Sinh viên CNTT hướng nghiệp vùng biên giới

12/03/2013 16:29
Theo VnExpress
30 sinh viên đã truyền kinh nghiệm cho gần 1.000 học sinh ở huyện Bù Đốp, Bình Phước.

Ngày 10/3, 30 sinh viên đang học các trường ĐH và CĐ TP HCM đã cùng nhau đưa thông tin tuyển sinh đến gần 1.000 học sinh huyện vùng biên giới tỉnh Bình Phước.

Những sinh viên này là thành viên của Diễn đàn CNTT Bình Phước (BPIT). Đây là lần thứ 8 chương trình “Hướng nghiệp BPIT” miễn phí được tổ chức tại trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Trong buổi hướng nghiệp, các bạn sinh viên thiệu sơ lược về một số ngành cũng những tố chất cần có để theo nghề. Bên cạnh đó, những sinh viên này còn đưa ra các khối thi ĐH - CĐ và sự thay đổi thứ tự các môn thi của kỳ thi năm nay. Theo đó, thí sinh sẽ không phải làm liên tục hai môn tự luận trong một ngày. Cụ thể, đối với khối C, môn thi đầu tiên sẽ là Địa lý, tiếp theo là Lịch sử, Ngữ văn (thay vì Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Với khối D là Toán, Ngoại ngữ và cuối cùng thi Ngữ văn (các năm trước thứ tự: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ). Khối B cũng có sự điều chỉnh, môn đầu tiên là Toán, tiếp theo thi Sinh học, Hóa học (các năm trước thứ tự: Sinh học, Toán, Hóa học).

Dù sân trường đã có nắng nhưng những thông tin mà BPIT vẫn luôn gây cuốn hút với học sinh vùng
Dù sân trường đã có nắng nhưng những thông tin mà BPIT vẫn luôn gây cuốn hút với học sinh vùng

Cũng trong phần giới thiệu chung, BPIT đã nhắc lại về điểm mới của kỳ thi này với kỳ thi năm ngoái là việc khi trượt nguyện vọng 1, thí sinh sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi để xét nguyện vọng 2 và 3; thay vì một giấy như năm ngoái.

Đây đều là những thông tin mới với học sinh vùng biên như Bù Đốp. Nếu như ở Sài Gòn, thông tin tuyển sinh đến được rất tốt qua các phương tiện thông tin thì học sinh Bù Đốp lại là “mới toanh”. Có nhiều bạnhưa phân biệt được điểm sàn và điểm chuẩn. “Chúng tôi làm chương trình tại đây để đáp ứng nhu cầu này của các bạn, anh Phạm Thanh Phúc, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TP HCM, chia sẻ.

Tiếp sau đó, các bạn được nghe những lời chia sẻ của thạc sỹ Trần Quốc Duy, từng tu nghiệp tại Đại học Queensland (Austrailia ) và là đại sứ du lịch tại tiểu bang này, về cách thức chọn nghề cho phù hợp với bản thân. Thầy đã chỉ ra sự khác nhau giữ niềm đam mê và sở thích. “Các em nên chọn nghề theo đam mê”, thạc sỹ nhấn mạnh, vì đam mê thì nó sẽ tồn tại lâu hơn so với sở thích.

Sau phần chia sẻ của thạc sỹ, chương trình chuyển sang phần Tư vấn chung. Hơn 1.000 học sinh của trường sẽ đặt các câu hỏi gửi đến ban tư vấn là sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP HCM. Những câu trả lời trên sân khấu trong phần này mang tính chất phổ quát được nhiều học sinh quan tâm. Còn những câu trả lời chi tiết sẽ được gửi đến học sinh trong phần Tư vấn riêng. Tư vấn riêng chính là điều kiện để học sinh được hiểu kỹ hơn các những ngành, nghề mà bản thân sẽ theo trong tương lai.

Nguyễn Hoàng Anh Khoa, sinh viên ĐH FPT đang tư vấn về ngành CNTT cho một học sinh nam lớp 12 của trường
Nguyễn Hoàng Anh Khoa, sinh viên ĐH FPT đang tư vấn về ngành CNTT cho một học sinh nam lớp 12 của trường

Bên cạnh việc tư vấn, đơn vị tổ chức cũng trao 4 suất học bổng, trị giá 500.000 đồng mỗi suất, cho học sinh nghèo hiếu học của trường. Sau buổi này, nhiều bạn đã thay đổi tích cực cách nghĩ về lựa chọn nghề nghiệp sau này. “Mình sẽ không theo những ngành “hot” để rồi lại khó kiếm việc mà mình đi theo niềm đam mê của bản thân”, Nguyễn Thị Mai, lớp 12A8, chia sẻ sau chương trình.

“Ngày xưa bản thân không được tư vấn như vậy nên bản thân mình mong chương trình này giúp định hướng được cho các em học sinh chọn đúng ngành, đúng nghề”, bạn Nguyễn Kim Duyên, sinh viên Học viện Hành chính TP HCM.

Tất cả thành viên chụp hình kỷ niệm đánh dấu thành công của chương trình
Tất cả thành viên chụp hình kỷ niệm đánh dấu thành công của chương trình

Để có được chương trình thành công cũng như những phần học bổng cho học sinh, nhóm sinh viên hướng nghiệp đã dành hơn một tháng để xin tài trợ từ các doanh nghiệp.



Theo VnExpress