Ôn thi Đại học: Bí quyết học khối C của Thủ khoa Học viện Hành chính

29/02/2012 11:15
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Loan chia sẻ, học khối C giúp em thấy mình nhẹ nhàng và tinh tế hơn, thêm tính kiên nhẫn và tự trọng cao.

Thủ khoa thích múa dân gian

Trần Thị Loan không chỉ là cô nàng học giỏi mà còn năng nổ tham giác các hoạt động xã hội cũng như đạt nhiều giải thưởng các về công tác Đoàn. Công việc này giúp em năng động, xả stress, thêm hiểu biết xã hội sau những giờ học vất vả.

Ngay từ khi còn là học sinh đến khi là sinh viên, Loan tham gia nhiệt tình các chương trình văn nghệ, tiết mục múa chào mừng ngày ngày khai giảng, chào tân sinh viên hay ngày nhà giáo Việt Nam.

Trần Thị Loan tâm sự, em rất thích dòng múa dân gian với những điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, chậm rãi. Thông qua các điệu múa em hiểu được cuộc sống lao động, chiến đấu, tình cảm, quan niệm thẩm mỹ của một thế hệ. Với phần trình diễn duyên dáng của mình trong tiết mục múa dân gian: “Cây đa quán dốc”, Loan đã đưa khán giả về với miền quê yên bình, đầy chất trữ tình. Tiết mục này giúp Loan giành giải nhất trường trong cuộc thi “Em yêu làn điệu dân ca”, sau đó là giải nhất cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh.

Loan tâm sự, quan trọng nhất để gắn bó và thành công trong múa là niềm đam mê và tập luyện. Múa giúp cuộc sống của em đầy màu sắc và đưa em đến gần hơn với khán giả.

Múa giúp cuộc sống của Loan đầy màu sắc và đưa em đến gần hơn với khán giả
Múa giúp cuộc sống của Loan đầy màu sắc và đưa em đến gần hơn với khán giả

Bí quyết học khối C là “Viết”

Trần Thị Loan là cô gái thành công với cả ba môn học khối C. Loan vốn học lớp chuyên văn, được chọn đi thi HSG sử nhưng điểm thi Đại học môn địa lại đạt kết quả cao nhất.

Trần Thị Loan tâm sự: “Em thích học văn nhất. Qua những tác phẩm của tác giả Nam Cao, Thạch Lam em thiêm hiểu đời và hiểu người. Vũ Trọng Phụng là “thần tượng” em. Tác phẩm “Số đỏ” đã mang lại cho em sự hiểu biết về bối cảnh thời đại và những mưu mô của bộ phận con dân thời đó”. Loan cũng cho biết, khi học văn em viết nhiều đến mức không thể quên được. Cách học này giúp Loan tự chủ khi đi thi và không bị động trước mọi loại câu hỏi của đề thi.

Bí quyết học môn sử của Loan là làm thật nhiều bài tập thay cho việc học “tủ”. Nếu chỉ học thuộc nội dung thì đi thi Đại học sẽ rất lúng túng vì đề thi có nhiều câu hỏi chi tiết cũng như khái quát. Ngoài học chương trình trong SGK, việc đọc thêm sách tham  khảo giúp Loan nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn, bài viết được bổ sung thêm nhiều tri thức. Loan cho biết, nghe các câu chuyện lịch sử và xem phim lịch sử tạo cho em nhiều hứng thú khi học sử: “Em sẽ không thể hiểu được sự ác liệt của chiến tranh thế giới lần II nếu em không xem phim Trân Châu Cảng”. Đó là cách học thông mình qua việc giải trí. Qua lịch sử Việt Nam em cảm phục những vị anh hùng vì dân vì nước. Loan chia sẻ, em làm bài lịch sử như viết một bài văn, ngoài phần kiến thức cơ bản, em liên hệ, mở rộng để bài viết sâu và chắc.

Đạt điểm 8,5 cho môn địa lý, khi làm bài Loan lưu ý các bạn thí sinh cần vẽ bản đồ sạch, đẹp, thoáng, không nên chú thích chằng chéo sẽ khiến bài viết nhìn rối mắt. Trong cơ cấu đề thi, phần vẽ biểu đồ chiếm khá nhiều điểm, tuy nhiên vì chủ quan nên các thí sinh thường bị mất điểm một cách đáng tiếc. Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản thí sinh cần có khả năng chắt lọc, vận dụng kiến thức phù hợp, khả năng tổng hợp kiến thức cao chứ không đơn thuần là học thuộc.

Loan nghĩ rằng, học môn văn nói riêng và khối C nói chung, năng khiếu chỉ là một phần tạo nên bài viết tốt. Yếu tố quan trọng nhất nhất theo Loan là đam mê và chăm chỉ. Một bài viết chỉ có năng khiếu mà không có kiến thức thì chỉ là một bài viết sáo rỗng mà thôi.

Trần Thị Loan (bên trái) cùng bạn thân
Trần Thị Loan (bên trái) cùng bạn thân
Đỗ Quyên Quyên