Cô thủ khoa chăn bò

27/07/2011 00:58
Với 28 điểm, Phan Thị Liên Nhi, học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị đã trở thành thủ khoa của Trường ĐH Đà Nẵng.

Với 28 điểm, Phan Thị Liên Nhi, học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị đã trở thành thủ khoa của Trường ĐH Đà Nẵng.

{iarelatednews articleid='8517,8406,8296'}

Tin Nhi đậu thủ khoa ĐH khiến người dân thôn Hà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị đều mừng thay. Cô hàng xóm nhà Nhi giọng cứ nghẹn đi khi nói với chúng tôi: “Ngày đi bán cá rồi đi chăn bò, cắt cỏ vậy mà vẫn học giỏi!”.

Suýt lỡ học vì nhà hết lúa

Nhi là con thứ ba trong gia đình có bốn anh em. Thường ngày ba Nhi đi rà cá ngoài mương, được mớ cá nào nhà không dám ăn mà để cho Nhi đạp xe lên tận chợ thị xã bán. Số tiền vài ba chục ngàn đó cũng giúp trang trải một phần phí sinh hoạt cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Oanh, mẹ Nhi, bảo từ khi nghe tin con đậu ĐH, lòng chị cứ thấy mừng, đôi lúc mừng quá không biết làm sao chỉ biết quệt nước mắt. “Cả đời vợ chồng tui cực, suốt ngày chỉ bám ruộng đồng, với đàn heo, con bò nên tui vẫn có tâm nguyện bốn đứa con không phải cực như miềng (mình). Ba hắn cũng làm thuê, khi bốc vác, khi đi rừng, lúc rà cá. Tất cả chỉ mong có tiền cho con ăn học” - chị nghẹn lời. “Vậy mà có lúc em tưởng mình phải nghỉ học giữa chừng. Hồi đó, em khóc thúc mẹ miết. Cuối cùng, ba mẹ mới viết đơn để em có thể đi học tiếp” - Nhi nói.

Chị Oanh liền giải thích: “Nhi thi lên cấp ba. Nhà nghèo nên tui sợ cháu không đỗ mà học bán công, tiền mô tui có. Vậy là cho Nhi thi vào Trường chuyên Lê Quý Đôn, cháu đỗ thủ khoa. Nhưng lúc đó, thằng con trai thứ hai của tui đang là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng bị tai nạn, chân trái bị bỏng nặng. Có bao nhiêu ló (lúa - NV) bán hết để chạy chữa cho con. Nhi học ở trường chuyên, xa nhà tốn kém nên gia đình không kham nổi…”.

“Tui viết đơn xin ông hiệu trưởng trường chuyên cho con được chuyển về trường gần nhà, may chăng vợ chồng tui mới nuôi con học tiếp được. Ông ấy nói: “Không ai như chị. Con nhà người ta có mất tiền cũng không vào được trường ni rứa mà chị lại xin cho con chuyển đi”. Tui nghe mà đắng lòng nhưng biết răng chừ. May sao, sau khi trình bày hoàn cảnh, Trường THPT thị xã Quảng Trị nhận, trường chuyên cũng đồng ý cho chuyển nên con tui mới có thể đi học lại” - chị Oanh kể.

 



Ước mơ được giúp người nghèo

Được đi học lại nhưng mẹ vào chăm anh ở bệnh viện, ba đi làm thuê bốc vác nên Nhi trở thành trụ cột gia đình. Em vừa đi học, vừa chăn bò, vừa thay mẹ nấu rau cho heo và cả việc trông em gái.

Nhi bảo em đã thấm trong người cái ý nghĩ phải học giỏi để đổi phận nghèo từ khi còn học cấp hai. Đôi khi em thắc mắc với mẹ: “Răng mạ cực ri mà chịu được hè?” nhưng lại chỉ nhận được câu trả lời bằng nụ cười của mẹ nên Nhi nghĩ chỉ có học giỏi mới thoát khỏi cái nghèo bám lấy gia đình mình.

Muốn thoát nghèo nên ngành mà Nhi chọn là Tài chính-Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Tuy nhiên, Nhi cũng bảo mê làm bác sĩ. Vậy nên Liên Nhi thi vào ĐH Y Dược Huế, ngành bác sĩ đa khoa. “Quê em chưa có ai làm bác sĩ nên em rất muốn học ngành ni để có thể giúp quê mình, nhất là giúp người nghèo như gia đình em” - Nhi giải thích.

Và Nhi đã đậu ĐH với số điểm cao. Em còn chờ thêm kết quả thi Trường ĐH Y Dược Huế rồi mới quyết định. Chị Oanh cho biết gia đình thuộc hộ cận nghèo nên học phí của Nhi sẽ được giảm. Chị sẽ vay thêm quỹ vay vốn của sinh viên để Nhi có tiền trọ học, sinh hoạt. “Phải nuôi thêm heo, thêm bò, cấy thêm ló. Có cực cũng sẽ cố để con được học. Tui nghĩ vậy nên mọi thứ cũng nhẹ nhàng. Đến đâu hay tới đó” - chị Oanh khẳng khái nói…

Ngày Nhi đi thi ĐH, mẹ Nhi bán 13 thúng lúa được 1,3 triệu đồng cho hai chị em vào Đà Nẵng thi. “Em không dám đi sớm, sợ ở lâu tốn tiền của mẹ nên chờ cận ngày mới vô. Tiền xe mất 400.000 đồng, tiền trọ bốn ngày hai chị em mất thêm 400.000 đồng. Vậy là chỉ còn lại số tiền ít ỏi để ăn” - Nhi nhớ lại. Đến ngày thi ở Huế, Nhi trọ ở ký túc xá để đỡ tiền cho mẹ.

Được biết bảng thành tích học tập của Nhi khá ấn tượng. 12 năm liền là học sinh giỏi của trường. Cấp một, Nhi đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh. Năm đó, phần thưởng đáng nhớ của em là một chiếc xe đạp. Lớp 9, Nhi đạt giải nhì học sinh giỏi môn toán của tỉnh. Lớp 11, giải khuyến khích môn toán và giải ba toán tỉnh ở lớp 12.

Theo Pháp luật TP.HCM