Bỏ chấm chéo - Cẩn thận bệnh thành tích tái phát

23/12/2011 06:00
Theo NLĐ
Làm thầy cô ai mà không thương học trò của mình? Đó là chưa nói đến kết quả học hành của học sinh liên quan rất lớn đến thành tích phấn đấu của thầy cô.

Theo dự định của Bộ GD-ĐT, năm 2012 sẽ bỏ việc thi cụm, chấm chéo giữa các tỉnh. Mục đích là để giảm bớt tính cồng kềnh trong thi cử. Mới nghe thấy đúng là hay nhưng ngẫm lại thì khi bỏ thi cụm, chấm chéo giữa các tỉnh, căn bệnh thành tích trong giáo dục rất dễ tái phát.
Bỏ chấm chéo - Cẩn thận bệnh thành tích tái phát ảnh 1

Trước hết là quan niệm sân nhà. Làm thầy cô ai mà không thương học trò của mình? Đó là chưa nói đến kết quả học hành của học sinh liên quan rất lớn đến thành tích phấn đấu của thầy cô. Cho nên, khi bỏ thi cụm, chấm chéo thì rất dễ xảy ra tình trạng coi thi, chấm thi nhẹ nhàng, dễ dãi cốt để cho tỉ lệ học sinh của mình đậu tốt nghiệp cao nhất. Đó là chưa kể đến việc “gửi gắm” trong thi cử vì quan hệ bà con, bạn bè, anh em, cấp trên, cấp dưới... thường nhiều đến mức không thể kiểm soát được.

Cũng theo quy chế của Bộ GD-ĐT vừa công bố thì sẽ tăng cường các đoàn thanh tra lưu động kiểm tra bất ngờ ở các địa phương. Thực tế thì làm gì có chuyện thanh tra bộ kiểm tra bất ngờ được. Bởi lẽ trước khi thanh tra Bộ GD-ĐT đến tận các phòng thi thì đã trải qua nhiều công đoạn: Vào cổng các hội đồng coi thi thì phải xuất trình giấy tờ, bảo vệ mở cổng mới vào được; rồi phải gặp lãnh đạo hội đồng thi nói chuyện năm câu đôi điều sau đó mới dạo bước đến các phòng thi. Chính vì thế nên không lý do gì mà giám thị các phòng thi không chấn chỉnh thí sinh ngồi ngay ngắn, thi nghiêm túc để cho đoàn kiểm tra… ngắm. 

Sau nữa là  nếu trường nào coi thi nghiêm túc, quyết liệt thì trường đó sẽ thiệt thòi. Vì vậy, dù giao quyền tự chủ cho các địa phương nhưng việc kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT phải nhất quán, quyết liệt, nhất là làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất căn bệnh thành tích trong giáo dục, thi cử.

Tóm lại, để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc thì trước hết phải thay đổi quan niệm về học hành, thi cử từ trên xuống dưới. Một khi quan niệm giáo dục, thi cử  ở các địa phương còn nặng về thành tích thì câu chuyện giáo dục, thi cử chắc chắn là chưa có hồi kết thúc, dù đã thay đổi hình thức.

Theo NLĐ