Bị điểm 0 Sử là không yêu nước?

04/08/2011 07:57
(GDVN) - Hàng ngàn bài Sử đạt điểm 0, liệu có đồng nghĩa với việc học sinh không yêu nước? Đổ lỗi điểm Sử kém là do cách dạy, liệu có công bằng?...

(GDVN) - Hàng ngàn bài Sử đạt điểm 0, liệu có đồng nghĩa với việc học sinh không yêu nước? Đổ lỗi điểm Sử kém là do cách dạy, liệu có công bằng?... Đó là các vấn đề được bàn tán trên mặt báo ngày hôm nay.

Hàng ngàn người không yêu nước?

Trên Thể Thao& Văn hóa số ra ngày 4/8, GS Đinh Xuân Lâm - một trong “tứ trụ” (Lâm - Lê - Tấn - Vượng) của ngành Lịch sử Việt Nam đương đại nêu lên một thực trạng đáng buồn: “Chúng ta chưa thật sự ứng xử với môn Lịch sử như là một môn khoa học mà chỉ xem nó như là một môn tuyên truyền, áp đặt về mặt tinh thần, tư tưởng để phục vụ cho từng giai đoạn”.

Theo GS Đinh Xuân Lâm, môn Sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục con người, tư cách đạo đức con người. Dạy Sử chung quy là dạy tinh thần yêu nước.
Tờ báo này cũng dẫn lời: “Khi hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Sử, ngay lập tức người ta suy luận rằng, đang có hàng ngàn bạn trẻ vô cảm với lịch sử dân tộc, đồng nghĩa với việc hàng ngàn con người ấy không yêu nước”.

a
GS Đinh Xuân Lâm (trái) và học trò - PGS-TS Phạm Quốc Sử
Đó là suy luận vội vã. Dẫn tới điểm 0 có rất nhiều con đường chứ không chỉ vì sự vô cảm với lịch sử, chẳng hạn học lực nói chung kém, sai đề, lạc đề, quay cóp, vi phạm quy chế thi... Vì một điểm 0 trong một kỳ thi mang tính phân loại cao, mà đánh giá cả một con người, từ trình độ đến nhân cách, liệu có bình thường?

Điểm 0 môn Sử: Lỗi từ cách dạy là không đúng

Báo Người Lao Động đăng tải ý kiến của nhà giáo Trần Hữu Trù (Hà Nội): “Nếu người quản lý giáo dục nói rằng lỗi từ cách dạy - có nghĩa là lỗi ấy thuộc về giáo viên, không thuộc về quản lý - thì không đúng. Vì trong đội ngũ giáo viên chỉ một số người dạy còn yếu chứ không phải tất cả.

Thống kê cho thấy, điểm Sử ở nhiều trường chỉ đạt 2% - 5% điểm trung bình trở lên, còn hơn 90% điểm dưới trung bình. Chẳng lẽ hơn 90% giáo viên dạy Sử hiện nay là có lỗi từ cách dạy?

a
Các thí sinh dự thi ĐH tại Trường THPT Lê Quý Đông - TPHCM năm 2011. Ảnh: NLDO
Môn Sử đã bị chính trị hóa nhiều nhất!

Đó là lời khẳng định của nhà văn Nguyên Ngọc được đăng tải trên VietNamnet.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dùng văn, sử để dạy chính trị là chủ yếu. Ông khuyến nghị "nhìn thẳng, nói thẳng một lần cho xong đi, để mà còn tiến lên cùng thiên hạ". 

Mấy hôm nay, nhiều người đã bàn tán xôn xao về sự cố này, và nhiều ý kiến đã tập trung vào cách dạy và học sử. Chắc đều đúng. Tuy nhiên, hình như cũng chưa đến lõi của vấn đề.

Thôi thì cho tôi nói thật vậy: vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất! Chính trị chắc chắn không có gì là xấu, trái lại là khác. Rất cần thiết và cũng có thể rất hay.

Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn không nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải là "thống soái" để cho tất cả những cái khác, môn khác phải châu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người.

Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác.

Vậy đó, sự thật! Còn e dè, sợ "nhạy cảm", tránh né nhau, kiêng sợ những lực lượng vô hình như thần thánh, không dám nói thật ra thì có thay đổi cách học, cách dạy đến mấy, khéo sang năm môn sử lại 99,99% dưới điểm 5 cho mà xem.

Hải Hà (tổng hợp)

{iarelatednews articleid='9608,9523,9394,9437,9411,9330,9247'}