõ rệt hơn. Các nền kinh tế mới nổi ứng phó với khủng hoảng nói chung tốt hơn so với phương Tây, quan điểm phát triển của họ được coi trọng rộng rãi.

Nhấn mạnh “hợp tác cùng có lợi” với ASEAN

Quan chức ngoại giao Trung Quốc cho biết: Họ “hy vọng thông qua hoạt động giới thiệu lần này để các nước ASEAN tiếp tục hiểu rõ chính sách ngoại giao của Trung Quốc, hiểu rõ chính sách, biện pháp và nguyện vọng thực sự tiếp tục xây dựng kết nối và tăng cường hợp tác cùng có lợi với giữa chúng tôi với các nước ASEAN”.

Trong buổi lễ công bố, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch chính sách ngoại giao Trung Quốc Thích Chấn Hoằng nói, lựa chọn Quảng Tây giới thiệu Sách trắng “Ngoại giao Trung Quốc” là do Quảng Tây nằm ở Hoa Nam, Trung Quốc, nơi kết nối vành đai kinh tế Tây Nam (Trung Quốc) – ASEAN,

là tuyến đầu và cánh cửa mở cửa hợp tác Trung Quốc-ASEAN, cũng là tỉnh duy nhất của Trung Quốc vừa có tiếp giáp trên đất liền, vừa có đường biển với ASEAN. Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đề ra, phải xây dựng Quảng Tây thành điểm cao mới hợp tác Trung Quốc-ASEAN.

Ông giải thích: “Phát triển nên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Trung Quốc và các nước láng giềng, phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh là nguyện vọng phổ biến của chính phủ và nhân dân các nước.

Các nước láng giềng có sự trông đợi vào sự phát triển kinh tế nhanh của Trung Quốc, hy vọng hợp tác cùng thắng, nhưng có một số nước tồn tại sự hoài nghi nhất định đối với sự phát triển nhanh của Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước láng giềng hợp tác cùng thắng, thông qua đối thoại hiệp thương giải quyết vấn đề”.

Biển Đông: “Đàm phán song phương, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”

Tại buổi lễ, khi được hỏi về vấn đề Biển Đông, Thích Chấn Hoằng cho biết, đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và các nước có liên quan có thể thông qua đối thoại, hiệp thương để giải quyết, “hợp tác là xu thế lớn, là mối quan tâm của mọi người”.

Trong vấn đề Biển Đông, sách trắng cho rằng: Trung Quốc chủ trương căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản và chế độ pháp lý của Luật quốc tế và Luật biển hiện đại, bao gồm “Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc”, thông qua “đàm phán song phương” giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông với các nước liên quan.

Trước khi giải quyết cuối cùng vấn đề tranh chấp, các nước liên quan có thể “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” hoặc triển khai hợp tác dưới hình thức khác, bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông. Trung Quốc phản đối các hành động làm cho tranh chấp Biển Đông khuếch đại hóa (mở rộng), phức tạp hóa và quốc tế hóa.

Năm 2010, Trung Quốc đã giữ lập trường như trên, cùng các nước liên quan “xử lý và giải quyết ổn thỏa tranh chấp, thúc đẩy cùng khai thác và hợp tác, bảo vệ hòa bình và ổn định vùng biển có liên quan, đã duy trì sự trao đổi với các hình thức và cấp độ khác nhau”.

Đối với việc “thực hiện đồng thuận nguyên tắc vấn đề biển Hoa Đông”, Sách trắng cho rằng, ngày 27/7/2010, vòng đàm phán chính phủ đầu tiên về thực hiện đồng thuận nguyên tắc vấn đề biển Hoa Đông được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, do cấp Vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao hai nước làm trưởng đoàn.

Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề có liên quan đến thực hiện đồng thuận nguyên tắc vấn đề biển Hoa Đông Trung-Nhật.

Về vấn đề đảo Điếu Ngư, Sách trắng cho biết, xung quanh việc Nhật Bản bắt 15 ngư dân và tàu cá của Trung Quốc và giam giữ thuyền trưởng đến ngày 24/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/9/2010 đã ra tuyên bố nhấn mạnh “đảo Điếu Ngư và vùng biển phụ cận từ trước đến nay là lãnh thổ cố hữu có chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc.

Việc giam giữ, điều tra và sử dụng các biện pháp tư pháp đối với tàu cá và ngư dân Trung Quốc là bất hợp pháp và không có hiệu lực. Phía Nhật đã xin lỗi và bồi thường cho phía Trung Quốc về vụ việc này”.

Sách trắng ngoại giao Trung Quốc 2011 được công bố trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á, đặc biệt là quan hệ của Trung Quốc với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á đang có những căng thẳng, đặc biệt là việc Nhật Bản vừa công bố Sách trắng quốc phòng, đả động nhiều đến Trung Quốc và ngược lại.

{iarelatednews articleid='10409,9951,8538,8449,8411,8405,8105,8088,7927,7829,7649,7750,7628,7524,7539,7547,7414,7411'}

Việt Dũng (dịch)