Khối C không "hot": Lỗi tại Bộ GD-ĐT?

07/05/2011 00:15
Các phương tiện truyền thông đại chúng và nhà trường, Bộ GD-ĐT vẫn chưa làm tốt công tác hướng nghiệp và phổ biến các thông tin cần thiết về khối C.

Tôi thấy vấn đề ở đây vẫn là các phương tiện truyền thông đại chúng và nhà trường, cao hơn nữa là Bộ Giáo dục - đào tạo vẫn chưa làm tốt công tác hướng nghiệp và phổ biến các thông tin cần thiết về các ngành học của khối C.

{iarelatednews articleid='1059,903,832'}

Tôi thấy thực tế hiện nay rất nhiều bạn đều nộp hồ sơ đăng ký các ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin. Thậm chí nhiều bạn không có nhận thức hoặc nhận thức rất mơ hồ về ngành học mà mình sẽ chọn, cứ tâm lý "số đông", ai cũng đăng ký nên mình cũng đăng ký, quản trị kinh doanh dễ kiếm được việc làm.

Hậu quả là qua nhiều kỳ tuyển sinh, một số lượng khổng lồ các cử nhân quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin đã tốt nghiệp, hoặc sắp tốt nghiệp, nhưng không có việc làm hoặc làm việc trái với ngành học.

Trong khi đó, nhiều bạn hoàn toàn không hay biết khối C có rất nhiều ngành có thể nói là "hot" như luật thương mại, luật dân sự (Đại học Luật TP.HCM), văn hóa du lịch (Đại học Văn hóa TP.HCM)... những ngành này đang và dần dần khẳng định giá trị và vai trò của mình.

Thu nhập của sinh viên sau khi ra trường trung bình 4-5 triệu đồng là chuyện bình thường. Nếu bạn tốt nghiệp loại khá và có kỹ năng tiếng Anh giao tiếp, sau khi tốt nghiệp có mức thu nhập từ 6 triệu trở lên không phải là quá khó.

Đối với trường luật, hằng năm đều có chính sách giới thiệu các sinh viên giỏi, có trình độ tiếng Anh khá, sắp tốt nghiệp vào làm việc tại các công ty luật nước ngoài. Nhiều bạn khi sắp tốt nghiệp đã đi làm và có thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

 

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tập đoàn lớn tuyển dụng rất nhiều ứng viên có năng lực vào các vị trí chuyên viên pháp chế với mức lương thưởng hấp dẫn. Đối với các bạn tốt nghiệp ngành văn hóa du lịch, cũng có rất nhiều con đường để các bạn chọn, trở thành hướng dẫn viên du lịch hoặc nhân viên điều hành tour với thu nhập trung bình trên 200 USD mỗi tháng, một số bạn đã có thu nhập 500 USD hoặc thậm chí 650 USD. Đó là việc rất bình thường.

Nói như vậy để thấy rõ rất nhiều ngành của khối C đang khát nhân lực và mức thu nhập sau khi ra trường cũng không hề thấp, không phải cứ luật là đi làm cơ quan nhà nước, tòa án, cách suy nghĩ như vậy rất hạn hẹp và chưa hiểu rõ thực tế.

Kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập càng sâu rộng thì các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư càng nhiều, lượng khách quốc tế ngày càng tăng, nhu cầu về tư vấn pháp luật và hướng dẫn du lịch của Việt Nam những năm tới là rất lớn. Nếu đủ tự tin và khả năng, các bạn hoàn toàn có được mức thu nhập trên 10 triệu/ tháng sau khi ra trường.

Tôi dám chắc bạn cầm tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh chung chung đó nộp hồ sơ trên 10 chỗ chưa chắc có nơi gọi bạn phỏng vấn, hoặc nếu có thì là các vị trí thường đăng tuyển quảng cáo như nhân viên kinh doanh nhan nhản khắp mọi nơi. Nếu các bạn từng sống ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM một vài năm thì sẽ hiểu điều tôi nói chẳng có gì là xa lạ.

Bên cạnh đó, những năm gần đây nhiều gia đình có điều kiện đã cho con em mình tham gia các khóa học MBA - thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế hoặc quản trị mạng CCNA, lập trình viên quốc tế Aptech xuất hiện tràn ngập trên các trang báo quảng cáo, nào là đại học của Mỹ, Anh, Úc...

Do vậy, liệu với tấm bằng quản trị kinh doanh hoặc công nghệ thông tin của những sinh viên mới ra trường, các bạn sẽ có bao nhiêu phần trăm kiếm được việc làm nếu không muốn nói là sẽ bị loại ngay từ lúc nộp hồ sơ hoặc nếu có việc làm với mức lương 2-3 triệu đồng. Đó là thực tế hiện nay ngay tại TP.HCM và thiết nghĩ các bạn sinh viên cần cân nhắc kỹ trước khi ồ ạt nộp hồ sơ vào các ngành kinh tế.

Theo Tuổi Trẻ