Học ngành gì để 4 năm tới không thất nghiệp?

27/04/2011 15:40
Lĩnh vực được xác định cần nhân lực chất lượng cao kế tiếp đó là Tài chính - Ngân hàng. Mục tiêu năm 2015, phải có 100.000 người và tăng thêm 20.000 trong 5 năm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020. Chiến lược xác định những con số cụ thể cho các ngành nghề được cho là cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo tính toán của Chính phủ, hiện nay nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) đang dừng ở con số 180.000 người. Sau 4 năm nữa, con số này phải tăng lên 350.000 người. Và năm 2020, nhân lực chất lượng cao lĩnh vực này cần phải có là 550.000 người.

Kế đến là chỉ tiêu phát triển nhân lực giảng viên các trường ĐH, CĐ. Cụ thể, đến năm 2015 nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này phải đạt mốc 100.000, và đến 2020 phải đạt là 160.000 người.

 

Lĩnh vực được xác định cần nhân lực chất lượng cao kế tiếp đó là Tài chính - Ngân hàng. Mục tiêu đưa ra đến năm 2015, phải có 100.000 người và tăng thêm 20.000 trong 5 năm tiếp theo.

Lĩnh vực Khoa học - Công nghệ đứng thứ tư với chỉ tiêu đến năm 2015 cần có 60.000 người, và đến năm 2020 tăng lên 80.000 người.

Lĩnh vực Y tế - chăm sóc sức khỏe cũng nằm trong "tốp 6" cần nhân lực trình độ cao. Theo đó, đến năm 2015, nhân lực ngành Y phải đạt 70.000 người và đến năm 2020 tăng lên 80.000.

Đáng lưu ý, nhân lực quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế đến năm 2015 là 18.000 người và đến năm 2020 là 20.000 người.

Chiến lược của Chính phủ cũng đề ra đến năm 2015 thì số trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế phải đạt là 5 trường và đến năm 2020 phải có trên 10 trường. Số trường ĐH xuất sắc trình độ quốc tế đến năm 2020 phải đạt trên 4 trường.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 là 55%, đến năm 2020 phải đạt 70%. Tương tự, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề phải đạt 40% (năm 2015) và 55% (năm 2020).

Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 là chiến lược tổng hợp quốc gia để định hướng làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình và đề án phát triển nhân lực của các ngành, chuyên ngành, tổ chức và các địa phương.

Chiến lược cũng nêu những giải pháp đột phá để phát triển và sử dụng nhân lực.

Trong đó nhấn mạnh, mỗi bộ ngành, địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Việc sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực phải dựa vào năng lực thực và kết quả, hiệu quả công việc. Khắc phục tâm lí và hiện tượng quá coi trọng và đề cao "bằng cấp" hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực...

Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, các địa phương và đơn vị, tổ chức (cơ quan, doanh nghiệp...) căn cứ vào chiến lược này tổ chức, xây dựng quy hoạch, đề án phát triển nhân lực thuộc phạm vi quản lí của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020

Chỉ tiêu

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

I. Nâng cao trí lực và kỹ năng lao động

     

1. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)

40,0

55,0

75,0

2.Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề (%)

25,0

40,0

55,0

3. Số sinh viên ĐH, CĐ trên 10.000 dân (sinh viên)

200

300

400

4. Số trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế (trường)

-

5

>10

5. Số trường ĐH xuất sắc trình độ quốc tế (trường)

-

-

>4`

6. Nhân lực có trình độ trong các lĩnh vực đột phá (người)

- Quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế

15.000

18.000

20.000

- Giảng viên ĐH, CĐ

77.500

100.000

160.000

- Khoa học - Công nghệ

40.000

60.000

100.000

- Y tế, chăm sóc sức khỏe

60.000

70.000

80.000

- Tài chính - Ngân hàng

70.000

100.000

120.000

- Công nghệ thông tin

180.000

350.000

550.000

  •  

Theo Vietnamnet