Lớp học dưới chân cầu tại TP.HCM: Lấy đùi làm bàn!

17/06/2011 00:40
Để đến dạy và duy trì lớp học này, các sinh viên trong nhóm tình nguyện phải vượt qua không ít trở ngại bằng sự kiên trì, nhiệt tình, và lòng yêu trẻ.

 Để đến dạy và duy trì lớp học này, các sinh viên trong nhóm tình nguyện phải vượt qua không ít trở ngại bằng sự kiên trì, nhiệt tình, và lòng yêu trẻ.

Họ đã liên hệ với một ngôi đình gần đó để xin chỗ dạy, còn dụng cụ học tập thì xin từ nhiều nguồn để các em có chỗ học ổn định.

Giữa cái nắng gay gắt, bất chấp bụi bặm, tiếng ồn ào và mùi hôi thối bốc lên từ những bãi rác gần đó, lớp học của những đứa trẻ đường phố vẫn diễn ra dưới chân cầu Ông Lãnh (quận 1, TP.HCM). Đồng hành với những đứa trẻ này là nhóm sinh viên tình nguyện đến từ Câu lạc bộ Mầm Xanh (ĐH Ngân hàng TP.HCM) và khoa Công tác xã hội (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Lớp học không bàn ghế

“Qua quá trình khảo sát tại khu vực cầu Ông Lãnh, thấy địa bàn này có nhiều trẻ hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc nhóm nguy cơ cao: sống lang thang, sống trong gia đình có người nghiện, nhiễm HIV, bị chăn dắt... nên mình và các bạn đã đi tìm từng trẻ vận động các em đi học. Ban đầu, lớp chỉ có vài em nhưng dần dần số trẻ đã tăng lên khoảng 15 em” - Nguyễn Công Hằng, trưởng nhóm tình nguyện, cho biết.

Lúc đầu nhóm xin dạy nhờ ở nhà một người dân phường Cầu Ông Lãnh. Tuy nhiên, vì không chịu nổi tiếng ồn của lũ trẻ, chủ nhân căn nhà thường xuyên tỏ ra khó chịu và không ít lần “mời” cả thầy lẫn trò ra ngoài. Trước tình cảnh đó, nhóm quyết định chia lớp ra làm hai, vài em sẽ học nhờ nhà người dân, còn lại dồn tất cả… ra đường.
 

t
Trà My cùng cô học trò nhỏ cắm cúi với bài tập viết.
Nguyễn Công Hằng đang dạy chữ cho hai đứa trẻ đường phố. “Tuy nghịch ngợm nhưng bù lại chúng rất ham học” - Hằng cho biết.
Nguyễn Công Hằng đang dạy chữ cho hai đứa trẻ đường phố. “Tuy nghịch ngợm nhưng bù lại chúng rất ham học” - Hằng cho biết.
Đùi các tình nguyện viên trở thành bàn học “bất đắc dĩ”.
Đùi các tình nguyện viên trở thành bàn học “bất đắc dĩ”.
Không bàn ghế, không bảng đen, dù trời nắng hay mưa, cả thầy và trò vẫn cặm cụi đánh vật với từng con chữ, từng phép tính ngay trên vỉa hè. Ảnh: KHẮC HUY
Không bàn ghế, không bảng đen, dù trời nắng hay mưa, cả thầy và trò vẫn cặm cụi đánh vật với từng con chữ, từng phép tính ngay trên vỉa hè. Ảnh: KHẮC HUY



Không bàn ghế, không bảng đen, dù trời nắng hay mưa, cả thầy và trò vẫn cặm cụi đánh vật với từng con chữ, từng phép tính ngay trên vỉa hè mà cách đó chỉ vài mét là bãi rác bốc mùi hôi thối với đủ loại phế phẩm, phân gia súc, bơm kim tiêm... Ghế ngồi đơn giản chỉ là chiếc dép, mảnh giấy, thậm chí chính là vỉa hè đầy đất cát. “Trẻ đến lớp hầu như không đem theo sách vở hay dụng cụ học tập dù trước đó đã được phát đầy đủ. Mình và các bạn phải huy động cả giấy thi và sổ ghi chép làm vở viết, rồi lại lấy ba lô kê lên chân làm bàn học cho trẻ” - Trà My, một thành viên của nhóm tình nguyện, cho biết.

Không quên rèn kỹ năng sống

Ngoài việc dạy trẻ biết chữ và biết tính toán, các tình nguyện viên còn chú trọng đến việc trang bị kiến thức xã hội và kỹ năng sống để trẻ có thể thích nghi và có sức đề kháng với môi trường nhiều tệ nạn.

Để trang bị kiến thức về ma túy, HIV/AIDS, nhóm tình nguyện thường tập hợp trẻ lại, dùng hình thức thảo luận để cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc theo từng chuyên đề. Các bài học về vệ sinh trong sinh hoạt, vệ sinh thân thể cũng được đan xen. “Điều kiện sinh hoạt của trẻ tại gia đình rất kém. Có nhà vì chỗ ở chật hẹp nên khu vực phía trên để nấu ăn nhưng ngay bên dưới là chỗ rửa ráy lẫn nhà vệ sinh. Nhiều khi trẻ vừa đi vệ sinh xong, chân tay lấm lem bùn đất, mồ hôi nhưng cứ thế trèo lên nệm ngủ. Những thói quen này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và nhận thức của trẻ” - Hằng cho biết.

Thành Thu Thủy mới đến dạy nhóm trẻ được gần một tháng nhưng chỉ qua một số buổi “cùng lê la vỉa hè”, Thủy đã quyết tâm phải làm được điều gì đó để bù đắp phần nào sự thiệt thòi của chúng. “Ngoài đường rất ồn ào, một số em tiếp thu còn chậm, hay mất tập trung nhưng mình nghĩ đã theo đuổi công việc này thì phải cố theo nó đến cùng”- Thủy nói. Còn Vũ Thị Thu Trang, một thành viên của nhóm, tâm sự: “Mình chỉ mong sao các em có phòng học, ghế ngồi đàng hoàng, có bảng đen để tập viết chữ, rồi tất cả các em sẽ được đến trường để tương lai của các em đổi khác, không phải mãi lang thang trên đường phố”.

Duy trì lớp học bằng mọi cách

Hiện tại, nhóm chỉ có chín thành viên nhưng vì mỗi người còn công việc học tập nên tụi mình cần thêm người hỗ trợ. Tụi mình dự kiến sẽ vận động thêm 10 tình nguyện viên để tăng cường cho lớp học. Mình cũng đã liên hệ với một ngôi đình gần đó để xin chỗ dạy và đi xin dụng cụ học tập để các em có chỗ học ổn định, mưa không phải che, nắng không phải chạy. Bằng mọi cách, tụi mình sẽ cố gắng duy trì lớp học này.

NGUYỄN CÔNG HẰNG, trưởng nhóm tình nguyện

Sẽ hỗ trợ chỗ dạy và dụng cụ học tập

Tôi chỉ vừa được báo cáo về lớp học này. Phường sẽ xuống tận nơi xem tình hình lớp học như thế nào, các em học sinh và các bạn tình nguyện cần gì, căn cứ vào những nhu cầu đó để có phương án hỗ trợ. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ giúp đỡ hết mình, cả về chỗ dạy học cũng như dụng cụ học tập để các em thiếu nhi của địa phương có chỗ học ổn định.

Chúng tôi cũng yêu cầu nhóm tình nguyện cung cấp nội dung dạy học và sinh hoạt để phường nắm. Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng mời các bạn tham gia các hoạt động hè cùng đoàn thanh niên ở phường.

Trước mắt, chúng tôi ủng hộ để nhóm tình nguyện chuyển lớp học về dạy tại đình Nhơn Hòa (đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh - PV) và sẽ đề xuất với lãnh đạo phường hỗ trợ thêm nếu cần thiết.

Ông ĐẶNG TẤN TÀI,
Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, quận 1

Theo Pháp luật TP.HCM