Mối quan hệ giữa quyền tài sản và quyền tự chủ Đại học

28/09/2016 07:28
Tiến sĩ Đặng Văn Định
(GDVN) - Dưới góc nhìn pháp luật, quyền tài sản và quyền tự chủ Đại học có mối quan hệ như thế nào?

LTS: Trong những loạt bài trước Tiến sĩ Đặng Văn Định (Trưởng Ban phân tích và nghiên cứu chính sách- Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) đã đi sâu phân tích về tự chủ Đại học về mặt nội dung, mô hình.

Ông nhận định đây là một chủ trương khả thi, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước; tuy nhiên với mỗi loại hình trường sẽ có những cơ chế tự chủ khác nhau.

Trong bài viết này, Tiến sĩ Đặng Văn Định đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý về mối liên hệ giữa quyền tài sản và quyền tự chủ trong các mô hình trường Đại học để bạn đọc hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!

Theo luận điểm của Đảng tại Đại hội lần thứ XII thì quyền tài sản bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản; trong khi đó, Luật Dân sự cho phép chủ sở hữu có quyền nắm giữ, quản lý tài sản.

Chính phủ, tại Nghị quyết số 77/NQ-CP tháng 10/2014 (NQ-77) quy định quyền tự chủ Đại học bao gồm:

(i) Tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học - một số học giả còn gọi là tự chủ về học thuật (tự chủ ĐT, NC); (ii) tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự (tự chủ TCBM-NS); (iii) tự chủ về tài chính (tự chủ TC).

Tự chủ Đại học là một chủ trương khả thi nhưng nhiều trường hiện nay vẫn gặp nhiều vướng mắc để thực hiện (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Tự chủ Đại học là một chủ trương khả thi nhưng nhiều trường hiện nay vẫn gặp nhiều vướng mắc để thực hiện (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Cùng với mô hình Đại học công lập truyền thống (ĐHCL) từ những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tới nay chúng ta đã tạo dựng thêm những mô hình Đại học mới theo hướng tăng quyền tự chủ: mô hình Đại học Quốc gia (ĐHQG), mô hình Đại học vùng (ĐHV), mô hình trường Đại học Công lập tự chủ toàn diện theo NQ-77 (ĐHCL tự chủ), mô hình trường Đại học Dân lập (ĐHDL), mô hình trường Đại học Tư thục (ĐHTT), mô hình trường Đại học Tư thục không vì lợi nhuận (ĐHTT-KVLN).

Thử xem mối liên hệ giữa quyền tài sản và quyền tự chủ trong các mô hình trường Đại học của nước ta thế nào? Sẽ thuận lợi phân tích khi ta lập bảng dưới đây.

TT

Mô hình

Đầu tư

Sở hữu

Tự chủ đào tạo, nghiên cứu

Tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự

Tự chủ tài chính

1

Đại học Công lập

Nhà nước

Một phần

Một phần

Một phần

Nhà nước quy định

2

Đại học Quốc gia

Nhà nước

Nhà nước

Toàn diện*

Toàn diện

Nhà nước quy định

3

Đại học vùng

Nhà nước

Nhà nước

Phần lớn

Phần lớn

Nhà nước quy định

4

Đại học Công lập tự chủ theo NQ-77

Nhà nước

Nhà nước

Toàn diện

Toàn diện

Nhà nước quy định

5

Đại học Dân lập

Tư nhân

Tập thể

Một phần

Toàn diện

Toàn diện

6

Đại học Tư thục

Tư nhân

Tư nhân

Một phần

Toàn diện

Toàn diện

7

Đại học Tư thục không vì lợi nhuận

Tư nhân

Tập thể

Một phần

Toàn diện

Toàn diện

* Cụm từ “toàn diện” được hiểu theo quy định của Chính phủ  tại NQ-77

Nhận xét:

Mối quan hệ giữa quyền tài sản và quyền tự chủ Đại học ảnh 2

Từ tự chủ đại học đến hệ thống các trường sư phạm đều đang gặp rắc rối

Thứ nhất, đầu tư vào giáo dục không chỉ có Nhà nước; sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân đang có mặt trong các cơ sở giáo dục Đại học (GDĐH).

Thứ hai, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu được thực hiện thống nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tất cả các cơ sở giáo dục Đại học.

Cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước mới xuất hiện mô hình Đại học Quốc gia hoạt động theo quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ ban hành với quyền tự chủ cao về đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tinh thần đó được áp dụng cho 14 trường Đại học Công lập thuộc diện thí điểm tự chủ toàn diện theo NQ-77 hơn một năm nay.  Đối với loại việc này, năng lực quản trị học thuật chiếm được “niềm tin” của của cơ quan quản lý Nhà nước hơn là vai trò đầu tư.

Thứ ba, quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ tài chính gắn kết với đầu tư và sở hữu tài sản.

Về phương diện tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự những trường ngoài công lập  hoặc những trường Đại học Công lập tự chủ gần như  được toàn quyền.

Nói gần như bởi một số việc vẫn do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chủ quản quyết định.

Về phương diện tự chủ tài chính, các trường ngoài công lập được toàn quyền, trong khi đó các cơ sở Đại học Công lập truyền thống phải hoạt động trong khuôn khổ quy định  chặt chẽ của Nhà nước; đối với các trường Đại học Công lập tự chủ thì hầu hết hoạt động tài chính do nhà trường quyết định, một số chi tiêu liên quan đến chính sách xã hội, đến đầu tư công vẫn phải theo quy định của Nhà nước.

Mối quan hệ giữa quyền tài sản và quyền tự chủ Đại học ảnh 3

Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi

Thực tế cho thấy mô hình trường ngoài công lập chi tiêu hiệu quả hơn mô hình Đại học Công lập.

Đơn cử, mức học phí của nhiều trường Đại học ngoài công lập thấp hơn hoặc xấp xỉ với mức học phí của các trường Đại học Công lập tự chủ nhưng họ tự lo được toàn bộ kinh phí hoạt động từ A đến Z, kể cả việc mua đất và xây trường.

Những gì nêu trên cho thấy sự phối kết hợp giữa quyền tài sản và quyền tự chủ đã tạo dựng nên các mô hình Đại học.

Việc đặt chủ sở hữu đúng chỗ và trao quyền tự chủ hợp lý sẽ mạng lại những giá trị quý giá cho giáo dục.

Điều này gợi ý chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo về mối quan hệ giữa đầu tư, sở hữu với quyền tự chủ khi hoàn thiện những mô hình Đại học tự chủ.

Tài liệu tham khảo:

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trang 104.

[2] Luật Dân sự 2005, Điều 184.

Tiến sĩ Đặng Văn Định