GS Hồ Ngọc Đại "giải" độ chênh giữa các trường tiểu học

20/04/2011 11:28
Về mặt pháp lý tôi cho rằng không nên có một sự phân biệt đáng kể nào là dân lập và công lập. Nhưng sẽ có sự phân biệt, nếu anh nhiều tiền hơn, anh có cơ sở vật chất tốt hơn.

Về mặt pháp lý tôi cho rằng không nên có một sự phân biệt đáng kể nào là dân lập và công lập. Nhưng sẽ có sự phân biệt, nếu anh nhiều tiền hơn, anh có cơ sở vật chất tốt hơn, thầy giáo giỏi hơn thì lợi ích của đứa trẻ cũng sẽ được đảm bảo tốt hơn - GS Hồ Ngọc Đại.

Xung quanh các vấn đề mới của giáo dục tiểu học Việt nam hiện nay như tình trạng chạy trường chạy lớp, học trước tuổi, học thêm tràn lan…, chúng tôi đã ghi lại những ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại về vấn đề này.

Trường công trường tư không quan trọng

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng tất cả các giải pháp giáo dục đều chỉ có một đối tượng đó chính là học sinh. Vì vậy căn bản nhất là anh cư xử theo lợi ích nào, lấy lợi ích nào làm mục tiêu.

Tôi cho rằng cần lấy lợi ích của học sinh làm mục tiêu. Khi đó có thể kết hợp được giữa nhà nước gia đình và các tâp thể.

Có thể thấy lợi ích của học sinh là lợi ích cơ bản nhất, quyết định nhất. Khi nào lợi ích của người học được thỏa mãn thì xã hội sẽ yên lòng. Trường công trường tư không quan trọng, trường nào học sinh được hưởng lợi ích nhiều nhất thì đó là trường tốt.

Đã là học sinh là công dân của một nước thì đều được hưởng quyền lợi như nhau, chính vì thế cho nên các trường tư nhà nước cũng phải đầu tư, bổ sung thêm để các trường này hoàn thiện hơn. Chúng ta không nên hoàn toàn “đổ đầu” vào học sinh, điều này tức là “đổ đầu” vào các gia đình.
 

 

Về mặt pháp lý tôi cho rằng không nên có một sự phân biệt đáng kể nào là dân lập và công lập. Nhưng sẽ có sự phân biệt, nếu anh nhiều tiền hơn, anh có cơ sở vật chất tốt hơn, thầy giáo giỏi hơn thì lợi ích của đứa trẻ cũng sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Vì vậy, thời gian tới tôi sẽ đề nghi nhà nước phải đầu tư trên đầu người, tất cả phải như nhau. Sau đó, các cơ sở khác sẽ bổ sung thêm.

Mỗi một người nếu làm viêc gì tốt nhất đối với mình và đối với xã hội thì nên làm việc ấy, thâm chí có thể nói mình làm tốt hơn những người khác.

Chúng ta rất cần những người làm việc chuyên nghiệp, những người này không những đem lại lợi ích cho dân tôc mà còn đem lại lợi ích cho toàn nhân loại.

Khi tôi được đề cử làm Thứ trưởng tôi đã nói làm thứ trưởng có hàng nghìn người, không thì hàng trăm, hàng chục người làm giỏi hơn tôi, còn làm thầy giáo dạy cấp 1 thì tôi làm rất giỏi. Ít người giỏi như tôi, vì vậy hãy để tôi đi dạy học. Vì tôi đã chọn lựa lợi ích của đứa trẻ con và là lợi ích của chính mình.

Tôn trọng trẻ thơ

Cách đây 30 năm tôi có khẩu hiệu mà thời đó ai cũng cười tôi: “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thời bấy giờ những năm 1978 – 1979 mà mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì khó lắm. Nhưng đi học phải vui thì mới học chứ đi học mà đau khổ thì học làm gì?

Trẻ em là một khả năng bỏ ngỏ và nó sẽ hơn mình, do đó phải tạo khả năng cho trẻ con có thể sống thoải mái tự nhiên. Hôm nay nó kém mai nó sẽ giỏi.

Trẻ con rất trong sáng, không vướng bận điều gì. Tôn trọng trẻ thơ là tôn trọng cả tương lại. Hiện nay ở Việt Nam khổ nhất là trẻ con, bị rất nhiều người “bắt nạt”.
 

 

Tôi tôn trọng nhất là ý thích của trẻ con. Tôi cho rằng không nên lấy điểm lấy khen thưởng hay bất cứ điều gì làm hạn chế trẻ. Trẻ con thường ý nghĩ rất lành mạnh, thoải mái còn người lớn cứ theo cách của mình mà nhìn nhận trẻ con, uốn nắn nó theo mình như thế là làm hỏng trẻ con. Hãy cứ để trẻ con tự nhiên sống không cần điểm để gây áp lực.

Những cái chúng ta trông thấy hàng ngày, thấy hàng ngày đó chỉ là một phương án chứ không phải là duy nhất. Nếu chúng ta đem một phương án thành cái duy nhất cái đó gây đau khổ cho đời.

Tôi lấy ví dụ, ở Luân Đôn (Anh), học sinh có học thêm nhưng chỉ thời gian chuẩn bị thi đại học và chỉ những học sinh thi đại học mới học thêm. Ở những lớp học thêm này mỗi thầy chỉ 1 – 2 trò không có đến 4 trò và 65 % học sinh không vào đại học sẽ đi học các ngành khác nên không cần học thêm. Học thêm phải dựa trên cơ sở tự nguyên và có mục đích rõ ràng mới là tốt.

Theo VTC News