Trung Quốc triển khai tàu sân bay đầu tiên ở Biển Đông

05/08/2011 07:27
(GDVN) – TQ đang có kế hoạch chế tạo nhiều tàu sân bay nhằm bảo vệ cái gọi là các vùng biển chủ quyền.

(GDVN) – Trung Quốc đang có kế hoạch chế tạo nhiều tàu sân bay nhằm bảo vệ cái gọi là các vùng biển chủ quyền của họ, trong đó tàu sân bay Thi Lang (chiến hạm thứ hai thuộc lớp Kuznetsov do Liên Xô cũ sản xuất) sẽ được triển khai ở Biển Đông.

>>Trung Quốc bí mật đóng tàu sân bay

Theo mạng tin tức quân sự Nga ngày 3/8, Lầu Năm Góc đang theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc làm thế nào tăng cường thực lực quân sự nhằm thể hiện động thái tương ứng trên trường quốc tế, đặc biệt là chương trình chế tạo tàu sân bay nội địa, đây cũng là một trong những hướng trọng điểm theo dõi của cơ quan tình báo Mỹ.

Tàu sân bay tái chế Thi Lang
Tàu sân bay tái chế Thi Lang

Ngày 1/8/2011, tờ "Washington Times" cho hay, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên, có thể sẽ chế tạo 2 chiếc hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, sẽ trang bị tàu sân bay của Liên Xô cũ sau khi được cải tạo và sớm được chạy thử.

Một nguồn tin thân cận từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi dự đoán Trung Quốc ít nhất sẽ chế tạo 1 chiếc tàu sân bay nội địa, có khả năng là 2 hoặc nhiều hơn. Nhưng họ không tiết lộ thông tin chi tiết, chẳng hạn chế tạo bao nhiêu chiếc, thời gian chế tạo được sắp xếp thế nào, hoặc sứ mệnh của các con tàu này là gì”.

Một đại diện khác của Lầu Năm Góc chỉ ra, Trung Quốc coi chế tạo tàu sân bay là một biểu tượng quan trọng gia nhập lực lượng quân sự toàn cầu, số lượng chế tạo trên thực tế chắc chắn không chỉ giới hạn ở 2 chiếc. Một đại diện khác nhấn mạnh, Mỹ chủ yếu dựa vào tin tức tình báo để đánh giá chương trình sản xuất tàu sân bay nội địa của Trung Quốc.

 

Tình báo Mỹ cho biết, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo tại nhà máy đóng tàu đảo Trường Hưng, Thượng Hải. Các bức ảnh được chụp từ vệ tinh do thám cho thấy, chiếc tàu sân bay này có kết cấu tương tự tàu sân bay cũ lớp Kuznetsov của Liên Xô. Tàu Kuznetsov đã sử dụng kỹ thuật cất cánh kiểu nhảy cầu ở đầu đường băng.

Báo chí Nga cho biết, là một hướng quan trọng trong xây dựng quân sự của Trung Quốc, chương trình chế tạo tàu sân bay luôn được các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi chặt chẽ. Đại diện quan chức Lầu Năm Góc cho biết: "Chúng tôi còn nhớ, chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang quan tâm đến các biện pháp như thế trong lĩnh vực phát triển quân sự".

Các quan chức Lầu Năm Góc đã có bình luận về thông tin Trung Quốc có kế hoạch chế tạo 2 tàu sân bay nội địa vào tháng trước. Tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản ngày 10/7 đã đưa tin Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên.

Tàu sân bay của Trung Quốc luôn được các nước châu Á quan tâm chặt chẽ, họ lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay để “dụng binh”, giành quyền kiểm soát trên các vùng biển tranh chấp, hơn nữa Trung Quốc cũng có tuyên bố về chủ quyền của họ trên biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải.

Quân đội Trung Quốc đang tiến hành xây dựng quy mô lớn, bao gồm nghiên cứu chế tạo tên lửa chiến lược mới và tên lửa thông thường, máy bay, vũ khí chống vệ tinh, tên lửa đạn đạo mới có thể phá hủy tàu chiến trên biển. Đồng thời, quân đội Mỹ cũng vấp phải kế hoạch cắt giảm chi phí quân sự từ 400-1.000 tỷ USD trong 10 năm tới của chính quyền Obama.

Báo chí Nga cho biết, gần đây các thông tin về tàu sân bay do quan chức Trung Quốc tiết lộ ngày càng nhiều. Một nguồn tin từ Trung Quốc xác nhận, Trung Quốc sẽ chế tạo 2 tàu sân bay tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải.

Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay nội địa.
Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay nội địa.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc luôn bị kiểm soát chặt chẽ và không đưa tin gì về kế hoạch tàu sân bay trong một thời gian dài, nhưng từ thập kỷ 90 thế kỷ trước trở đi tình hình đã thay đổi, lúc đó cơ quan tình báo Mỹ phát hiện máy bay Trung Quốc từng tập luyện cất/hạ cánh như trên tàu sân bay ở đường băng trên mặt đất.

Năm 1996, cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục tăng cường mong muốn chế tạo tàu sân bay, khi đó để can thiệp tình hình Đài Loan, Mỹ luôn cử tới 2 hạm đội tàu sân bay.

Ngày 27/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố, tàu sân bay Kuznetsov sẽ được sử dụng để thử nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện. Việc đào tạo phi công cho tàu sân bay đang được tiến hành. Trung Quốc phát triển tàu sân bay là vì có đường bờ biển dài và lãnh hải rộng lớn cần bảo vệ, nhưng đánh giá cao hay thấp vai trò của tàu sân bay Trung Quốc trong tương lai là không chuẩn xác.

Ông nhấn mạnh, việc chế tạo tàu sân bay tương đối phức tạp, đặc biệt là về mặt hạ/cất cánh của máy bay trên tàu sân bay. Nhưng chế tạo và sử dụng tàu sân bay là trách nhiệm thiêng liêng của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Tàu sân bay chỉ là một giàn phóng vũ khí, vừa có thể dùng để phòng thủ, vừa có thể dùng để tấn công, và còn có thể dùng để duy trì hòa bình thế giới, tiến hành cứu hộ thiên tai.

Báo chí Nga cho biết, các tin tức gần đây của Trung Quốc cho thấy, tàu sân bay Kuznetsov dự kiến sẽ bắt đầu chạy thử trên biển vào tháng 8. Có thể sẽ được triển khai ở đảo Hải Nam, bảo vệ Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa), Trung Quốc còn có kế hoạch triển khai tàu ngầm hạt nhân mới ở đó. Trung Quốc đang thiết kế và chế tạo tàu ngầm tác chiến mang theo tên lửa đạn đạo, các bức ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ tàu ngầm Hải Nam đã bắt đầu được sử dụng.

Hiện nay tình hình Biển Đông vẫn vô cùng căng thẳng, Trung Quốc, Việt Nam, Philippinese, Malaysia và Brunei xảy ra tranh chấp tương đối lớn xung quanh vấn đề chủ quyền các hòn đảo, tàu chiến Trung Quốc chuẩn bị kiểm soát khu vực này.

Nhật Bản cũng rất quan tâm đến việc Trung Quốc tăng cường thực lực quân sự. Tháng 12/2010, báo cáo phòng vệ của chính phủ Nhật Bản cho rằng, sức mạnh tên lửa và hải quân của Trung Quốc tiếp tục được tăng cường, làm cho khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại.

Yoshihiko, giáo sư Đại học Tokai nói với Reuters: "Chúng ta phải cẩn thận quan sát các động thái tiếp theo của Trung Quốc, nếu không cuối cùng an ninh quân sự của toàn bộ khu vực châu Á sẽ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực".

{iarelatednews articleid='9603,9732,8921,8695,2111,6704,308,3770,4513,5361,1027,3408,2874'}

Đông Bình (Theo Mil)