Nữ sinh thấy tự hào khi "lộ hàng" thay vì... xấu hổ?

12/07/2011 03:19
Hành động này không chỉ đi trái với đạo đức con người mà còn là một sự lệch lạc trong cảm xúc. Thay vì xấu hổ, họ cảm thấy tự hào với bản thân.

Các website, báo chí, truyền thông gần đây rộ lên những cơn sốt về “nữ sinh ăn mặc thiếu vải”, “người nổi tiếng lộ hàng” mà trong đó phần lớn là chủ nhân tự tung ảnh hoặc video lên mạng. Hành động này không chỉ đi trái với đạo đức con người mà còn là một sự lệch lạc trong cảm xúc.

{iarelatednews articleid='6935'}

Nhắc đến đề văn thi Đại học vừa qua: "Biết tự hảo về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn". Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600) từ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên, độc giả Hoàng Ngọc Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã lấy những dẫn chứng "thời sự" cho đề bài: "Biết tự hào về bản thân là điều cần thiết, nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn".

Con người được sinh ra và trải qua đủ các cung bậc tình cảm: hỉ - nộ - ái - ố. Khi thành công trong học tập, trong công việc, niềm vui và hạnh phúc tràn ngập khắp mọi nơi. Lúc đó, chúng ta cảm thấy tự hào về bản thân, và bố mẹ cũng tự hào về chúng ta.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ dẫn tới vinh quang. Chúng ta cũng có lúc vấp ngã, cũng có lúc phải đối mặt với sự thất bại. Và nhiều khi mắc phải những hành động sai lầm.

Sau đó, ta mới nhận ra rằng xấu hổ cũng rất quan trọng. Đó không chỉ là cảm xúc đơn thuần mà còn là một động lực to lớn giúp ta đứng lên và nắm lấy chiến thắng.

Tôi hãnh diện khi là học sinh Trường Hà Nội – Amsterdam. Tôi đã phấn đấu để trở thành một học sinh giỏi. Tôi tự hào là đứa con ngoan. Tôi tự hào về những sở trường của mình.

“Tự hào” khi được trình bày bằng định nghĩa, sẽ là sự hài lòng, niềm hãnh diện về những điều tốt đẹp mình có, và hơn cả vậy. Nếu “hài lòng” khiến con người thỏa mãn với những gì mình có thì “tự hào” mang lại cho chúng ta sự tự tin, hứng khởi, thúc giục ta phấn đấu để vươn tới một tầm cao mới.

Cũng như hai thái cực: tốt và xấu, giỏi và kém, chăm chỉ và lười nhác - tự hào và xấu hổ cũng là hai mặt không thể tách rời trong trạng thái tâm lý của mỗi con người.

Ảnh minh họa: Theo Vietnamnet
 Ảnh minh họa: Theo Vietnamnet

Bực tức, hổ thẹn về bản thân khi mặc lỗi hoặc kém hơn người khác được hiểu là “xấu hổ”. Nhưng trong thực tế cuộc sống, con người thường hay tự hào kiêu hãnh về mình nhiều hơn là xấu hổ về những ý nghĩ hoặc hành vi sai trái của chính mình.
Con người có ý thức tốt, nhân cách tốt luôn biết tránh xa những điều xấu, hướng tới những điều tốt đẹp, thế nên những tính từ tiêu cực phải bị loại trừ, trong đó có cả xấu hổ.

Nhưng thật không công bằng nếu chỉ nhìn cảm xúc đó theo một khía cạnh, mà phải đánh giá nó với con mắt đa chiều. “Xấu hổ” cũng mang nghĩa tích cực. Người biết xấu hổ là người có lòng tự trọng cao, có lòng can đảm đối mặt với sai lầm để thành công.

Các website, báo chí, truyền thông gần đây rộ lên những cơn sốt về “nữ sinh ăn mặc thiếu vải”, “người nổi tiếng lộ hàng” mà trong đó phần lớn là chủ nhân tự tung ảnh hoặc video lên mạng.

Hành động này không chỉ đi trái với đạo đức con người mà còn là một sự lệch lạc trong cảm xúc.

Thay vì xấu hổ, họ cảm thấy tự hào với bản thân, coi đó là một việc đáng được dư luận nhắc tới.

Hay gần hơn là hiện tượng quay cóp bài trong giờ kiểm tra. Sau khi vi phạm quy chế thi, được điểm cao không nhờ sự cố gắng của bản thân, mà vì gian lận, họ vẫn thản nhiên sung sướng và hãnh diện mà không biết rằng đằng sau có bao con mắt đang dè bỉu, coi thường. Tôi tự hỏi: tại sao họ không hổ thẹn với các bạn trong lớp và với chính bản thân mình, họ tự hào vì điều gì? Họ tự hào vì được điểm cao, hay họ đã mất đi lòng tự trọng?

Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta đã đánh rơi mất hai từ “tốt đẹp” trong định nghĩa về sự tự hào và quên mất tầm quan trọng của sự xấu hổ, trong đó có nhiều người đã thành đạt.

Họ hướng tới một niềm kiêu hãnh sai lầm và đánh mất lương tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng khiêm tốn.

Ai đứng sau vụ việc xả chất thải ra sông Thị Vải làm hàng nghìn người dân lao động mất đi nguồn sống? Ai lừa gạt trẻ em và phụ nữ bán ra nước ngoài để kiếm lấy những đồng tiền nhơ bẩn?

Thiết nghĩ, họ đã tê liệt mất dây thần kinh xấu hổ và biến thành kẻ vô cảm, nhẫn tâm trước đồng loại.

Thời nhà Trần, tướng quân Phạm Ngũ Lão lập bao chiến công  vẫn thấy “thẹn” với Vũ Hầu. Nguyễn Khuyến cáo quan về quê, không hợp tác với giặc Pháp vẫn tự hổ thẹn với Đào Tiềm. Có những cái “thẹn” nâng cao phẩm cách con người như vậy đấy. “Tự hào” và “xấu hổ” là những đức tính cần thiết để hoàn thiện nhân cách mỗi con người. Chỉ nhận thức về tầm quan trọng của chúng thôi là chưa đủ, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu và rèn luyện bản thân để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và một xã hội lành mạnh hơn.

Một vài người bạn của tôi đã biết xấu hổ và sửa chữa những lỗi lầm đáng tiếc. Riêng bản thân tôi, chính vì biết xấu hổ nên bây giờ có thể tự hào đã quyết không tham gia những hành vi sai lầm để làm mất đi môi trường thân thiện mà Nhà trường và Thầy Cô đã  dày công vun đắp.

Hoàng Ngọc Anh (Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) - theo Vietnamnet