Ba mẩu chuyện trước giờ sĩ tử thi Đại học

04/07/2011 03:02
Suy ngẫm của nhà giáo Văn Như Cương về ước mơ thành bác sĩ của em bé vừa được mổ tim miễn phí, phương cách trốn thì kỳ cục của một cậu học sinh

Suy ngẫm của nhà giáo Văn Như Cương về ước mơ thành bác sĩ của em bé vừa được mổ tim miễn phí, phương cách trốn thì kỳ cục của một cậu học sinh và lựa chọn đáng buồn của một học sinh giỏi.
 
Chuyện thứ nhất: VTV1 đưa tin, Khánh Ly là con gái một gia đình nghèo ở Hà Tĩnh. Bố em và em đều bị mắc bệnh tim. Nhưng Ly bị bệnh tim bẩm sinh, người còi cọc và hay ốm đau. Thật may mắn khi chương trình “Trái tim cho em” đã tài trợ toàn bộ phí tổn mổ tim cho em. Bây giờ em đã trở về nhà với một trái tim khỏe mạnh.

Khi phóng viên hỏi “Lớn lên em định làm gì?”, em giàn giụa nước mắt, nghẹn ngào nói: “Em muốn trở thành bác sĩ. Em sẽ chữa bệnh cho bố em và cho mọi người bị bệnh tim”. Bố em nói: “Tuy nhà nghèo nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để cháu có thể đạt được uớc mơ của mình”.
 
Lờì bình: Qua những giọt nuớc mắt của Khánh Ly, tôi đọc được niềm sung sướng của em vì đã vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Tôi thấy lòng biết ơn đối với những người đã mang lại cuộc đời mới cho em, và sự quyết tâm học thành thầy thuốc để trả nghĩa cho đời. Tôi chắc chắn rằng em sẽ đạt được mục tiêu cao đẹp, đầy tính nhân văn của mình.  

a

Năm nào, học sinh lớp 12 cũng phải chịu áp lực từ kì thi Đại học

Chuyện thứ hai: Năm 2009 báo chí đưa tin: Trong ngày thi Đại học đầu tiên, một thí sinh đã trốn trong nhà vệ sinh, quyết không vào phòng thi. Cho đến lúc em bị các nhân viên bảo vệ phát hiện.

Khi được hỏi nguyên nhân, em học sinh ấy trả lời: “Em không muốn thi, nhưng bố mẹ em cứ bắt phải thi. Em trốn vào đây để khỏi phải làm bài …”.

Lời bình: Em học sinh ấy đã đúng, mặc dù phương pháp  đấu tranh còn quá “con nít”. Nhưng biết làm sao được khi ông bố cứ bắt phải thi, cấm cãi.

Cả một tháng trời em cứ phải giả vờ ngồi học, không được đi đâu hay làm gì cả . Gần đến ngày thi, hai bố con lên Hà Nội, ngủ nhà trọ, ăn cơm quán. Sáng hôm thi, mỗi người ngồi trên một xe ôm phóng đến địa điểm thi. Con vào phòng thi, bố đứng ngoài chờ…

Thế là cụ cậu bất ngờ tìm ra “lối thoát”: giam mình  vào phòng toa- lét và chờ trống thu bài…

Về phần ông bố, không biết ông sẽ suy nghĩ gì sau cái sự kiện “không dạy được con”  như thế? Đánh thằng con mất dạy một trận tơi bời khói lửa chăng? Bắt nó sang năm lại thi ĐH chăng?

Cũng có thể ông bố sẽ ngộ ra: Nó đã không thích học thì kiểu gì cũng trượt. Thôi thì tùy nó tự chọn con đường đi của mình. Nó rất mê nghề mộc, hay mầy mò cưa, bào, đục, đẽo… Nó mà được học nghề này thì nó sướng lắm đấy!!     

Chuyện thứ ba:
Năm…, một học sinh tỉnh ..., sau khi thi ĐH về, đã bỏ nhà đi lang thang suốt buổi sáng. Cuối cùng em đã nhảy xuống dòng nước sông đang chảy xiết. Một ngày sau người ta mới tìm thấy thi thể của em. Em là một học sinh ngoan và học tốt. Chỉ có điều, kì thi ĐH vừa qua em làm bài không được như mong muốn…

Lời bình: Thật là đau đớn… Rất thương em và cũng giận em vì quá nông nổi. Cuộc đời còn dài lắm sao em vội vàng xuôi tay? Cho dù bố có nóng giận mà mắng nhiếc cạn lời, cho dù mẹ có khóc lóc thất vọng không muốn nhìn mặt con, cho dù anh hay chị buông lời ghẻ lạnh rằng em không xứng đáng…

Cho dù là gì đi nữa thì cuộc đời vẫn đáng sống, đáng phấn đấu để thua keo này ta bày keo khác. Ôi, giá như em tìm đến cô giáo chủ nhiệm của em, tôi tin rằng sự việc sẽ không kết thúc tồi tệ đến như thế!         

Văn Như Cương

Theo Bee