Chuyện về vụ án nâng điểm bài thi

13/06/2011 06:50
Vì chữa điểm mà Ngô Sách Tuân mặc dù là bậc đại khoa, công thần của triều đình đương thời vẫn bị khép tội chết.

Vì chữa điểm mà Ngô Sách Tuân mặc dù là bậc đại khoa, công thần của triều đình đương thời vẫn bị khép tội chết. Quả là một hình phạt nặng nhất, chưa hề thấy trong lịch sử khoa thi của nước ta từ trước đến nay.

Tháng 10 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ XVII (1696), triều đình tổ chức khoa thi hương ở một số điểm trong cả nước. Ngô Sách Tuân, người tỉnh Đông Ngàn, nay là xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đỗ hội nguyên Tiến sĩ khoa thi Bính Thín, niên hiệu Vĩnh Trị (1676) được cử làm giám thị; Ngô Hải (1638…?), người huyện Đường Hào nay là xã Trung Hòa, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị (1664) được cử làm Chánh chủ khảo.

Nâng điểm để lấy lòng  với Tể tướng

Bấy giờ, Lê Hy, người xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay, đỗ tiến sĩ cùng khoa với Chánh chủ khảo Ngô Hải, đang giữ chức Tể tướng trong triều. Thời gian này, một số quan lại bị phát giác là đã đưa người bà con bất tài vào giữ các chức vụ của bộ máy nhà nước. Trong số đó có Ngô Sách Tuân, vì đưa hai học trò cũ vào làm quan nên bị giáng chức.

Sách Tuân cho rằng Lê Hy chủ trì xét việc của mình, nên tố cáo lại rằng Tể tướng họ Lê thời còn giữ chức ở Bộ lại đã có những việc làm tư vị đối với con là Lê Thuyên và học trò là Lê Hinh. Việc đưa ra triều đình bàn xét và kết luận là Sách Tuân tố cáo sai sự thật. Nên ông bị giáng cấp tiếp.

Đến khoa thi hương ở Thanh Hóa mà Ngô Sách Tuân làm giám thị, thì Tể tướng Lê Hy cũng có con dự thi. (Sử sách không ghi rõ tên người con nào, nhưng theo bia: “Lê tướng công bi ký” do cử nhân đốc học người xứ Thanh là Lê Văn Thạc soạn năm Tự Đức thứ 23 (1870), hiện còn dựng ở xã Đông Khê, quê hương Lê Hy, thì mặt sau bia có ghi: “Tướng công tử” (con tướng công) là Lê Hân, Lê Thuyên. Có thể hai người con này của vị tể tướng họ Lê dự thi chăng?).

Trước khi vào Thanh nhận nhiện vụ, Ngô Sách Tuân đã đến chào Tể tướng Lê Hy. Có lẽ muốn tìm cách xoa dịu hiềm khích, kiện cáo trước kia, nên có thể ông Ngô đã đề cập tới việc thi cử của người con vị tể tướng do đó mới biết được con của Lê Hy làm bài thi bằng giấy Thanh Hóa!

Sử sách chép rằng đến kỳ đệ tứ, phát hiện quyển văn của con Tể tướng họ Lê không trúng cách, nên Ngô Sách Tuân bèn đưa riêng quyển thi đó cho  khảo quan chấm lại cho đúng cách. Chánh chủ khảo Ngô Hải biết rõ chuyện nhưng hứa với Ngô Sách Tuân là sẽ không tiết lộ.

Chuyện về vụ án nâng điểm bài thi ảnh 1
 



Vì sửa điểm mà bị khép tội chết

Không hiểu sao Tham chính Thanh Hóa bấy giờ là Phan Tự Cường biết chuyện, bèn phát giác. Ông Cường vốn là người Yên Lãng, nay là xã Vọng La huyện Đông Anh, Hà Nội, đỗ tiến sĩ khoa Cảnh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị (1670), bấy giờ giữ chức Tham chính Thanh Hóa (tức chức quan giúp việc cho Tuyên chính sứ đứng đầu một tỉnh).

Triều đình đem việc tố cáo giao cho các quan luận tội. Khoa thi hương năm ấy sĩ tử lại bị đánh hỏng rất nhiều, khiến dư luận xôn xao bất bình. Nhiều quan trường dính líu đều bị biếm chức. Bởi thế việc Ngô Sách Tuân nâng điểm bài thi vì tư riêng lại càng nặng tội.

Mặc dù Ngô Sách Tuân là bậc đại khoa, từng giữ nhiều chức vụ của triều đình và trước đó, khi trấn giữ vùng Lạng Sơn, ông đã lập công trong việc dùng mưu bắt được dư đảng nhà Mạc lẩn tránh tận Trung Quốc, nhưng cuối cùng vẫn bị khép tội chết. Chánh chủ khảo Ngô Hải bị bãi chức. Các quan giám khảo, phúc khảo đều bị phạt.

Có cách gì để quan lại giữ được phẩm chất?

Xin nói thêm là các khoa thi dưới thời phong kiến vẫn thường xảy ra hiện tượng gian lận. Nên từ khoa thi đình năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), vua Lê Thánh Tông ra đề bài: “Đế vương trị thiên hạ” trong đó có ý muốn hỏi xem có cách gì cho quan lại giữ được phẩm chất, không bị tha hóa.

Vũ Kiệt người huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã làm bài văn sách rất xuất sắc, được lấy đỗ trạng nguyên. Trong bài thi của mình, Vũ Kiệt có lập luận rất đáng chú ý về chuyện học hành thi cử. Ông cho rằng: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mời được tôn kính. Tâm thuật đã mất trước khi làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn làm sao có được cái tiết tháo và phong độ. Cái thói quen bị kẻ sĩ buông trôi theo dòng tục lệ như thế, thì còn gì khi họ đạt được danh vị ở triều đình, nên ít người chịu theo lễ nghĩa”.

Trạng nguyên Vũ Kiệt đã đưa ra một quan điểm rất đáng chú ý là: Muốn quan lại có tư cách, phẩm chất thì phải chú ý ngay từ khi họ còn là học trò.

Tình hình quan lại ở thế kỷ XVIII có nhiều việc làm sai trái như ăn của đút lót, đề cử người không có đủ tư cách…, nên chúa Trịnh mới rất nghiêm khắc, chặt chẽ trong thi cử. Việc chữa điểm của Ngô Sách Tuân chỉ xảy ra ở khoa thi hương chứ chưa phải thi hội, thi đình và thí sinh được nâng điểm là con quan Tể tướng đầu triều, thế nhưng Ngô Sách Tuân mặc dù là bậc đại khoa, công thần của triều đình đương thời mà vẫn bị khép tội chết. Quả là một hình phạt xử nặng nhất, chưa hề thấy trong lịch sử khoa thi của nước ta từ trước đến nay.

Theo "Những chuyện lạ trong thi cử  thời xưa ở VN", NXB Thanh Hóa, 2006/Bee