Chú ý khi tiếp cận phần Hóa học, trong môn Khoa học tự nhiên

05/01/2019 07:05
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Với giáo viên đã dạy nhiều năm, thực tế sẽ khó tiếp cận với chương trình mới. Tuy nhiên, chúng ta phải tự thay đổi, cập nhật kiến thức, làm gương cho học sinh.

LTS: Về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ một số lưu ý khi tiếp cận phân môn Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục được phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Những kiến thức nêu dưới đây là yêu cầu của chương trình mới, phân môn Hóa học, được bổ sung, cập nhật, trong môn Khoa học tự nhiên, giáo viên cần chú ý để tiếp cận chương trình mới.

Phần Dung dịch, chương trình mới yêu cầu học sinh phân biệt được dung dịch với Huyền phù, Nhũ tương.

Ảnh minh họa: Giaoduc.edu.vn
Ảnh minh họa: Giaoduc.edu.vn

Phần Nguyên tử - Nguyên tố, yêu cầu học sinh tìm hiểu được lịch sử tìm ra nguyên tử qua các thời kì của Democritus, Dalton, Thompson, Rutherford, Bohr. Trình bày được mô hình nguyên tử của Rutherford – Bohr (lớp electron). Nêu được khối lượng của một nguyên tử theo đơn vị quốc tế amu.

Phần Phân tử: Giới thiệu về liên kết hoá học (ion, cộng hoá trị, hydrogen); Tính được m (hoặc n hoặc V) của chất khí ở điều kiện áp suất và nhiệt độ môi trường chuẩn: 1 bar, 25 độ C (SATP, Standard Ambient Temperature and Pressure) khi biết các đại lượng có liên quan.

Với phản ứng hóa học; Nêu được khái niệm và ví dụ minh hoạ về phản ứng toả nhiệt, thu nhiệt. Trình bày được các ứng dụng phổ biến của phản ứng toả nhiệt. Nêu được khái niệm về tốc độ phản ứng.

Tìm hiểu và so sánh được tốc độ một số phản ứng hoá học. Nêu được các yếu tố làm thay đổi tốc độ phản ứng. Nêu được khái niệm phản ứng thuận nghịch.

Acid – Base – Muối, học sinh biết được axit phân ly thành ion H­+, bazơ tan phân ly thành ion OH-.

Chú ý khi tiếp cận phần Hóa học, trong môn Khoa học tự nhiên ảnh 2Chương trình giáo dục phổ thông mới khác chương trình cũ ở điểm nào?

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học: Nêu được quy luật biến đổi tính chất vật lí thông qua dãy nhiệt độ nóng chảy hoặc nhiệt độ sôi của đơn chất.

Dãy hoạt động hóa học của kim loại: Xây dựng được dãy hoạt động hoá học bao gồm một số kim loại, carbon và hydrogen (K, Na, Ca, Mg, Al, C, Zn, Fe, Pb, H, Cu, Ag, Au).

Nêu được một số phương pháp tách kim loại trong công nghiệp (phương pháp vật lí; phương pháp điện phân; phương pháp thay thế kim loại) trên cơ sở của dãy hoạt động hoá học.

Oxi-Không khí: Trình bày được ứng dụng của nitrogen, của một số khí trơ. Giải thích được cơ sở của phương pháp tách phân đoạn để thu được oxygen, nitrogen, argon, krypton (kripton), xenon,... từ không khí.

Hợp chất hữu cơ: Alkane (ankan) và alkene (anken): Gọi tên được một số alkane (ankan) đơn giản và thông dụng (C1–C4). Nêu được khái niệm đồng phân và phân biệt được các chất đồng phân. Trình bày được phương pháp điều chế alkene (phản ứng cracking và dehydrate hoá).

Nhìn qua, thấy chương trình mới có vẻ “nặng hơn”. Thế nhưng, trên tổng thể, bổ sung của chương trình mới nêu trên, đưa vào đảm bảo mạch kiến thức bộ môn liên thông từ cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; tránh sự trùng lặp kiến thức, đảm bảo được giáo dục cơ bản.

Một số kiến thức, cập nhật kịp thông lệ quốc tế như thể tích chất khí ở điều kiện áp suất và nhiệt độ môi trường chuẩn: 1 bar, 25 độ C.

Với giáo viên đã dạy nhiều năm, thực tế sẽ khó tiếp cận với chương trình mới. Tuy nhiên, chúng ta phải tự thay đổi, cập nhật kiến thức, làm gương cho học sinh.

Chương trình phổ thông mới thành công, vai trò của giáo viên là then chốt. Phải có kế hoạch tập huấn cụ thể, thiết thực, phù hợp; tránh tình trạng giáo viên tập huấn chỉ ghi danh cho có. 

Với giáo viên, có ý thức tự học, bổ sung kiến thức mình còn thiếu, còn yếu, đã mai một; tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; học bất cứ nơi nào, tài liệu nào, người nào, khi nào.

Chỉ còn hơn một năm chuẩn bị, nếu không muốn tụt hậu, chỉ có cách tự học. Hiểu biết mười, dạy một, có vậy mới đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ cao quý của mình.

Đổi mới là tất yếu, quyết tâm tự học, sẽ làm được; nếu bản thân không quyết tâm, tự mình loại mình ra khỏi đội ngũ.

Bên cạnh đó, cần có cải cách chế độ tiền lương, đảm bảo giáo viên không dạy thêm, làm thêm, vẫn sống được bằng lương của mình.                                                            

Tài liệu tham khảo:

http://rgep.moet.gov.vn/chuong-trinh-gdpt-moi/du-thao-chuong-trinh-cac-mon-hoc/du-thao-chuong-trinh-mon-khoa-hoc-tu-nhien-4606.html

Sơn Quang Huyến