Tuyển sinh 2012: Lượng sức mà học

13/03/2012 19:00
Theo Thanh niên
Nếu không đủ sức bước vào cuộc tranh đua bậc ĐH, CĐ, thí sinh có thể chọn học nghề bậc trung cấp, có thể làm việc ngay khi còn đi học


Thực tập có tiền
Lan Anh, học sinh ngành nghiệp vụ hướng dẫn Trường TC Du lịch và khách sạn Saigon tourist, cho biết: “Đến năm thứ 2 là một số bạn trong lớp em đã có thể nhận làm thêm ở một số công ty lữ hành với các “tour” ngắn ngày đi miền Tây hay Vũng Tàu, Đà Lạt. Bản thân em khi đến kỳ thực tập cũng dẫn khách đi Cần Giờ, Hồ Cốc, Vĩnh Long… Mỗi tháng đi chừng 6, 7 “tour”, sau mỗi “tour” em được bồi dưỡng khoảng 200.000 - 300.000 đồng”. Đó là mức thù lao dành cho một học sinh thực tập đi phụ cho hướng dẫn viên chính. Nhiều bạn có kinh nghiệm, có tài nói năng, hoạt náo được tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn chính, mức thù lao còn sẽ cao hơn, trung bình khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng tùy vào đi “tour” nhiều hay ít.
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho hay: “Nếu các em đi thực tập đúng vào mùa cao điểm như dịp hè (cuối tháng 5 đến tháng 7), lễ tết… thì không những được đi nhiều, cọ sát với thực tế mà còn có thu nhập cao. Mỗi ngày các công ty du lịch có thể trả cho hướng dẫn viên chính từ 250.000 - 300.000 đồng, một tháng đi 4 “tour”, thu nhập hằng tháng cũng được khoảng 4-5 triệu đồng”. 
Những học sinh ngành kỹ thuật, chế biến món ăn, quản trị khách sạn, lễ tân ở các trường nghề mỗi dịp lễ tết hay nghỉ hè thường đến nhiều đơn vị tìm việc làm thêm để trau dồi chuyên môn, đồng thời kiếm thêm thu nhập. Tiến Trung, học sinh ngành tin học đồ họa của Trường TC Tin học kinh tế Sài Gòn, cho biết: “Ban ngày đi học, tối em lại nhận thiết kế tờ rơi, quảng cáo, danh thiếp, thiệp cưới… Những kiến thức học ở trường được áp dụng ngay vào công việc thực tế sẽ giúp tay nghề tiến bộ nhanh hơn, đồng thời bản thân tự điều chỉnh, khắc phục những cái chưa được để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của khách hàng”. Trung cho biết tiền kiếm thêm từ chính kiến thức mình đang học đủ để bạn trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.    
Tự định hướng khả năng
Rất nhiều ngành ở các trường TCCN, TC nghề, trường nghề có cơ hội việc làm cao và lương khởi điểm không dưới 3 triệu đồng/tháng như đồ họa, tin học, kế toán, thư ký, đầu bếp, pha chế... Lâm Ngọc Quyền, tốt nghiệp ngành tin học đồ họa một trường TC, có việc làm ngay sau khi thực tập với mức lương “không đến nỗi nào”, khiêm tốn: “Tôi tự lượng được khả năng của mình đến đâu và quyết định theo học một ngành phù hợp với năng khiếu, sở thích của mình. Thời gian học chỉ 2 năm nhưng đã giúp tôi có một công việc rất tốt”. Cô Hà Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng Trường TC Tin học kinh tế Sài Gòn, cho biết: “Các ngành mà bậc TC đang đào tạo thường ra trường rất dễ kiếm việc làm. Nếu các em năng động, chịu khó học hỏi và có khao khát làm giàu vẫn có thể tự đứng ra thành lập nhà hàng nhỏ hay công ty để lập nghiệp”.
Trong khi đó, trên thực tế không phải ai cũng dũng cảm bỏ thi ĐH để nộp đơn vào TC, bởi việc định hướng đúng khả năng của mình, bỏ qua tâm lý phải học ĐH là một điều hết sức khó khăn. Cô Nguyễn Thị Hương, giảng viên Trường TC nghề Du lịch Khôi Việt, khuyên: “Nhiều học trò của tôi đã tốt nghiệp ĐH ra trường không xin được việc làm, phải đi học nghề thêm 2 năm để có thể xin việc. Nhiều em đang học ĐH phải bỏ, đi học TC vì thấy mình không theo nổi”.
Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, nhận định: “Hiện nay các ngành cần nhiều lao động là sư phạm mầm non, điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ, du lịch, nhà hàng khách sạn, giao thông, xây dựng… Việc các em tốt nghiệp TC một số ngành ra trường có lương khởi điểm 5-7 triệu là chuyện không quá bất ngờ”.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng



Theo Thanh niên