Cẩn trọng khi “ôm” nhiều khối thi

09/04/2012 15:30
Theo GDTPHCM
(GDVN) - Việc đăng ký nhiều khối thi giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng nếu không cân nhắc kỹ có thể gây hại cho các em. 

Khối… thủ, khối “sơ-cua”

Quyết định bổ sung khối mới toanh (A1) của Bộ GD-ĐT tại kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay có lẽ đã mang đến niềm hy vọng trào dâng cho những tân thí sinh trước cuộc đua giành lấy tấm vé vào ĐH. Nếu như trước đây, các thí sinh thi khối A thường đồng thời chọn thêm khối B hoặc D1 thì năm nay, các em cũng hoàn toàn có được lợi thế tương tự nếu lựa chọn khối A1. Nhưng thông thường, khối A1 và D1 “gần nhau” do có chung hai môn toán - ngoại ngữ, chỉ khác nhau vật lý và văn nên hầu như những em chọn A1 cũng sẽ chọn thi thêm D1 hoặc ngược lại. Chẳng hạn, thí sinh Trần Công Thành (Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7) đăng ký chọn thi khối A1 vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhằm tận dụng lợi thế gần nhà và phù hợp với sức học thì cũng chọn thi thêm khối D1 vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng để lỡ rớt cái này còn được cái kia.

Tương tự, thí sinh Hồng Oanh (lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) cũng vừa chọn khối A lẫn khối B cho các ngành kế toán và môi trường vào lần lượt Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và ĐH Nông lâm TP.HCM, trong đó, khối A chính, B phụ…

Năm nào cũng vậy, trước áp lực lớn cũng như để tận dụng được nhiều cơ hội, thí sinh luôn chọn nhiều khối thi, tham gia nhiều đợt thi hòng tăng khả năng trúng tuyển. Thậm chí có những em chọn cả hai khối khá nghịch nhau là A và C trong khi giữa chúng không hề có môn nào trùng nhau; khối ngành nghề đào tạo cũng thật sự cách biệt với một bên là nhóm ngành kinh tế, khoa học tự nhiên và một bên là nhóm ngành khoa học xã hội. Theo TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM), qua khảo sát kết quả thi của gần 300 ngàn thí sinh thi cả hai khối cho thấy có gần 4% thí sinh chọn thi cả hai khối A-C. Tỷ lệ các em chọn thi đồng thời hai khối A-B cao nhất, chiếm đến trên 65%. Kế đến là hai khối A-D1 với trên 30%.

Chọn khối nào, chắc khối đó!

Thông thường, thí sinh hay dành NV1 cho khối chính và xem khối thứ 2 là “sơ-cua”, phụ, do đó ngành/trường các em lựa chọn tương ứng khối “sơ-cua” cũng không phải hoàn toàn yêu thích. Đó có thể là ngành có mức điểm chuẩn tương đối thấp để các em chắc chắn được khả năng thi đậu. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có những khối phụ lại “khó gặm” hơn cả khối chính và cũng không dễ đậu vào. Theo TS. Mai, kết quả khảo sát cũng cho thấy, thí sinh giỏi khối C và chọn khối này làm khối chính lại rất khó đạt điểm cao nếu thi thêm khối A - được các em xem là khối “sơ-cua”.

Cụ thể, trong số thí sinh thi đồng thời cả hai khối A và C thì rất ít em đạt điểm sàn (cho cả hai khối), chỉ trên 25% với khối C và trên 2% với khối A. Trong khi đó, có đến hơn 96% thí sinh có điểm thi khối A dưới mức sàn và con số này ở khối C cũng gần 55%. Ngược lại, những thí sinh đạt tổng điểm cao ở khối A lại thường có kết quả khả quan ở khối B. Từ đó có thể thấy, thí sinh nổi trội khối A có nhiều cơ hội lựa chọn hơn so với thí sinh giỏi khối C. Nhưng trên hết, vấn đề lựa chọn ngành nghề cần dựa trên năng lực, sở thích. Đôi khi, việc rải nhiều hồ sơ, chọn thi nhiều khối có thể đem lại cơ hội cho thí sinh khi trượt nơi này còn nơi khác, nhưng thực chất lại đẩy các em vào thế phải theo đuổi cả đời một ngành nghề mình không mấy đam mê. Đó là chưa kể tình trạng do đầu quân nhiều khối quá khiến học sinh mỏi mệt, phân tán, không nắm chắc được kiến thức dẫn đến chẳng có khối nào đạt được kết quả mong đợi.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Theo GDTPHCM