GS Đào Trọng Thi: Muốn Toán học phát triển, phải mạnh dạn "cắt đuôi"

05/08/2011 06:13
(GDVN) - Tôi từng là GĐ ĐH Quốc Gia, tôi thấy ngành Toán học chúng ta tuyển số lượng cao hơn mức cần thiết.

(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả của đoàn học sinh VN trong kỳ thi Olympic toán Quốc tế vừa qua là một tiếng chuông cảnh báo về sự đi xuống của Toán học Việt Nam. Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS-TSKG Đào Trọng Thi xung quanh vấn đề này.

Giới khoa học, đặc biệt giới toán học ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cũng rất quen thuộc với tên tuổi của nhà toán học Đào Trọng Thi, một trong những chuyên gia hàng đầu về hình học tôpô của Việt Nam.

Chế độ đãi ngộ HS đi thi Olympic chưa tốt

Đội tuyển Olympic Toán quốc tế Việt Nam xếp thứ 31, bị tụt hạng hơn hẳn so với mọi năm. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

GS-TSKH Đào Trọng Thi:
Tôi cảm thấy rất buồn trước kết quả của đoàn Việt Nam, cũng phải nói, đây là sự tụt dốc rất mạnh, rất nhanh vì cách đây vài năm thôi thì chúng ta vẫn còn liên tục trong top 10. Thậm chí, có những năm vào trong top thứ 3. Nhưng trong năm nay, chúng ta đã rớt hạng quá nhanh.

Tuy nhiên, nói là Toán học Việt Nam đang ngày càng đi xuống là không đúng. Nên nhớ rằng, mới năm ngoái đây thôi, chúng ta đã tự hào vì có GS Ngô Bảo Châu - niềm tự hào toán học lớn của đất nước.

GS-TSKH Đào Trọng Thi
GS-TSKH Đào Trọng Thi

 Hơn nữa, kết quả thi Olympic đó chưa đánh giá hết được tiềm năng của học sinh chúng ta trong lĩnh vực toán học.

Thế nhưng, đây là một dịp để nhắc nhở những nhà quản lý, những người có trách nhiệm trong vấn đề này, cần phải có những điều chỉnh trong hoạt động của mình để phát huy trong thế mạnh của đoàn Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về các chế độ ưu đãi của Nhà nước cho người các em HS tham dự kỳ thi Olympic này?
 
GS-TSKH Đào Trọng Thi: Tôi rất buồn, trong thời gian vừa qua, nhiều chính sách phát huy hiệu quả tốt thì lại bị xóa bỏ.

Vì dụ như các em học sinh giỏi Quốc gia thì không được tuyển thẳng vào các trường đại học, hay một số những chính sách, chế độ với các em thì cũng không được thể hiện rõ ràng.

Có rất nhiều em tham gia các đội tuyển nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những em xuất thân từ những gia đình không có điều kiện thuận lợi về kinh tế. Các em cũng rất khó khăn trong việc theo đuổi công việc chuẩn bị thi trong nước cũng như tham dự thi ở nước ngoài.

Tôi nghĩ rằng, tất nhiên chũng ta cũng không phải đầu tư quá lớn hoặc ưu ái gì quá đặc biệt, nhưng cần có một chế độ chính sách thỏa đáng đối với các em. Đấy là thể hiện sự trân trọng của chúng ta đối với những em học sinh có tài năng.

Chúng ta không tạo được động lực khuyến khích nên có thể là các em học sinh và phụ huynh không quan tâm đến kỳ thi Olympic, mà người ta lại quan tâm đến tốt nghiệp phổ thông và vào đại học. Vì nó sẽ đảm bảo nhiều cơ hội hơn cho các em ở trong tương lai.

Đáng lẽ, ngành khoa học không cần tuyển nhiều thí sinh

Trong những năm gần đây, điểm thi vào ĐH của các ngành nghiên cứu khoa học như Toán, Vật Lý, hóa học... thường không cao (khoảng 17 - 19 điểm), thấp hơn các ngành kinh tế, ngân hàng, ngoại thương. Phải chăng, những người giỏi bây giờ không thích học các môn nghiên cứu khoa học (như toán...) nữa?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Thứ nhất, các môn học như Toán và các môn khoa học cơ bản chưa đủ sức hấp dẫn các em học sinh tham gia nhiều và có một số em học sinh giỏi cũng không theo đuổi những môn học này mà đi theo đuổi những môn học khác để mà sau khi tốt nghiệp ra trường có những cơ hội tốt hơn trong khi tìm việc làm, thu nhập cao…

Thứ 2, những cái ngành khoa học cơ bản cũng không nên tuyển chọn với quy mô lớn quá mà chúng ta chỉ nên chọn lọc những em giỏi nhất có điều kiện phát triển trong tương lai, phát triển trong con đường nghiên cứu khoa học, trong con đường hoạt động chuyên môn.

Và như vậy, chúng ta không cần nhiều, nhưng chúng ta cần những em giỏi nhất. Trước kia, tôi cũng từng là Giám đốc ĐH Quốc Gia, tôi thấy trong những ngành học này chúng ta tuyển số lượng cao hơn mức cần thiết.

Bởi vậy, bên cạnh những em giỏi mà chúng ta cần có thì chúng ta lại có “đoạn đuôi” rất kém. Bây giờ chúng ta phải cắt “đoạn đuôi” đi để dành nhiều ưu tiên cho những em ở tốp đầu thì sẽ tốt hơn. Như vậy thì các em mới có điều kiện phát huy năng khiếu, sở trường của mình.

Là một người xuất thân từ Toán học, ông có ý tưởng để tiếp thêm sự han học môn toán cho các em học sinh.?

GS-TSKH Đào Trọng Thi: Chúng ta phải nhanh chóng công bố một chiên lược nhân tài Quốc gia và thực thi chiến lược đó chúng ta mới phát hiện, đào tạo bồi dưỡng, trọng dụng tài năng trong các lĩnh vực khác nhau trong đó có Toán học.

{iarelatednews articleid='9534,9291,9070,8791,8478'}

Bùi Khương