Nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng Giáo dục nói tiếp về "khủng hoảng" điểm Sử

03/08/2011 08:51
(GDVN) - Cuộc “khủng hoảng” về điểm Sử của kỳ thi ĐH năm nay đã mở rộng mối quan tâm trong dư luận khắp cả nước. Ngày hôm nay, vấn đề này tiếp tục là điểm nóng

(GDVN) - Cuộc “khủng hoảng” về điểm Sử của kỳ thi ĐH năm nay đã mở rộng mối quan tâm trong dư luận khắp cả nước.  Ngày hôm nay, đây vẫn là chủ đề nóng trên các báo.

Bộ GD&ĐT tiếp thu phản hồi về điểm thi môn Lịch sử thấp  

Đó là nội dung trong công văn phản hồi của Bộ GD &ĐT đăng tải trên báo Văn hóa ngày 3/8.

Tờ báo đưa tin: Theo công văn phản hồi của Bộ GD&ĐT, kết quả nhiều bài thi môn Lịch sử của học sinh đã tốt nghiệp THPT tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay không đạt yêu cầu, thậm chí chỉ được điểm 0 là một thực tế không thể xem nhẹ.

Bộ GD&ĐT tiếp thu những ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với việc dạy - học Lịch sử ở trường phổ thông. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp chỉ đạo khắc phục tình trạng trên, đồng thời sẽ tiếp thu ý kiến công luận qua các hội thảo.

Tiếp đó, Tuần Việt Nam nhận định rằng, trước bao vấn đề còn tranh cãi, nhiều câu hỏi còn dở dang, ngành giáo dục cần người đứng đầu phải có bản lĩnh và thực sự có dấu ấn cá nhân. Dấu ấn ấy chính là thái độ dám chịu trách nhiệm, điềm tĩnh, cẩn trọng nhưng dứt khoát trong xử lý những vấn đề có tính chiến lược của ngành.

Một trường có 100% học sinh chuyên Sử đỗ ĐH

Trong khi xã hội đang "bàng hoàng" với việc điểm thi Sử ĐH 2011 có hàng ngàn điển 0, thì Báo Thể Thao Văn Hóa lại có một thông tin khá mừng: Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), ngôi trường 100% học sinh chuyên Sử đỗ ĐH.

Cô Nguyễn Thị Loan, chủ nhiệm lớp 10 chuyên Sử trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương cho biết: Mất cơ bản mới có chuyện hàng ngàn điểm 0

Với tư cách là một người trong nghề dạy Sử, cô Loan cho biết, cô rất sốc với kết quả điểm Sử ĐH năm nay, dù cô rất tự hào vì 28 học sinh lớp Sử do cô phụ trách năm nay 100% đều đỗ ĐH, phổ điểm của các em đạt từ 7-8 điểm, thậm chí có em được 9, tổng điểm 3 môn khối C các em đạt từ 21-26 điểm.

Lý giải nguyên nhân điểm sử thấp, cô Nguyễn Thị Loan cho rằng không nên đổ lỗi cho đề thi khó, càng không phải lỗi của người dạy vì đó “chưa phải là nhân tố quyết định”.

 

Theo cô Loan: “Cả cách dạy và học hiện nay hẳn còn có vấn đề thì kết quả mới kém, mới đau buồn đến như thế. Cá nhân tôi đánh giá đề thi năm nay có khả năng phân hóa rất tốt. Đề chỉ xoay quanh vấn đề cũ và lặp lại cách hỏi về những sự kiện lịch sử tương tự như cách đây 3 năm đã ra. Với những em không học thì sẽ bị điểm 0 ngay từ đầu. Nhưng nếu đã học và chỉ cần học những kiến thức cơ bản thì sẽ không có chuyện có hàng ngàn điểm 0 như báo chí đã đưa tin.

Nếu học sinh không có, không trang bị được cái “cốt kiến thức cơ bản”, không biết cách “nhận diện” đề thi thì sẽ không làm được bài. Đó là chưa kể nhiều em đến những ngày áp chót rồi mới xác định thi khối C thì lấy đâu ra kiến thức để làm bài?”.

Điểm Sử thấp: Lỗi ở cả hệ thống quản lý

Trao đổi về vấn đề điểm Sử thấp không ngờ trong kỳ thi ĐH vừa qua, PGS-TS Hà Minh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM đã có những lý giải, đăng tải trên Lao động

Ông Hà Minh Hồng cho rằng, đây là lỗi của cả một hệ thống quản lý, từ cách thức thi cử, chỉ tiêu thi đua hằng năm mà sở, phòng giáo dục, các trường của tỉnh, huyện đặt ra và cả sách giáo khoa. Giáo viên, học sinh chỉ là những người thụ hưởng và họ hoàn toàn bị động trong việc dạy và học, là nạn nhân của bệnh chạy theo thành tích trong giáo dục hiện nay. Tình trạng chỉ được cải thiện khi tư tưởng của cả xã hội đối với ban C và các ngành khoa học xã hội thay đổi.

Theo ông Hà Minh Hồng, các môn học đối với học sinh lớp 12 khá bất cập. Thường chỉ có các môn toán, văn, Anh, hóa, lý là được đầu tư kỹ, còn các môn sử, địa thì lại lơ là vì nó thuộc dạng “không biết có thi tốt nghiệp hay không”, chỉ đến tháng 3 khi Bộ GDĐT công bố các môn thi TN chính thức thì lúc đó mới... chạy.
Sách giáo khoa sau khi cải cách vẫn không tạo được hứng thú cho người học, nhiều giáo viên tâm huyết muốn thay đổi nhưng vấn đề kinh phí, thời gian đã “bó cái khôn” của người đi dạy. Sự nhàm chán đã làm cho người ta chán ghét các môn xã hội, trong khi đó từ lớp nhỏ đến lớp lớn vẫn cứ quanh đi quẩn lại học những sự kiện, giai đoạn, chiến dịch lịch sử đó.

Theo ông Hồng: “Đối với những lớp như bậc tiểu học, đầu trung học cơ sở chỉ nên dạy về các giai thoại lịch sử, thần thoại lịch sử nhằm giáo dục tình yêu nước cho học sinh chứ không phải là nhồi nhét những mốc lịch sử, sự kiện nặng tính chính trị trong khi học sinh còn quá bé, trước khi chúng ta làm cho học trò thích sử, chúng ta đã làm chúng sợ lịch sử mất rồi”.

Theo PSG-TS Hà Minh Hồng, chính sự mở trường ào ạt, các ngành KHXH ra đời dễ dàng, sự cạnh tranh về đầu vào không cao, nên chất lượng đào tạo các ngành KHXH ngày càng đi xuống. “Theo tôi, ngoài kỳ thi tuyển sinh 3 chung chỉ cần thi chung 1 khối gồm toán, văn, Anh làm kiến thức nền và là bắt buộc, TS thi thêm một môn thi mà ngành đó cần. Như vậy chúng ta sẽ không quá coi trọng khối nào và không có môn nào bị xem thường, tạo ra sự cân bằng trong việc dạy và học”.

Hải Hà (tổng hợp)

{iarelatednews articleid='9394,9437,9411,9330,9247,9242,9068,8912,8853,8701,7671,6961,1372'}