Trái khoáy chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi phải dạy bù

14/03/2016 07:42
Nguyễn Cao
(GDVN) - Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 khi áp dụng vào ngành giáo dục đã thực sự tháo gỡ được những bất cập trước đó hay chưa?

LTS: Việc nghỉ phép, nghỉ lễ của giáo viên không hề được thảnh thơi như những gì quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội mà trái lại cứ hễ nghỉ là thầy cô phải dạy bù buổi dạy đó vào thứ 7 hay chủ nhật. 

Thực hư chuyện này ra sao? Trong bài viết này thầy Nguyễn Cao chỉ rõ ra vấn đề này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trước khi vợ nghỉ sinh, anh bạn đồng nghiệp của  tôi tỏ vẻ phấn chấn bởi vì vợ chồng anh sắp được đón đứa con đầu lòng và vui mừng vì anh là người đầu tiên trong đơn vị được áp dụng quy định được nghỉ phép khi vợ sinh. 

Sau 7 ngày nghỉ (vợ sinh mổ), khi đi dạy trở lại cũng là lúc anh phải “méo mặt” vì phải dạy bù khoảng thời gian nghỉ phép. 

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được áp dụng từ ngày 1/1/2016 đã quy định rõ: 

Lao động nam đang đóng Bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày.

Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh con. Trong trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 7 ngày làm việc. 

Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc
.” 

Nghịch lý chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi dạy bù (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Nghịch lý chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi dạy bù (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Luật quy định như vậy nhưng ở các ngành nghề khác thì việc áp dụng dễ dàng, còn đối với giáo viên đứng lớp thì lại vô cùng khó khăn. 

Bởi, phần lớn các đơn vị khi phân công giáo viên là đã sắp xếp tương ứng đối với số tiết quy định. Đồng thời, trong 6 ngày làm việc (đối với cấp 2 và cấp 3) thì mỗi môn học có một ngày họp bộ môn, thao giảng nên ngày hôm đó không thể xếp lịch được. 

Vì né tránh môn này môn kia nên đa số giáo viên cùng môn thì lại trùng ngày dạy. Vì trùng ngày dạy nên khi có giáo viên nghỉ phép thì không thể sắp xếp giáo viên khác dạy thay được. 

Trái khoáy chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi phải dạy bù ảnh 2

9 chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 1/2016

(GDVN) - Nhà giáo có chế độ phụ cấp mới; Cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên dân tộc thiểu số nghèo... là những chính sách có hiệu lực trong tháng 1/2016.

Chính vì vậy, khi giáo viên nghỉ thì phải dạy bù trái buổi vào hôm khác.

Hơn nữa, khi giáo viên nghỉ 1 tuần tương đương với gần 20 tiết dạy thì giáo viên dạy thay cũng không được tính thêm giờ dạy nên khi Ban giám hiệu và tổ trưởng tổ chuyên môn bố trí thì nhiều thầy cô tìm cách thoái thác, dạy một vài tiết rồi thôi. 

Ngoài những nghịch lý nêu trên thì việc nghỉ các ngày lễ trong năm của ngành giáo dục cũng đang có nhiều bất cập khi thực hiện. 

Các ngày lễ nghiễm nhiên được nghỉ như Giỗ tổ Hùng Vương, Giải phóng miền Nam, Quốc tế Lao động, Quốc khánh, Tết Dương lịch…nếu các ngày nghỉ này trùng vào chủ nhật hoặc ngày không có tiết dạy thì không sao nhưng nếu nghỉ vào ngày bình thường thì giáo viên phải dạy bù vào chủ nhật. 

Mặc dù trong phân phối chương trình có một tuần dự trữ vào cuối kì nhưng hầu hết các trường vẫn bố trí dạy và học bù và các ngày chủ nhật trong kì học đó. 

Trái khoáy chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi phải dạy bù ảnh 3

Chế độ của giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè

(GDVN) - Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con tính cả ngày lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Bởi nếu không dạy bù thì sẽ gây ra lệch chương trình học giữa lớp này với lớp khác, giáo viên viên này với giáo viên khác, gây khó khăn trong việc ghi sổ đầu bài và kiểm tra định kỳ. 

Nhất là khi thi học học kì theo đề của Sở GD&ĐT hoặc Phòng GD&ĐT. Nếu đề ra vào bài chưa học thì học sinh không làm được bài, thầy cô phiền lòng. 

Hơn nữa, ngoài các ngày nghỉ do Nhà nước quy định thì ngành giáo dục còn nhiều ngày nghỉ khác như buổi khai giảng năm học, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày giáo viên đi học chính trị, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn…

Và đương nhiên tất cả các ngày này đều bố trí dạy vào ngày chủ nhật. 
Câu chuyện nghỉ phép, nghỉ lễ như vậy khiến phần lớn giáo viên không thích các ngày lễ. Bởi theo thường ngày từ công việc đến chăm sóc con cái đều có lịch trình cụ thể nên việc giáo viên đi dạy bù vào chủ nhật gây xáo trộn mọi việc. 

Nào, con cái không có người trông, nhiều công việc bố trí trong ngày cuối tuần không thực hiện được…

Vậy thử hỏi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 khi áp dụng vào ngành giáo dục đã thực sự tháo gỡ được những bất cập trước đó hay không?

Nguyễn Cao