Đừng bắt con trở thành GS. Ngô Bảo Châu hay Bill Gates!

15/05/2011 06:44
"Ở Việt Nam, hiếm có trường hợp nào mà giáo viên sẵn sàng đứng trước lớp nói rằng "Cô đã sai".

"Kỳ vọng đối với con cái không hẳn là sai. Nhưng họ sai khi không hiểu rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất và không phải ai cũng có thể thành GS. Ngô Bảo Châu hay Bill Gates". Đó là tâm sự của TS Lê Phước Hùng, chủ tịch trường Phổ thông Liên cấp Olympia.

Trẻ em Việt Nam phải học nhiều quá

Ông nghĩ sao về việc học ra học, chơi ra chơi?

Chúng ta không nên quan niệm học chỉ là học chữ, học toán... Kiến thức không chỉ là những gì trong sách vở. Các bậc phụ huynh Việt Nam nhiều khi sợ con chơi nhiều vì họ cho rằng chơi nhiều là hư, chơi nhiều thì không còn đủ thời gian cho việc học. Thực ra cha mẹ cũng nên hiểu rằng ngay chính thông qua các hoạt động vui chơi, các con sẽ được học rất nhiều, đặc biệt là các kỹ năng xã hội, chẳng hạn như kỹ năng như làm việc theo nhóm, kỹ năng phối hợp, kỹ năng lãnh đạo, diễn thuyết, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, sự nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động tập thể, tính độc lập và tự tin vào bản thân...

Nhưng trẻ vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình chứ?

Các chương trình giáo dục trong nhà trường cũng nên được kết hợp hài hòa giữa việc dạy kiến thức và việc tổ chức các hoạt  động vui chơi cho trẻ. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng trẻ em ở Việt Nam phải học nhiều quá, nhất là môn toán. Bạn thử nghĩ xem, học sinh phải học toán để làm gì khi bản thân các em không thể tự đứng lên và nói trước đám đông? Các em cần được giáo dục về nhiều mặt cũng như những kỹ năng xã hội để sau này khi đi ra thế giới, các em được đánh giá là những người hiểu biết và có thể tự hào rằng mình là người Việt Nam.

Nhiều bố mẹ lại muốn con mình cố gắng học hành để được như GS Ngô Bảo Châu làm họ mở mày mở mặt? Chẳng nhẽ họ sai?


Kỳ vọng đối với con cái không hẳn là sai. Nhưng họ sai khi không hiểu rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất và không phải ai cũng có thể thành GS Ngô Bảo Châu hay Bill Gates. Bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào các con để trở thành những người mà bố mẹ muốn, thậm chí ép buộc con phấn đấu để đáp ứng sự kỳ vọng đó. Tại sao không khuyến khích và giúp con phát triển những kỹ năng cần thiết để con có thể tự lập, tự quyết định trở thành người mà con mong muốn, phù hợp và phát huy được những khả năng của con? Con cái mang họ của bố mẹ nhưng con vẫn là một con người độc lập, con cần có tiếng nói của chính mình.
 

 

Các em được khuyến khích thử thách giáo viên

Ông có so sánh gì về học sinh Việt Nam và học sinh Mỹ?
 

Ở Mỹ học sinh được học nhiều kỹ năng xã hội hơn. Học sinh tại Mỹ không được rèn kỹ năng nghe, chép và học thuộc như ở Việt Nam mà được dạy kỹ năng tư duy, được yêu cầu để đặt câu hỏi cho giáo viên, tự tin và độc lập khỏi giáo viên hơn. Các em được  khuyến khích thử thách giáo viên với nhiều câu hỏi và ngược lại.
 

Tôi là người làm trong lĩnh vực giáo dục nên sự đóng góp của tôi với giáo dục là lý do tôi muốn quay lại công việc  ở Việt Nam. Tại Mỹ tôi làm việc tại trường đại học nên chủ yếu là tiếp xúc với những sinh viên, những bạn trẻ trưởng thành còn tại Olympia tôi lại tiếp xúc với những học sinh nhỏ tuổi hơn. Đây có thể coi là một lĩnh vực hoạt động mới, khiến tôi phải học hỏi nhiều và tôi thực sự có hứng thú với thử thách này.

Trong khi đó, tại Việt Nam, giáo viên mặc nhiên được thừa nhận là luôn luôn đúng. Hiếm có trường hợp nào mà giáo viên sẵn sàng đứng trước lớp nói rằng "Cô đã sai".

Vậy ông theo trường phái giáo dục nào?

Học sinh phải được đánh giá theo đúng năng lực, trình độ của bản thân. Mỗi học sinh sẽ được tìm hiểu và xây dựng chương trình học riêng. Học sinh có kỹ năng gì sẽ được phát triển theo kỹ năng đó. Không có môn học hay chương trình nào tốt hơn chương trình nào, cả việc học kiến thức và các hoạt động rèn luyện kỹ năng đều được coi trọng như nhau.

Được hỗ trợ về mọi mặt như vậy, ông có tin rằng học sinh của ông sẽ đảm bảo thành công trong tương lai?

Ở Olympia có nhiều học sinh và không phải học sinh nào cũng hướng đến cùng một mục tiêu. Các em có nhiều hoạt động khác nhau để đạt được những mục tiêu bản thân khác nhau. Bạn có thể quay lại và đặt câu hỏi này với tôi trong vài năm nữa, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy học sinh của tôi đang đi đến đâu.

Học sinh tại Olympia có theo học được tại trường công lập, và ngược lại hay không, khi có nhu cầu chuyển ngang việc học giữa chừng?


Olympia không phải là trường quốc tế, mà là trường Việt Nam, dành cho học sinh Việt Nam, với chương trình song ngữ và có  sự kết hợp giữa các giá trị của nền giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ để hỗ trợ học sinh tối đa trong việc học tập. Chúng tôi dạy chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT làm chương trình cơ bản nên các học sinh được yêu cầu nắm chắc kiến thức cơ bản và đạt được yêu cầu của chương trình nên các học sinh hoàn toàn có thể theo học như chương trình các trường công lập.

Riêng các học sinh từ trường công lập chuyển sang Olympia có thể sẽ gặp phải vấn đề về cách cư xử. Học sinh tại Olympia luôn được giáo dục như những người trưởng thành. Chúng tôi có phần nghiêm khắc hơn với học sinh trong việc xử sự, chẳng hạn như học sinh được yêu cầu phải mặc đúng đồng phục của trường, phải chào các thầy cô giáo, người  lớn mà các con gặp trong khuôn viên trường, học sinh không được nói bậy, nhai kẹo cao su, vứt rác bừa bãi... Những hình thức vi phạm kỷ luật này thường bị phạt rất nặng. Những điều chúng tôi dạy học sinh không chỉ là phép lịch sự mà là lối sống văn minh.
 

 Là một trí thức trong cộng đồng người gốc Việt Nam tại New York, Hoa Kỳ, TS Lê Phước Hùng luôn mong muốn quay lại Việt Nam đề  đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của  đất nước.

TS Lê Phước Hùng, nguyên phó hiệu trưởng trường Cao học Khoa học xã hội & Nhân văn tại Đại học St. John’s New York, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đưa nhiều sinh viên Hoa Kỳ sang Việt Nam để tìm hiểu văn hóa và tạo cơ hội cho rất nhiều sinh viên Việt Nam tìm học bổng và các cơ hội nghiên cứu tại Hoa Kỳ.

Với tất cả nỗ lực để thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, TS Lê Phước Hùng đã được nhận danh hiệu "Vinh danh Nước Việt" năm 2005, giải thưởng dành cho những Việt kiều có nhiều đóng góp với đất nước Việt Nam.

Theo Bee