Điều tra gây sốc: Thức ăn cho trẻ Hà Nội bị nhiễm độc chì

29/04/2011 11:25
Khẩu phần ăn của trẻ 24 - 36 tháng tuổi tại bốn quận nội thành Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng).

Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng về khẩu phần ăn cho trẻ ở Hà Nội cho thấy, có tình trạng ô nhiễm chì, kim loại nặng.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã điều tra khẩu phần ăn của trẻ 24 - 36 tháng tuổi tại bốn quận nội thành Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng). Trong nhóm tuổi này, có 12 loại thực phẩm được sử dụng thường xuyên là gạo, sữa, cam, thịt lợn nạc, trứng gà, thịt gà, thịt bò, tôm rảo và rau muống…

Kết quả phân tích cho thấy, tình trạng ô nhiễm chì cao nhất ở rau muống và thịt lợn (5/8 mẫu nhiễm chì), sau đó đến gạo (5/12 mẫu). Tôm rảo, cam và quýt có 1/4 số mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chì.

Về chỉ tiêu kim loại nặng Cadmi, thực phẩm vượt quá quy định cho phép của Bộ Y tế nhiều nhất là gạo (3/12 mẫu), thịt lợn 2/8 mẫu, thịt bò 2/4 mẫu. Riêng với chỉ tiêu asen, không có thực phẩm nào vượt quá tiêu chuẩn.

Theo quy định của Bộ Y tế, giới hạn chì tối đa trong các loại quả là <= 0,1 mg/kg, ngũ cốc đậu đỗ <=0,2mg/kg... Nếu vượt quá hàm lượng này đều gây ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ người dùng.

Các kim loại nặng có hại rất lớn đến sức khỏe. Bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP QG cảnh báo:

 

“Ăn phải thực phẩm nhiễm chì vượt quá hàm lượng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc chì, nhất là với trẻ em. Ngộ độc chì có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể như suy thận, gây phù não, phá huỷ tế bào não… Sự gây độc của chì cho cơ thể rất nặng nề, lâu dài và hay tái phát do thời gian bán hủy để thải chì ra khỏi cơ thể là rất lâu. Để chì thải hết khỏi thận là 7 năm, trong xương là 32 năm với điều kiện cơ thể không phải tiếp tục nhận chì từ nguồn thực phẩm nhiễm chì”.

Nếu ở người lớn, trên 94% lượng chì vào cơ thể sẽ được tích tụ trong xương thì ở trẻ em, chỉ khoảng 64% tổng lượng chì sẽ tích tụ trong xương (do xương kém đậm đặc), còn lại sẽ tích tụ ở máu, não, thận. Theo đó, biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ em có thể bắt đầu từ rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy. Trẻ biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Nếu hàm lượng chì tích tụ ở máu cao sẽ gây giảm hồng cầu khiến trẻ mệt mỏi, da xanh xao. Còn chì tích tụ ở trên thận sẽ làm giảm lưu lượng máu đến thận, hậu quả gây tiểu đạm, tiểu máu và dần gây suy thận.

Đặc biệt khi nồng độ chì trong cơ thể cao sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Chì có thể gây phù não và phá hủy tế bào não khiến trẻ có biểu hiện kích thích, diễn tiến đến co giật, đi vào hôn mê và tử vong. Với di chứng phù não, phá huỷ tế bào não do ngộ độc chì, dù có được cứu sống thì người bệnh cũng chịu di chứng thần kinh nặng nề không thể hồi phục, khiến trẻ chậm nhận thức, bại não, liệt….

Trong trường hợp thường xuyên tiếp xúc với chì, hàm lượng chì trong cơ thể sẽ tích tụ mỗi ngày một nhiều gây ngộ độc mạnh. Lúc này người bệnh có biểu hiện đau tê ở đầu ngón chân, tay; bắp thịt mỏi yếu; nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, với phụ nữ có thể bị sẩy thai…

Theo Phunutoday