Nên đầu tư vào đâu: Vàng, CK hay BĐS trong thời điểm này?

"Thời điểm này, kênh đầu tư tốt nhất vẫn là vàng?"

22/08/2011 13:36
Tiểu Phương
(GDVN) - Khi bất động sản vẫn trong tình trạng đóng  băng, thị trường CK "không thể tốt lên", nhiều nhà đầu tư vẫn kì vọng vào thị trường vàng.

(GDVN) – Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Muốn kiếm tiền, hiện nay rất khó để đưa ra lời khuyên an toàn nhưng về cơ bản, dài hạn, tôi cho rằng: Vẫn nên đầu tư vào vàng”.

Đừng lao vào "cơn sốt" vàng theo kiểu mua lấy được

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, tư vấn con đường đầu tư để lựa chọn, để kiếm tiền, thu về lợi nhuận cao nhất, nhanh nhất trong thời điểm hiện nay hoàn toàn không hề dễ. “Nó phụ thuộc vào túi tiền của người ta, cũng như kế hoạch tương lai dài hạn của họ, đồng thời phải tính đến khả năng nắm bắt cơ hội, thời cơ của những người có tiền”.

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện và lâu dài, theo ông Phong: Người dân vẫn nên giữ tài sản bằng vàng là tốt nhất.

Ông lý giải: 50 năm hay 100 năm sau thì một cây vàng vẫn là một cây vàng. Khi kinh tế toàn cầu yếu kém, lạm phát giá cả tăng vọt, vàng sẽ được nhiều nhà đầu tư chọn lựa, coi là "cảng tránh bão" an toàn nhất. Những số liệu thống kê gần đây về kinh tế Mỹ và châu Âu đang chứng minh luận điểm này.

Bất chấp những rủi ro, các nhà đầu cơ trên khắp thế giới, từ trẻ tới già, đều đang đổ tiền vào thị trường vàng. Andrew Feldman, Chủ tịch hãng tài chính AJ Feldman ở Chicago (Mỹ) cho biết, ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các khách hàng ở mọi lứa tuổi về việc liệu có nên mua hay bán vàng trong lúc này hay không, bởi thua lỗ và lời lãi chỉ cách nhau có gang tấc.

Trao đổi với báo giaoduc.net.vn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh: “Nếu đầu tư đúng nghĩa bao gồm cả mua và bán thì đây vẫn chưa phải là giải pháp tốt nhất vì giá vàng tại thời điểm này đang lên xuống thất thường. Hơn nữa, nhiều chuyên gia về vàng trên thế giới cũng đang nhận định: Chỉ cần có một tín hiệu tốt là vàng có thể hạ 1/3”.

Hiện thị trường vàng đang có dấu hiệu xuất hiện bong bóng, thậm chí có dự báo bong bóng này đã phình to quá mức và sắp nổ tung. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng: Vàng có “bong bóng” nhưng chắc chắn “không nổ” bởi vẫn có những dấu hiệu tăng. Ví dụ, khi Mỹ giữ lãi suất thấp tới 2013 gắn với đồng đô la yếu thì vàng bao giờ cũng giữ giá.

Paul Baumbach, một nhà cố vấn tài chính thuộc hãng tư vấn Mallard ở Newark, cũng nhận định: Cơn sốt vàng hiện tại có nhiều khả năng là xuất phát từ yếu tố tâm lý, vì vậy, điều quan trọng là nhà đầu tư đừng lao vào cơn sốt theo kiểu mua lấy được.

Bất động sản: Muốn cứu cũng không cứu được

Thị trường bất động sản xưa nay vốn phụ thuộc rất lớn vào thu nhập của dân cư cũng như kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên thị trường bất động sản toàn cầu đang xuống giá và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Đáng chú ý, mức suy giảm của bất động sản hiện nay là khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Vạn Phúc chia sẻ với VnEconomy: Cả tháng nay, sàn của ông chỉ có một vài giao dịch thành công. Thế nên, thấy có khách tìm đến sàn, dù chưa biết có mua bán gì được gì không, với ông thế cũng là mừng.
 
Vị giám đốc này nói, đất phía Tây Hà Nội vốn “sốt” như thế, song thị trường từ 3 - 4 tháng nay hầu như không có giao dịch, đặc biệt là đất dự án. Nếu so với hồi đầu năm, giá đất dự án ở khu phía Tây thành phố cũng đã giảm từ 15 - 20%, thậm chí có dự án giá giảm trên 25%.

Đơn cử như đất liền kề ở dự án Geleximco, cuối năm 2010 giá đất ở đây vẫn ở mức trên 60 triệu đồng/m2, nhưng nay đã được khách hàng gửi bán tại các sàn với giá chỉ khoảng 47 triệu đồng/m2. Còn ở dự án Vân Canh, Nam An Khánh (Hoài Đức), trước Tết Nguyên đán, giá đất liền kề ở đây cũng trên 45 triệu đồng/m2, nay phần lớn được rao bán ở mức 35 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có khách mua.

Đặc biệt, đất dịch vụ tại khu vực phía Tây, phía Đông và các khu vực như Đông Anh, Long Biên... giá và giao dịch đều  giảm mạnh, nhiều khu vực hầu như không có ai mua bán gì trong vòng nửa năm nay.

Đại diện một sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Văn Lương cũng cho hay, điều bất lợi cho thị trường hiện nay là dường như tâm lý đám đông vẫn ngự trị trong hầu hết giới đầu tư. Khi giá lên thì đổ xô nhau đi mua, song lúc giá xuống thì lại không có động tĩnh gì, thậm chí không ít nhà đầu tư lo thị trường tuột dốc lại tìm cách bán tống, bán tháo.

Mặc dù, thị trường BĐS đang đối mặt với nhiều khó khăn, song với nhiều người thực tế đó đôi khi lại là một “điềm lành” để có một thị trường ổn định, bền vững về sau. Không ít chuyên gia về BĐS vẫn cho rằng: “Tuột dốc đôi khi cũng tốt”.

“Nếu buôn bán vừa có lời, vừa ăn chắc thì thị trường BĐS hiện nay vẫn là hướng đầu tư tốt, thậm chí tốt hơn vàng. Người ta có thể hái ra tiền khi tham gia vào thị trường này bởi lẽ: Giá cả BĐS cũng lên như vàng, hơn nữa, mức thanh khoản cũng cao hơn nếu chọn lựa được giá trị tốt” – Trao đổi với Giáo Dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong tư vấn.

Chứng khoán: Thời của tầng lớp đại gia

Trên trang ĐTCK, ông Trần Đắc Sinh - Tổng giám đốc Hose cho rằng: Thị trường chứng khoán (TTCK) đang phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Kinh tế khó khăn thì CK không thể tốt được.

Khi TTCK “không thể tốt lên được”, nhiều người cho rằng: CK giờ là thời của những người “mua và để đấy”, thị trường hiện tại chỉ dành cho tầng lớp đại gia – những người có tiền tham gia để “lướt sóng”.

“Dân nghèo mà “lướt’ theo thì dễ chết lắm. Chẳng bao giờ tôi nghĩ là họ nên mua” – Một chuyên gia đầu ngành về kinh tế tại Việt Nam nhận xét trong cuộc trò chuyện ngoài lề với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.

 

Cho tới thời điểm này, TTCK đang diễn lại giai đoạn năm 2008 nhưng với mức độ sâu sắc hơn. Nếu như năm 2008, kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì năm 2011, mức độ ảnh hưởng đã rất rõ.

Nếu như trong năm 2008, doanh nghiệp có thể trông nhờ nguồn dự trữ từ trước để "cứu" lấy lợi nhuận thì năm nay, nguồn dự trữ trong doanh nghiệp đã cạn dần. Năm nay, mức độ khó khăn bộc lộ ở nhiều hướng nên một số doanh nghiệp đã không lường được, không ứng phó kịp. Kết quả là thua lỗ, tụt lùi.

Hiện tại, nhà đầu tư còn tham gia mua bán, đầu tư cổ phiếu cũng chủ yếu vì 2 mục tiêu, trông chờ sự tăng trưởng của doanh nghiệp và hưởng cổ tức. Nhưng cả hai điều này với doanh nghiệp hiện đều khó. Vì thế, nhà đầu tư đang cảm thấy khó khăn trong quyết định đầu tư vào doanh nghiệp nào đó.

“Điều tôi băn khoăn là khó khăn có thể sẽ còn kéo dài. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nên dự phòng rủi ro cho cả năm 2012. Có thể chính sách sẽ tiếp tục thiên về ổn định kinh tế hơn là tăng trưởng kinh tế…Muốn cải thiện tình hình, chỉ có thể trông nhờ kinh tế ổn định và tốt hơn”, ông Trần Đắc Sinh - Tổng giám đốc Hose chia sẻ với ĐTCK. 

Tiểu Phương