Nhập viện sau thi ĐH chỉ vì... "lời ông thầy bói"

30/07/2011 00:46
(GDVN) - "Kết thúc kỳ thi dành cho khối B, Hương về quê với tâm lý “ông thầy bói nói đúng”.

(GDVN) - "Kết thúc kỳ thi dành cho khối B, Hương về quê với tâm lý “ông thầy bói nói đúng” - Áp lực thi cử vừa đi qua, các thí sinh lại chống chọi với áp lực của điểm thi. Khi sự kỳ vọng của cha mẹ dành cho các em quá lớn càng khiến em thêm trầm cảm, u uất.

Tan giấc mơ vì lời thầy bói phán

Trường hợp của em Tạ Thị Hương (Nam Định) khiến nhiều người không khỏi đau lòng. Vốn là học sinh giỏi từ nhiều năm. Khi đăng ký thi ĐH, Hương đăng ký thi hai trường đại học với hai khối thi là A và B nhưng em tâm đắc nhất là khối A.

Kỳ thi tốt nghiệp em xuất sắc đạt 55 điểm 6 môn. Em còn phơi phới niềm tin vào kỳ thi đại học sắp tới. Bi kịch bắt đầu từ khi mẹ em đi xem bói.
Thầy bói phán “năm nay em không đỗ ĐH, nếu có chăng em chỉ đỗ trường dự bị”. Vừa nghe thấy lời của thầy bói nói, em trở nên lo lắng, mất ăn, mất ngủ. Không chỉ vậy, bố mẹ em luôn nhắc nhở: “thầy đã nói thế thì con phải cố gắng, ôn thêm năm nữa có mà chết tiền của bố mẹ”.

Một bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần vì học hành căng thẳng
Một bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần vì học hành căng thẳng

Từ những suy nghĩ đó, em càng lao đầu vào học, chỉ còn vài ngày nữa em sẽ lên thủ đô dự thi nhưng em thấy trong người mệt mỏi, đau đầu. Khi lên Hà Nội thi, do thời tiết khắc nghiệt và tâm lý bất an nên vào phòng thi cầm đề thi lên mà mắt em cứ trong trong không biết điều gì. Em nghĩ không biết ông thầy kia phán có đúng không?
 
Kết thúc ngày thi, Hương biết chắc mình đã trượt nên em đã khóc rất nhiều. Được bố động viên, em ở lại Hà Nội thi thêm khối B vào trường Đại học Nông Nghiệp I. Vì biết bài thi lần trước đã hỏng nên lần này em căng mình cố làm bài. Nhưng tiếc thay, sự cố gắng của Hương càng khiến em thêm trầm uất. Kết thúc kỳ thi dành cho khối B, Hương về quê với tâm lý “ông thầy bói nói đúng”.

Về đến nhà, em chỉ đóng cửa ở bên trong, không giao lưu với bạn bè, không nói chuyện với bất cứ ai. Mỗi khi có người hỏi em chuyện thi cử, em lại cáu gắt với người ta và quay đi khóc. Trong khi đó, Hương vốn là cô gái ngoan ngoãn, dịu dàng, thùy mị.

Ngày nhận điểm thi, em đau đớn khi biết mình chỉ được 12 điểm cho khối A, 10,5 điểm cho khối B. Mọi người đều hết sức ngỡ ngàng vì sức học của em lẽ ra phải dành được điểm cao hơn thế. Trong khi bạn bè em có những người điểm học kém hơn em họ vẫn ung dung bước vào cổng trường đại học.

Không chịu nổi những áp lực từ phía gia đình, bạn bè, hàng xóm, Hương rơi vào trạng thái u uất. Em khóc rồi lại cười, mỗi khi đến bữa cơm em lại trốn ra sau nhà khóc, thấy người nhà đến bên em lại cười phá lên như không có chuyện gì xảy ra. Quá lo lắng, bố mẹ Hương đã cho con lên bệnh viện khám. Điều khiến bố mẹ em đau lòng nhất là “con của họ đã bị rối loạn tâm thần”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 của Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, em đã điều trị mất hơn 1 tháng trong bệnh viện. Ngày ra viện, em còn đi chào mọi người và hứa năm sau em sẽ cố thi tốt.
 

Khi Bố mẹ là... gánh nặng

Cứ mỗi mùa thi ĐH, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lại thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do thi cử, học hành mang lại.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng không còn ngạc nhiên mỗi khi nhắc đến những trường hợp con, em là học sinh phải điều trị tâm thần trong khoa của ông.

Bác sĩ Dũng không nhớ hết đã có biết bao bệnh nhân nhập viện, ông chỉ nhớ rằng con số ấy cứ tăng dần. Đa số những em phải nhập viện đều là những học sinh giỏi, ưu tú.

Các em đều được gia đình, bố mẹ tạo ra một ánh hào quang quá lớn như: con là niềm vinh hạnh của gia đình, của dòng họ, con tôi là người học giỏi nhất, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời của mình. Khi các em phải căng mình ra học hành và cõng thêm "giấc mơ thần đồng" của cha mẹ, càng khiến các em nghĩ mình phải làm như cha mẹ mong muốn. Khi không làm được điều đó, các em sẽ rơi vào trạng thái u uất, trầm cảm.

Rối loạn tâm thần tuổi vị thành niên có thể điều trị khỏi được nếu bệnh của các em được chẩn đoán sớm và điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần. Về phía các bậc cha mẹ, khi thấy con em mình có những biểu hiện tâm lý không bình thường thì không nên giấu giếm, mặc cảm về những rối loạn tâm thần của con cái mà nên đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần càng sớm càng tốt.

Đây là lúc các em rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của người thân trong gia đình cũng như của các thầy thuốc. Chính sự chăm sóc và điều trị sớm sẽ giúp các em nhanh chóng thoát khỏi những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần.

Lan Chi