Tư vấn tuyển sinh 2012: Nhóm ngành kinh tế, KHXH, quân đội, công an

28/02/2012 15:10
Theo Tuổi trẻ
Kết thúc khai mạc, chuyên gia tư vấn đã nhanh chóng chia ra thành ba nhóm ngành kinh tế, khoa học xã hội, quân đội, công an để tư vấn chuyên sâu choTS.
Các thầy cô tư vấn cho học sinh nhóm kinh tế - khoa học xã hội, quân đội, công an - Ảnh: Tấn Vũ
Các thầy cô tư vấn cho học sinh nhóm kinh tế - khoa học xã hội, quân đội, công an - Ảnh: Tấn Vũ
Nhiều nữ sinh quan tâm đến nhóm ngành công an, quân đội - Ảnh: Tấn Vũ
Nhiều nữ sinh quan tâm đến nhóm ngành công an, quân đội - Ảnh: Tấn Vũ
Học sinh tham khảo tài liệu trước giờ tư vấn - Ảnh: Tấn Vũ
Học sinh tham khảo tài liệu trước giờ tư vấn - Ảnh: Tấn Vũ

Mở đầu, TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐHQG TP.HCM phát biểu: kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn tổ chức theo hình thức 3 chung: chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả để xét tuyển.Vẫn có 3 đợt thi: đợt 1 diễn ra ngày 4 và 5-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 9 và 10-7 cho khối B, C, D và các khối năng khiếu, đợt 3 ngày 25 và 16-7 thi CĐ cho tất cả các khối.

Các môn lý, hóa, sinh và ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Các môn còn lại thi tự luận, thời gian 180 phút. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1. Khối thi này sẽ thi vào đợt 1 cùng với khối A, V. Các trường tùy điều kiện của mình có thể bổ sung khối A1 chứ không thay đổi các khối thi truyền thống trước đây.

- Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có một số đổi mới. Học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH-CĐ. Học sinh đạt giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ĐH, đạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ. Nếu học sinh đạt giải học sinh giỏi mà không sử dụng quyền tuyển thẳng mà dự thi thì làm hồ sơ và dự thi bình thường như những thí sinh khác.

Nếu có kết quả thi ĐH từ điểm sàn trở lên, không có môn bị điểm không, các trường sẽ xét tuyển thẳng vào ngành mà em đăng ký. Bộ GD-ĐT không qui định số đợt xét tuyển và thời gian của mỗi đợt xét tuyển.

Các trường tự quyết định thời gian xét tuyển và số đợt xét tuyển của mình. Hạn chót xét tuyển các nguyện vọng là ngày 30-11. Thời gian xét tuyển, qui định xét tuyển của mỗi trường khác nhau nên thí sinh cần hết sức lưu ý để nộp hồ sơ xét tuyển cho phù hợp. Một số mốc thời gian cần lưu ý: Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau:

- Theo hệ thống của sở GD&ĐT: Từ ngày 15-3 đến 17g00 ngày 16-4-2012;

- Tại các trường tổ chức thi: Từ ngày 17-4 đến 17g00 ngày 23-4-2012. Trước ngày 15-8 các trường sẽ công bố điểm thi của thí sinh và Bộ GD-ĐT cũng sẽ công bố điểm sàn. Trước ngày 20-8, các trường công bố điểm chuẩn. Trường nào còn thiếu chỉ tiêu sẽ thông báo xét tuyển các nguyện vọng còn lại.

* Em muốn làm hướng dẫn viên du lịch. Ngành này cần tố chất gì, nhu cầu việc làm ở miền Trung ngành này thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Du lịch là định hướng phát triển của Đà Nẵng. Nguồn nhân lực ngành này khá lớn.
Trong du lịch có nhiều chuyên ngành khác nhau như hướng dẫn du lịch, quản trị du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn. Tùy vào thế mạnh của mình, các bạn có thể chọn chuyên ngành phù hợp.

Mỗi chuyên ngành có các định hướng khác nhau. Học ngành này không chỉ đơn thuần lý thuyết mà có nhiều thời gian thực hành như thiết kế tour, tổ chức tour, điều hành và lập kế hoạch cho tour du lịch.

Ngành này yêu cầu các bạn phải năng động, kiến thức, đặc trưng văn hóa và lịch sử vùng miền, đặc biệt là ngoại ngữ. Điều quan trọng nữa là các bạn phải có khả năng nói chuyện tốt, khả năng quản lý.

- ThS Giang Thị Kim Liên: TP Đà Nẵng là trung tâm của miền Trung. Tại đây có nhiều tuyến bay đi các nước trên thế giới, có nhiều khu du lịch nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch. Ở đây có nhiều công ty du lịch và lữ hành đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào ngành này tại Đà Nẵng. Hàng năm các công ty này đều có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này.

Ở ĐH Đà Nẵng có nhiều ngành đào tạo liên quan đến ngành du lịch. QTKD Du lịch ở Trường ĐH Kinh tế, cử nhân tiếng Anh, Nga, Pháp du lịch. Ở Trường ĐH Sư phạm có ngành Việt Nam học, cử nhân địa lý du lịch.

* Ở Đà Nẵng có trường nào đào tạo Luật không? Ra trường làm việc ở đâu?

- TS Đào Hữu Hòa: Trong sự phát triển của xã hội, thể chế pháp luật ngày càng được củng cố. Hiện nay Trường ĐH Kinh tế ĐH Đà Nẵng có khoa luật với hai chuyên ngành luật học và luật kinh doanh. Ngoài ra, không nhất thiết muốn làm việc ở Đà Nẵng phải học luật ở Đà Nẵng.

Trong cả nước có nhiều trường trong đào tạo. Quan trọng nhất là năng lực của chúng ta phù hợp với trường nào bởi điểm chuẩn ngành luật ở mỗi trường không giống nhau.

- ThS Lê Văn Hiển: Trên cả nước có hơn 22 cơ sở đào tạo ngành luật. ĐH Đà Nẵng, Huế, Vinh, Trường ĐH Luật HN, Khoa luật ĐHQG HN, Trường ĐH Luật TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), Đà Lạt... Các trường thường tuyển sinh các khối A, C, D, tùy từng trường.

Đối với ngành luật, nhu cầu nhân lực tại Đà Nẵng và VN rất lớn. Nhiều công ty nước ngoài đang đầu tư vào VN, họ cần người tư vấn làm sao cho đúng luật. Ngoài ra có thể làm việc ở tòa án, viện kiệm sát, các sở ban ngành, chuyên gia pháp lý tư vấn cho các doanh nghiệp. Có hội việc làm phụ thuộc vào kiến thức mà các bạn tích lũy được và các kỹ năng mềm mà các bạn rèn luyện.

* Em muốn thi vào ngành công an, vậy em cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?

- Thiếu tá Trần Văn Đồng: Một học sinh muốn thi vào ngành công an phải trải qua phần kiểm tra sức khỏe, thân nhân của bạn. Học sinh đến công an quận, huyện đội để được sơ tuyển bắt đầu từ 1-3. Học lực đạt từ trung bình trở lên, các môn thi của khối thi phải đạt từ 6,0 trở lên.

* Em ở Đà Nẵng, nếu dự thi vào các trường ĐH khác thì phải vào trường thi hay thi tại Đà Nẵng?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: đối với học sinh Đà Nẵng, thí sinh muốn thi vào trường ĐH ngoài Đà Nẵng, các em sẽ đến điểm thi do trường qui định để dự thi chứ không thi tại Đà Nẵng.

- ThS Giang Thị Kim Liên: Nếu thi NV1 vào ĐH Đà Nẵng thì phải thi tại ĐH Đà Nẵng. Nếu xét tuyển, thí sinh có thể sử dụng kết quả từ bất kỳ trường nào để xét tuyển vào ĐH Đà Nẵng nếu điểm thi của các em phù hợp với điểm xét tuyển của ĐH Đà Nẵng.

* Khối D6 vào Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM) và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có nhân hệ số không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu thi vào ngành Nhật Bản học thì môn ngoại ngữ không nhân hệ số. Một số ngành khác như Ngữ văn Anh, Đức, Trung hay Đức thì môn ngoại ngữ nhân hệ số 2. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có nhân hệ số môn ngoại ngữ.

* Trường ĐH Kinh tế TPHCM có tuyển khối A1 không? Học tài chính ngân hàng có dễ xin việc không ạ?

- TS Trần Thế Hoàng: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bổ sung khối A1 cho tất cả các ngành của trường. Như vậy trường tuyển sinh hai khối A và A1. Ngành tài chính ngân hàng thu hút rất nhiều thí sinh dự thi. Đà Nẵng là thành phố năng động, cần nhiều nhân lực trong đó có nhóm ngành tài chính ngân hàng.

Trường lấy một điểm chuẩn chung, sau ba học kỳ sẽ phân ngành dựa và kết quả học tập, nguyện vọng của sinh viên và chỉ tiêu của ngành.

* Em có thể nộp hồ sơ và dự thi nhiều trường khác nhau không?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Quy chế không giới hạn số hồ sơ của thí sinh. Học sinh nộp bao nhiêu hồ sơ cũng được và đều nhận được giấy báo dự thi. Tuy nhiên mỗi bộ hồ sơ phải tốn phí 80.000đ nên thí sinh cần cân nhắc. Tuy nhiên, trong mỗi đợt thí sinh chỉ có thể dự thi một trường. Do vậy thí sinh cần hết sức cân nhắc để tránh tốn chi phí không cần thiết.

* Tiêu chuẩn xét tuyển vào ĐH phòng cháy chữa cháy là gì?

- Thiếu tá Trần Văn Đồng: Một năm, thí sinh chỉ được thi vào một trường công an duy nhất. Điều kiện thi vào trường phải qua kiểm tra sức khỏe, nhân thân. Ba năm qua phải có điểm học ba môn thi ĐH từ 6 trở lên.

Nếu không trúng tuyển bậc ĐH thì thí sinh có thể được xét tuyển vào bậc trung cấp phòng cháy chữa cháy, tùy vào nhu cầu của các cụm vùng. Năm rồi điểm chuẩn bậc trung cấp là 12 điểm. Cả nước có 8 trường công an khác nhau. Bậc trung cấp công an không thi tuyển, nếu muốn học trung cấp, thí sinh phải thi bậc ĐH của trường đó.

* Ngành QTKD tổng quát đào tạo những gì? Trường có chính sách học bổng nào cho sinh viên?

- ThS Lâm Tường Thoại: Ngành QTKD có nhiều chuyên ngành trong đó QTKD tổng hợp. Ngành này đào tạo kiến thức tổng quát về QTKD: quản trị căn bản, quản trị marketing, quản trị nhân sự, quản trị hành chính văn phòng, nghiệp vụ khai báo hải quan, nghiệp vụ bảo hiểm...

Tùy từng trường, họ có thể bổ sung thêm các môn học tùy vào thế mạnh của mình như luật phá sản, luật bán phá giá... Định hướng của ngành này là giúp người học có kiến thức quản lý. Tuy nhiên khi ra trường sinh viên phải làm ở vị trí nhân viên. Ngành này có hơn 400 trường ở VN đào tạo. Em cần xem xét năng lực của mình để có thể chọn trường phù hợp.

- TS Đào Hữu Hòa: trong quản trị chia ra hai phần: quản trị doanh nghiệp và tác nghiệp. Ngành này có nhiều chuyên sâu khác nhau. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho phép sinh viên học ngành này có thể học song song thêm một ngành khác. Chương trình đào tạo của các nhóm ngành gần thường không quá cách biệt.

Từng học kỳ, trường sẽ trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên. Nếu kết quả học tập tốt các em sẽ được trao học bổng theo qui trình xét điểm học từ cao xuống thấp cho đến khi hết học bổng.

* Em học ngành tiếng Anh, ra trường có thể đi dạy không? Nếu không đi dạy thì em có thể làm gì?

- TS Trần Quang Hà: thi khối D1 vào Trường ĐH Ngoại ngữ ĐH Đà Nẵng có vào các ngành sư phạm tiếng Anh, cử nhân tiếng Anh thương mại, cử nhân tiếng Anh du lịch...

Sau học kỳ I, em có thể đăng ký học song song ngành thứ hai bên cạnh ngành cử nhân hay sư phạm tiếng Anh. Học cử nhân tiếng Anh, nếu muốn đi dạy các em phải học thêm một khóa nghiệp vụ sư phạm. Theo đề án dạy ngoại ngữ bậc tiểu học của nhà nước nên nhu cầu giáo viên rất lớn.

* Trường ĐH Kinh tế ĐH Đà Nẵng có những ngành luật nào? Có ngành luật quốc tế không?

- TS Đào Hữu Hòa: Ngành luật có hai chuyên ngành luật học và luật kinh doanh. Tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân luật. Trường chưa có ngành này mà là chuyên ngành nằm trong ngành luật kinh doanh.

- ThS Lê Văn Hiển: Theo qui định thì không có ngành luật thương mại quốc tế mà chỉ là một chuyên ngành trong các ngành luật. Ngành này trang bị kiến thức liên quan đến thương mại quốc tế, giải quyết các vấn đề kinh doanh quốc tế...

* Thi khối A1 vào Trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng, em có thể chọn ngành nào?

- ThS Giang Thị Kim Liên: Trường ĐH Bách khoa tuyển khối A và V, không tuyển khối A1. Với đặc thù phần lớn ngành đào tạo ngành kỹ thuật nên chỉ tuyển khối A. Một số trường như Kinh tế hay Sư phạm của ĐH Đà Nẵng có tuyển khối A1.

* Con tôi định thi vào ngành ngữ văn Anh trường ĐH KHXHNV ĐHQG TP.HCM. Nếu trúng tuyển và muốn học thêm ngành khác thì làm thế nào? Làm sao để xét tuyển vào ngành cử nhân tài năng?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu theo học ngành này sinh viên có thể chọn chuyên ngành giảng dạy, biên phiên dịch và văn hóa văn học. Ngay khi xong học kỳ I, sinh viên có thể đăng ký học song song một ngành khác. Chương trình đào tạo giúp sinh viên có thể tích lũy nhiều học phần khác nhau. Mỗi chuyên ngành được trang bị thêm các kỹ năng và kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành đó.

Hệ cử nhân tài năng tuyển thí sinh đạt từ 21 điểm trở lên, điểm tiếng Anh từ 7 trở lên và không có môn thi nào dưới năm. Số kiến thức đào tạo cử nhân tài năng nhiều hơn, đào tạo sâu hơn, được học phòng riêng và có nhiều ưu tiên khác nữa. Nhiều sinh viên khi theo học rồi không chịu nổi áp lực nên xin ra học các lớp bình thường. Do đó, sinh viên nên cân nhắc thế mạnh của mình khi theo học hệ này.

* Ngành công an có tuyển khối A1 không?

- Thiếu tá Trần Văn Đồng: Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Công An, các trường công an năm nay không tuyển khối A1.

* Em đạt giải nhì môn văn quốc gia có được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Luật TP.HCM không? Em có được chọn ngành không?

- ThS Lê Văn Hiển: Theo qui định, em đạt giải môn văn nên được tuyển thẳng vào ngành văn hay sư phạm văn. Ngoài ra có thể tuyển thẳng vào các ngành gần. Hiện Bộ GD-ĐT đang xem xét các ngành gần để hướng dẫn các trường. Nếu Bộ GD-ĐT công bố danh mục ngành gần có luật thì trường sẽ tuyển thẳng bạn. Khi làm hồ sơ tuyển thẳng em chọn ngành trong hồ sơ để trường xét tuyển.

* Trường ĐH Tài chính marketing có đào tạo ngành kiểm toán hay không? Ngành này khác ngành kế toán kiểm toán thế nào?

- ThS Hứa Minh Tuấn: trường không tuyển sinh ngành kiểm toán, chỉ có ngành kế toán. Ngành kế toán có hai chuyên ngành.

- TS Trần Thế Hoàng: Ngành kế toán của trường có hai chuyên ngành kế toán tổng hợp và kiểm toán. Ngành kiểm toán trang bị cho sinh viên kiến thức luật kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán kiểm toán... Tốt nghiệp có thể làm ở bộ phận kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp, kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập....

- ThS Lâm Tường Thoại: Kiểm toán có thể hiểu nôm na là kiểm tra công tác kế toán. Ngành này trang bị kiến thức về kế toán và các nghiệp vụ liên quan như kiểm toán đại cương, kiểm toán vận hành. Tốt nghiệp ngành này muốn hành nghề kiểm toán phải học chứng chỉ liên quan đến kiểm toán. Nếu chưa có chứng chỉ chỉ có thể làm kiểm toán nội bộ ở các công ty. Có chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên mới có thể làm việc trong các tổ chức kiểm toán.

* Cách học thế nào cho tốt khi chuyển từ cách học của bậc THPT sang bậc ĐH?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Cách học ở bậc ĐH khác nhau khá nhiều so với bậc THPT. Việc quản lý học tập chủ yếu dựa trên tinh thần tự chủ của sinh viên. Sinh viên phải lập kế hoạch học tập. Việc đào tạo theo học chế tín chỉ nên sinh viên phải tự lập thời khóa biểu và quản lý thời gian học tập của mình.

Đối với những thí sinh không trúng tuyển ĐH-CĐ vẫn còn rất nhiều đường để đi như vào các trường nghề, trường TCCN.

Cùng một ngành có nhiều trường đào tạo. Nếu các em có đam mê, thích ngành học đó, các em cần tra cứu lại điểm chuẩn ngành này của nhiều trường khác nhau để từ đó chọn trường có điểm chuẩn phù hợp nhất với sức học của mình.

* Ngành quản trị luật Trường ĐH Luật TP.HCM học gì, ra trường làm ở đâu? Ngành luật thương mại có gì khác với trường khác?

- ThS Lê Văn Hiển: chương trình đào tạo ngành quản trị luật được thiết kế song ngành giữa QTKD và luật bao gồm các kiến thức của ngành QTKD. Ngoài ra sinh viên còn được học luật thương mại, luật dân sự, luật hợp đồng... Tốt nghiệp được cấp bằng song ngành quản trị luật, có thể học lên thạc sĩ QTKD hoặc luật đều được.

Ngành luật thương mại, tùy theo định hướng phát triển của từng trường đặt tên cho phù hợp. Chương trình đào tạo các trường giống nhau 70%, 30% khác nhau còn lại tùy vào thế mạnh của mỗi trường.

- ThS Lâm Tường Thoại: luật chỉ có 3 ngành là luật học, luật kinh tế và luật quốc tế. Luật kinh tế tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) lại chia thành 3 chuyên ngành luật kinh doanh, luật thuế và luật tài chính chứng khoán. Ngành này xoáy sâu vào lĩnh vực kinh doanh, mua bán với bên ngoài. Chương trình còn bổ sung luật của EU, Hoa Kỳ. Các em vẫn được đào tạo về thị trường chứng khoán, kinh doanh quốc tế.

* Bị cận 1,5 độ có được thi vào Học viện Hậu Cần?

- Thiếu tá Trần Văn Đồng: Cận 1,5 đến 3 độ có thể được dự thi nhưng tổng thị lực 2 mắt phải từ 19/20. Ngoài ra còn phải đảm bảo sức khỏe độ 1 5/6 chỉ tiêu của trường.

* Tính em cẩu thả trong tính toán, liệu có thi kế toán được không?

- TS Trần Thế Hoàng: Các em nhận thức được bản thân cẩu thả - tính này không tốt cho nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ kế toán. Do đó chúng ta phải sửa dần. Nếu cảm thấy khó sửa quá thì có thể chọn ngành khác phù hợp.

Kinh tế ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, người ta còn yêu cầu nhiều yếu tố khác như thái độ, hành vi. Nhóm ngành kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng còn đòi hỏi các bạn phải có đạo đức nghề nghiệp, tấm lòng vì cộng đồng.

Nếu em khắc phục được nhược điểm này và có đam mê, đạo đức chúng ta có thể đăng ký vào các ngành kinh tế. Kế toán, tài chính đòi hỏi chúng ta chính xác từng con số. Mặc dù có các phần mềm giúp chúng ta làm nhanh và chính xác hơn nhưng nó không thể thay thế được con người.

* Làm thế nào để biết các trường, ngành tuyển khối A1. Nếu em thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), đủ điểm sàn nhưng không đủ điểm chuẩn vào trường có thể xét tuyển vào Trường ĐH khác được không?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Năm nay Bộ GD-ĐT không in cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ. Các em có thể tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường trên website của các trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Muốn thi vào trường nào các em nên vào website của trường đó để tìm hiểu.

TS Nguyễn Văn Long - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH ngoại ngữ Đà Nẵng: Nếu đủ điểm sàn mà không đủ điểm ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ, trường sẽ cấp cho các em hai giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển vào trường khác có xét tuyển đợt 2. Đề thi toán ĐH có phần riêng cho thí sinh phân ban và không phân ban. Em có thể sử dụng kiến thức của không phân ban để làm bài đề phân ban không?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Phần tự chọn, thí sinh có quyền chọn phần phân ban hay không phân ban để làm. Tuy nhiên khi chọn phần đề nào phải làm hết phần đề thi đó. Không được làm cả hai phần tự chọn, như thế là phạm qui và không được chấm điểm phần tự chọn.

* Em bị áp lực gia đình rất lớn, phải đậu ĐH. Em muốn thi ngành tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ nếu không trúng tuyển có thể xét tuyển vào ngành khác không?

- TS Nguyễn Văn Long: Ngành sư phạm tiếng Anh những năm gần đây có điểm chuẩn khá cao. Khi thi vào ngành sư phạm tiếng Anh, nếu không trúng tuyển mà có điểm thi từ điểm sàn trở lên các em có thể xét tuyển vào các ngành khác của trường có xét tuyển NV2.

* Ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn (ĐHQG TP.HCM) gồm những chuyên ngành nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực như báo in, báo điện tử, truyền hình... Nếu theo học ngành này ở TP.HCM, môi trường học cũng khác hơn rất nhiều so với ở đây. TP.HCM là thành phố năng động nên các bạn có nhiều cơ hội để làm báo khi đang đi học. Sinh viên phải thực tập ở các tòa soạn nên học ở TP.HCM sẽ thuận tiện hơn.

Nếu các bạn không đủ khả năng vào trường có thể chọn học báo chí ở các trường như Huế, Sư phạm Đà Nẵng. Không nhất thiết học báo chí mới có thể làm báo. Nhiều phóng viên hiện nay không học báo chí nhưng vẫn làm báo rất tốt.

- ThS Giang Thị Kim Liên: Trường ĐH Sư phạm ĐH Đà Nẵng có đào tạo hai ngành cử nhân báo chí hoặc Văn hóa học. Đây là các ngành tương đối mới ở khu vực miền trung, tây nguyên. Điểm chuẩn các ngành này ở Trường ĐH Sư phạm chỉ 14 điểm. Nếu năng lực không đủ dự thi vào các trường chuyên về báo chí ở TP.HCM, Hà Nội thì nên chọn thi ở Đà Nẵng để thuận tiện hơn và dễ trúng tuyển hơn.

* Em thi vào ngành QTKD tổng quát Trường ĐH Kinh tế ĐH Đà Nẵng, không trúng tuyển nhưng có điểm bằng điểm chuẩn các ngành khác trong trường, em có được chuyển sang ngành đó không? Trường có ưu tiên điểm cho con thương binh không?

- TS Lê Văn Huy: Trường lấy điểm chuẩn vào trường. Do đó, nếu không đủ điểm chuẩn vào ngành đăng ký nhưng có điểm bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn vào trường các em sẽ trúng tuyển và được đăng ký vào một ngành khác của trường. Trường áp dụng chính sách ưu tiên theo qui định, nếu là con thương binh thì sẽ được cộng điểm ưu tiên.

* Học ngành tài chính ngân hàng ra có thể làm gì trong ngân hàng? Ngành nào trong ngân hàng không yêu cầu chiều cao?

- TS Trần Thế Hoàng: Ngành tài chính ngân hàng chia ra 5 chuyên ngành nhỏ. Chuyên ngành tài chính nhà nước có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước, công ty tư vấn thuế, kiểm toán... Chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm, chuyên ngành tài chính ngân hàng làm ở ngân hàng, chứng khoán...

Chuẩn đầu ra của trường chỉ qui định kiến thức, kỹ năng, đạo đức và ngoại ngữ, không qui định về chiều cao cân nặng hay các yêu cầu ngoại hình. Nếu kiến thức vững và ngoại hình tốt có thể sẽ có ưu thế hơn. Tuy nhiên các bạn cần hình dung, tốt nghiệp nhiều ngành khác có thể làm việc trong ngân hàng chứ không phải chỉ tốt nghiệp ngân hàng.

Trong ngân hàng có nhiều phòng ban khác nhau, cần người tốt nghiệp ở các lĩnh vực phù hợp như marketing, nhân sự, công nghệ thông tin, tài chính.... Ngân hàng sẽ tuyển từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực và bổi dưỡng thêm nghiệp vụ để các bạn có thể phát huy tốt năng lực của mình. Ngành này không quá nặng nề về ngoại hình, quan trọng là kiến thức, kỹ năng và sự phấn đấu liên tục của các bạn.

* Học sư phạm ngoại ngữ được đào tạo những gì? Nếu không đi dạy, em có thể làm những gì?

- TS Nguyễn Văn Long: Ngành này đào tạo để sinh viên có năng lực ngôn ngữ và kỹ năng sư phạm để có thể đứng trước lớp để giảng dạy. Nếu không đi dạy, bạn có thể làm những công việc khác có yêu cầu về tiếng Anh.

* Kế toán và kiểm toán khác nhau thế nào?

- ThS Lâm Tường Thoại: Ngành kiểm toán là ngành kiểm tra công tác kế toán. Ngành kiểm toán đào tạo phần lớn môn học giống như kế toán. Người làm kiểm toán phải nắm vững công tác kế toán. Tốt nghiệp kiểm toán vẫn có thể làm kế toán. Người tốt nghiệp kế toán cũng có thể thi lấy chứng chỉ để làm kiểm toán viên. Chương trình học có khác nhau nhưng tốt nghiệp kế toán có thể làm kiểm toán và ngược lại.
Tốt nghiệp ngành kiểm toán có thể làm kiểm toán nội bộ ở các công ty. Muốn làm kiểm toán viên ở các công ty kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước phải học và được cấp chứng chỉ hành nghề mới được làm kiểm toán viên.

* Nếu thi ĐH An ninh không đậu em có được chuyển xuống trung cấp?

- Thiếu tá Trần Văn Đồng: Trước khi thi, em phải qua sơ tuyển về sức khỏe, nhân thân và học lực. Con em trong ngành là một trong những đối tượng được ưu tiên xét tuyển vào học trung cấp. Nếu không trúng tuyển, em có thể được xét tuyển vào học trung cấp với điều kiện địa phương của em có nhu cầu.

* Trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng ngành kỹ thuật cơ khí có đến 3 ngành. Sự khác biệt các ngành như thế nào?

- ThS Giang Thị Kim Liên: Mỗi ngành thường có nhiều chuyên ngành. Trong quá trình học sinh viên sẽ chọn chuyên ngành để học chuyên sâu. Ngành kỹ thuật cơ khí, khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng kỹ sư kỹ thuật cơ khí chứ không ghi chuyên ngành chuyên sâu. Trong ba chuyên ngành của ngành này về cơ bản giống nhau 60%, có một số môn học, đồ án của các chuyên ngành khác nhau.

* Ngành báo chí Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đào tạo những chuyên ngành gì hay đào tạo tất cả các chuyên ngành?

- ThS Giang Thị Kim Liên: Ngành báo chí trực thuộc khoa ngữ văn chứ trường không có khoa báo chí. Ngành này chủ yếu cung cấp hệ thống lý thuyết và nghiệp vụ báo chí, không có các chuyên ngành cụ thể như báo in, truyền hình, báo điện tử... như các trường, khoa chuyên về báo chí.

* Tốt nghiệp ngành cử nhân tiếng Nhật của Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng có thể làm được việc gì?

- TS Nguyễn Văn Long: Thí sinh thi vào ngành này có thể dự thi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Tốt nghiệp ngành này có thể đi dạy và làm biên phiên dịch ở các công ty có sử dụng tiếng Nhật. Trong quá trình học, sinh viên có thể đăng ký học song song một ngành khác để có thể lấy hai bằng ĐH. Thời gian tối đa để học song song hai ngành là 6 năm.

* Em thích học ngành này, gia đình muốn em thi ngành khác. Em phải làm sao?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Từ đây đến tháng 7 còn dài. Nếu học và thi trường nào, tốt nhất là chọn ngành theo sở thích của mình. Từ đó, căn cứ vào năng lực của mình để chọn trường phù hợp. Các em cần chia sẻ với bố mẹ về sở thích của mình để từ đó có thể theo đuổi ngành nghề mà mình ưa thích.

* Em có thể học ngành gì để sau này làm MC chuyên nghiệp?

Nhiều bạn trẻ thích làm MC chuyên nghiệp bởi sẽ được nhiều người biết đến. Nghề này đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Các bạn phải được đào tạo bài bản bởi mỗi chương trình dẫn đòi hỏi MC phải có kỹ thuật và kiến thức nền khác nhau.

Muốn làm MC, các bạn phải có giọng nói tốt, ăn hình (khi lên tivi). Nếu đã có năng khiếu nói tốt, các bạn có thể theo học một khóa huấn luyện ngắn hạn để có thể làm tốt công việc của mình. Hiện không có trường ĐH nào đào tạo ngành MC cả. Dựa vào sở thích của mình, các bạn có thể trao dồi thêm để làm MC.

* Thí sinh thi khối A và D1 có thể tích hợp điểm để xét tuyển khối A1 vào trường khác không?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Theo qui định, thí sinh không được tích hợp điểm theo kiểu này (lấy điểm môn toán, lý khối A và và ngoại ngữ khối D1. Thí sinh thi khối nào chỉ được sử dụng kết quả của khối đó để xét tuyển vào các ngành có cùng khối thi.


Theo Tuổi trẻ