Phá trường Thịnh Yên xây trạm y tế: Sao lại ưu tiên trạm hơn trường?

11/05/2011 01:05
(GDVN) - Nhà nước có chủ trương xây dựng điện, đường, trường, trạm, trong đó trạm là cái cuối cùng mà bây giờ chính quyền lại phá trường, xây trạm trước?

(GDVN) - Nhà nước có chủ trương xây dựng điện, đường, trường, trạm, trong đó trạm là cái cuối cùng mà bây giờ chính quyền lại phá trường, xây trạm, đuổi con em chúng tôi ra đường thế này ư? - Bác Nghiêm Xuân Trường - ông nội của cháu Nghiêm Tuấn Kiệt phẫn nộ trước sự việc phá trường mầm non Yên Thịnh – phường Láng Thượng, Quận Đống Đa để xây dựng trạm y tế chuẩn Quốc gia.

{iarelatednews articleid='1965'}

Trò bơ vơ, cô mất việc, phụ huynh mếu máo - Đó là tình trạng sắp tới của cô, trò và phụ huynh của các cháu trường mầm non Thịnh Yên – phường Láng Thượng, Quận Đống Đa nếu như UBND quận vẫn giữ ý định thu hồi trường để xây dựng trạm y tế chuẩn Quốc gia.

Con nhà lao động không “đú” được với trường điểm


Trước thông tin lớp học trường mầm non Thịnh Yên (138 đường Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) sẽ bị thu hồi để xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tất cả phụ huynh của các cháu đang theo học ở đây đều bất ngờ và tỏ ra bức xúc.

Đa phần phụ huynh có con em theo học ở đây là công nhân có thu nhập không cao nên họ chưa biết phải xoay xở thế nào trước tình hình này. Gặp gỡ một số phụ huynh có con em trong lớp học này chúng tôi mới biết nỗi bức xúc của họ và những nỗi lo khi con mình sắp “bơ vơ”.

“Nếu như trường bị thu hồi thì chị cũng chả biết phải gửi 2 đứa con ở đâu nữa. Chuyển đến trường mầm non Hoa Hồng và Tuổi Hoa thì xa và… đấy là trường điểm, con nhà lao động làm sao “đú” được hả em? Kiểu này chắc chị đành phải cho cháu nó quanh quẩn quanh cái quán ăn nhỏ của nhà thôi”. Chị Vũ Thị Sự - mẹ của hai cháu Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Minh Nghĩa buồn rầu chia sẻ.

Liệu các cháu trường mầm non Thịnh Yên sẽ đi đâu, về đâu?

Liệu các cháu trường mầm non Thịnh Yên sẽ đi đâu, về đâu?

 Đành mang con đi làm

Éo le hơn cả là gia đình chị Ngọc – phụ huynh của cháu Phúc, là công nhân môi trường lương ba cọc ba đồng, chồng mất từ lâu, mình chị nuôi con vất vả. Giờ đây, không có trường cho cháu học thì: “Hai mẹ con chỉ biết đưa nhau cùng đi làm”. Chị Phúc rơm rớm nước mắt.

Là  một người không có hộ khẩu ở Hà Nội, không được nhà trường sắp xếp cho con sang mầm non Tuổi Hoa hay Hoa Hồng, thuộc diện phải “tự thân vận động” đi xin học, anh Nguyễn Tuấn Đạt, bố của cháu Nguyễn Tuấn Hiệp chỉ buồn rầu chia sẻ: “Nhà có hai ông bà đã ngoài 80, vợ chồng đi làm cả ngày nên gửi con ở đây cho ông bà đưa đón cho tiện. Giờ trường sắp đóng cửa rồi, tôi cũng chẳng biết làm thế nào nữa. Trường tư thì đắt, trường điểm thì quá xa. Kiểu này chắc tôi hoặc vợ phải nghỉ làm để ở nhà trông cháu thôi”.
Đơn kiến nghị của phụ huynh
Nhiều phụ huynh bức xúc, đã cùng nhau viết đơn kiến nghị
gửi lãnh đạo cấp cao

Bác Nguyễn Thung Dung - ông nội của cháu Nguyễn Tiến Đạt – đại diện cho hội phụ huynh của trường bày tỏ suy nghĩ của mình: “Hiện nay phường đã có một trạm y tế vừa mới được nâng cấp và tu bổ hàng đống tiền, trạm y tế này chỉ chuyên tiêm chủng cho các cháu. Ngay đây có bệnh viện Giao thông Vận tải cơ sở 1 và bệnh viện nhi Thụy Điển nên cá nhân tôi thấy việc xây trạm y tế cao cấp là không cần thiết."

“Xây trạm y tế cũng được nhưng phải đảm bảo cho con em chúng tôi được học hành ổn định, như thế chúng tôi mới yên tâm mà làm ăn. Nhà nước có chủ trương xây dựng điện, đường, trường, trạm, trong đó trạm là cái cuối cùng mà bây giờ chính quyền lại làm thế này thì khác gì “Phá trường, xây trạm, đuổi con em ra đường”. Bác Nghiêm Xuân Trường - ông nội của cháu Nghiêm Tuấn Kiệt phẫn nộ khi cho chia sẻ với chúng tôi.

Cô giáo cũng “mất dạy”

Không chỉ có phụ huynh lo lắng về việc phá trường, xây trạm này, nhiều cô giáo trong trường mầm non Thịnh Yên cũng đang "đứng ngồi không yên" khi cái "án" "mất dạy" đang treo trên đầu.

“Những người đã vào biên chế sẽ tự thu xếp công việc cho mình, nếu không tự liên hệ xin việc được thì quận sẽ thu xếp công việc cho. Những người kí hợp đồng với quận thì cũng tự đi liên hệ công việc cho mình, nếu không liên hệ được thì quận sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung – người đã kí hợp đồng với quận cách đây 2 năm cho chúng tôi biết về chỉ thị của trường. Sự lo lắng của chị đã lộ rõ ra ngoài đôi mắt.

Được biết, trường mầm non Thịnh Yên vừa được đầu tư tu bổ năm 2009 và sửa chữa lại đầu năm học vừa rồi. Tại đây, với không gian chưa đầy 300m2 nhưng có đến 51 cháu nhỏ. Theo như dự án xây trường mầm non Thịnh Yên thì trường sẽ được cấp 1 500m2 để xây mới ở vùng đất khác. Tuy nhiên, trường mới chưa thấy thì trường cũ sắp tan.

Theo như một số người dân ở quanh đó cho biết, trường mầm non Thịnh Yên đã có từ cách đây rất lâu đời. Ngôi trường này đã từng dạy hai thế hệ người dân ở đây. Họ thực sự bất ngờ khi được biết trường sẽ bị phá đi, thay vào đó là một trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia.

Thạch Sơn - Quân Trang

{jcomments on}