Hà Nội: đúng tuyến cũng lo thiếu chỗ học

18/05/2011 03:26
Trong khi đang tìm mọi cách giảm số học sinh trái tuyến trong tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội lại phải đối mặt với tình trạng học sinh đúng tuyến không đủ chỗ học.

Trong khi đang tìm mọi cách giảm số học sinh trái tuyến trong tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội lại phải đối mặt với tình trạng học sinh đúng tuyến không đủ chỗ học.

{iarelatednews articleid='1355,1569,402'}

Ông Nguyễn Duy Long - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Đống Đa, Hà Nội - cho biết khu tập thể Kim Liên sau khi có chung cư mới, số học sinh vào học lớp 1 lên đến 550, cao gấp đôi so với năm học trước. Chỉ tính riêng học sinh trong diện đúng tuyến một cách “quang minh chính đại”, Trường tiểu học Kim Liên trong khu vực đã không kham nổi.

Tương tự, khu vực Nam Thành Công, Q.Đống Đa vừa có thêm hai khu nhà cao gần 30 tầng. Theo điều tra sơ bộ của phường này, số trẻ vào học lớp 1 của phường lên đến 538 trẻ. Với những địa bàn tăng dân cư bất thường như trên, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chấp nhận đề xuất cho phép tuyển thêm, với sĩ số 50 học sinh/lớp (sĩ số quy định là 45 học sinh/lớp). Tuy nhiên, các trường trên vẫn thiếu chỗ cho học sinh đúng tuyến.
 

 

Theo ban giám hiệu Trường tiểu học Nam Thành Công, năm học tới sẽ có gần 100 học sinh đúng tuyến thiếu chỗ học. Ban giám hiệu trường này cho biết tình trạng “tăng học sinh đúng tuyến” đã có từ 1-2 năm trước, nhà trường phải tận dụng cả phòng chức năng để làm phòng học nhưng vẫn không đủ chỗ.

Tại khu đô thị Văn Quán - Hà Đông, theo quy hoạch chỉ có một trường mầm non và một trường tiểu học công lập. Nhưng 1-2 năm gần đây dân cư tăng rất nhanh.

Lãnh đạo các phòng GD-ĐT tại Hà Nội đều than rằng tình trạng học sinh đúng tuyến vào một số trường tiểu học tăng vọt đều nằm trong khu vực nội thành hoặc các khu đô thị mới. Theo ông Đàm Quốc Khánh - phó chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, việc quá tải đầu vào của nhiều trường học có nguyên do từ bất hợp lý trong quy hoạch. Với việc xây dựng đô thị tách rời giáo dục, trước sau cũng dẫn đến những bất hợp lý.

"Nếu giải quyết hết nhu cầu học tập cho những hộ gia đình mới chuyển đến, sĩ số một lớp của những trường mầm non và tiểu học ở đây phải đội lên đến cả trăm học sinh"

Ông Nguyễn Văn Trường (phó chủ tịch UBND quận Hà Đông)

Một nguyên nhân khác khiến học sinh đúng tuyến ở nhiều khu vực tại Hà Nội tăng vọt là việc dễ dàng chuyển hộ khẩu thường trú. Từ nhiều năm qua, hầu hết các khu vực có trường điểm trước mùa tuyển sinh đều có biến động lớn về việc đăng ký hộ khẩu thường trú. Theo bà Cao Thị Bích Lan - phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, đã có tình trạng một diện tích nhà chưa đầy 30m2 nhưng nhập hộ khẩu cho gần chục trẻ với mục đích để nhập học đúng tuyến trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Trường - phó chủ tịch UBND Q.Hà Đông - thừa nhận tình trạng nhiều gia đình tìm cách đăng ký tạm trú cho con vào hộ khẩu người thân, bạn bè để xin học nhưng thực chất không hề đến ở. Việc này khiến người dân địa phương phản ứng rất mạnh vì con em họ phải chấp nhận học tập trong điều kiện chật chội, quá tải.

Để “chống đỡ” với làn sóng chuyển hộ khẩu, nhiều trường đã đặt ra quy định riêng. Cụ thể là không tuyển những học sinh mới chuyển hộ khẩu đến trong vòng một năm.

Tại cuộc họp giao ban về GD-ĐT với lãnh đạo TP Hà Nội mới đây, bà Cao Thị Bích Lan cho rằng trước mắt TP cần có yêu cầu cụ thể với công an các quận huyện, thị xã tăng cường quản lý các hộ dân khi thực hiện Luật cư trú, nhất là vào mùa tuyển sinh.

Về lâu dài, theo lãnh đạo các quận huyện, việc sửa chữa những bất hợp lý trong mạng lưới trường học, việc gắn chặt xây dựng đô thị với xây dựng hệ thống trường học là vấn đề Hà Nội phải đặc biệt quan tâm.

Theo Tuổi Trẻ