Chăm chỉ, học khá nhưng hai lần thi ĐH, điểm Sử không quá 1,75

03/08/2011 08:05
(GDVN) - 2 lần thi ĐH nhưng điểm Sử của Oanh chưa vượt qua được 1,75. trong khi Văn và Địa của em đều khá cao – mỗi môn 8 điểm.

(GDVN) - 2 lần thi ĐH nhưng điểm Sử của Kiều Oanh (quê Nam Định) chưa vượt qua được 1,75. Oanh không phải là ngưởi chậm tiếp thu hay lười học bởi lẽ điểm Văn và Địa của em đều khá cao – mỗi môn 8 điểm. Nhưng khi  nhìn xuống điểm Sử thì….

Trăm nghìn cách học "vẹt" Sử

Nếu ai đã từng đi thi Đại học khối C ắt hẳn sẽ biết thời gian đầu tư cho môn Sử bằng tổng thời gian của hai môn kia (có khi còn hơn thế nữa) bởi lẽ môn Sử là môn yêu cầu trí nhớ và sự liên hệ các mốc sự kiện tương đối cao. Thêm vào đó, phải là người thích học Sử thì học mới hiểu được vấn đề.

Kiều Oanh (quê Nam Định) cho biết: “Em đã vạch ra phương pháp học môn Sử theo hình cây phân nhánh (mô hình đươc khá nhiều thầy cô và học sinh áp dụng trong phương pháp dạy và học môn Sử) nhưng mà không hiểu sao em không thể nào nhớ được những chi tiết nhỏ. Biết mình không có khả năng học môn Sử nên em đành dành hết sức cho 2 môn còn lại. May mà điểm hai môn kia cũng không tệ nên có lẽ sẽ gỡ gạc phần nào".

 

Cũng đã từng tham gia 2 kì thi Đại học giống như Oanh, Long (thí sinh quê Thái Bình tham gia thi vào Khoa Luật -  ĐH QGHN cũng chọn cho mình một phương pháp học môn Sử khá “độc” – học vẹt và học tủ. Long cho biết:

“Năm ngoái em cũng có phương pháp học môn Sử rất rõ ràng, khoa học giống như những đứa bạn cùng lớp khác. Nhưng điểm Sử rất thấp nên năm nay em quyết định học thuộc cả cuốn sách. Nhưng mà kết quả  năm nay cũng thế, không biết học như thế nào cho đúng  nữa. Giờ cứ  nghĩ tới Sử là em lại thấy ngao ngán, năm nay mà không đỗ nữa thì em sẽ chẳng thi Đai học nữa đâu”.

Em Nguyễn Ngọc Hà

Em Nguyễn Ngọc Hà

 Ngọc Diệp – học sinh lớp 12 trường THPT Trương Định (Hà Nội) ghét và “hoảng sợ” trước những kì kiểm tra môn Lịch Sử. Diệp cho biết: Chưa có môn nào lại đáng sợ như môn Lịch sử, dài và khó nhớ những mốc lịch sử quá!

“Ở lớp em, cứ mỗi giờ kiểm tra Lịch sử, mặt đứa nào đứa nấy ủ rũ, trông thê thảm lắm. Có đứa còn chuẩn bị rất kĩ những tài liệu để “quay”. Ngoài ra, có đứa còn ghi những sự kiện lịch sử ra khắp mọi nơi để học. Em vẫn nhớ, có đứa bạn ghi trong một cuốn sách Toán của nó là 3 – 2 – 1930 = - 1929 = Đảng cộng sản Việt Nam ra đời”.

Học giỏi Toán, Văn, Anh thì người ta mới nể, chứ Sử thì…

Em Nguyễn Ngọc Hà, từng là học sinh lớp chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) thừa nhận, mặc dù rất thích học Sử, nhưng xét xu thế chung không còn ai mặn mà với Lịch sử nữa, “chỉ cần học cấp 3, học sinh mà giỏi các môn như Toán, Văn, Anh sẽ được các bạn đánh giá cao hơn. Đối với học sinh giỏi Sử, người ta lại hỏi: giỏi để làm gì?

Căn nguyên của vấn đề, theo Nguyễn Ngọc Hà: “Báo chí cứ nói, tại giới trẻ ngày nay không thích học sử, nhưng trẻ con đều theo người lớn cả, người lớn còn chả quan tâm đến Sử, thì làm sao ép con em mình học Sử được. Rồi con em họ biết đem niềm vui trong môn học, cũng như các vấn đề để hỏi và chia sẻ với ai trong nhà?”.

Nguyễn Diệu Ngọc

Nguyễn Diệu Ngọc

 Trung – cậu học sinh 12 chuyên Toán, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) đã đưa ra lí do vì sao lại không chọn khối C để học: “em cũng chẳng biết nếu em học khối C thì ra trường sau này sẽ làm gì vì trong những buổi định hướng nghề nghiệp của trường thường rất ít khi nói tới khối học này”.
Toàn tranh thủ học môn khác trong tiết Sử

Còn em Nguyễn Diệu Ngọc, nguyên học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho rằng, không muốn học Sử chỉ vì thầy cô giáo dạy không hay, không cuốn hút học sinh: “Ở lớp 10, 11 chúng em được học một thầy dạy Sử rất hay, trong khi dạy thầy thường xuyên có mẩu chuyện để cho học sinh tham khảo. Những lần đến môn Sử của thầy đó, em rất thích. Duy chỉ đến năm lớp 12, chúng em được học cô giáo khác, cô giáo dạy toàn nhìn SGK, cho ghi nhiều nên trong lớp em không thích Sử nữa”.

Theo như Ngọc tâm sự, nếu bắt học sinh phải học theo ngày tháng, sự kiện thì trừ những học sinh chuyên Sử ra thì chẳng ai học làm gì, muốn học cũng khó. Nhưng nếu hướng học sinh tới ý nghĩa của bài học thì hầu như ai cũng có thể nắm được.

Nguyễn Thúy Quỳnh

Nguyễn Thúy Quỳnh

 Tâm sự với chúng tôi, em Nguyễn Thúy Quỳnh, học sinh trường THPT Xuân Áng (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết: “Mặc dù trong lớp đang học môn Sử, nhưng chúng em ở dưới tranh thủ học các môn khác cho tiết sau, vì nghe Sử mà thầy cứ đọc trong SGK thì về nhà đọc lại sách cũng được, đỡ phải chép bài”.

“Em nghĩ, học sinh cần hiểu Sử chứ không phải là thuộc Sử, bởi vì nếu đã dạy thì các thầy phải cho chúng em mang được kiến thức đó đi cả đời, chứ không chỉ ở tiết dạy”.

Theo một số học sinh khác mà chúng tôi hỏi, đa số các em đều mong muốn nghe kể chuyện về Sử hơn là thích nghe giảng. Có học sinh đề xuất, học Sử cũng cần như các môn học khác, phải học có slide, làm việc theo nhóm để tìm hiểu thông tin và hôm sau lên lớp trình bày. Có thể kết hợp với tiếng Anh ở phần lịch sử thế giới, tìm và dịch tài liệu nước ngoài sẽ tốt và khách quan hơn.

Minh Quý -  Xuân Trung
{iarelatednews articleid='9068,8853,8775,8701,7671,6961,1372,9437,9411,9330,9247,9242'}
alt