Tâm sự của Thủ khoa ngành học nổi tiếng có thu nhập thấp

03/08/2011 03:30
(GDVN) - Các ngành xã hội tuy thu nhập thấp nhưng nó lại có vai trò rất to lớn với xã hội. Em có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kĩ năng sống.

(GDVN) - Trong khi ngành Sư phạm đang bị nhiều bạn trẻ... chê, thì tân thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, điều quan trọng không phải là chạy theo xu hướng mà phải hiểu được chính mình muốn cái gì và hợp với cái gì. Các ngành xã hội tuy thu nhập thấp nhưng nó lại có vai trò rất to lớn với xã hội. Em có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kĩ năng sống từ việc học các ngành xã hội này.

{iarelatednews articleid='7136,499'}

Em Đặng Thanh Giang, tân thủ khoa khối D, Đại học Sư Phạm Hà Nội, với tổng điểm 25 điểm, rất khiêm tốn:  "Điểm mà em đạt được còn kém hơn so với rất nhiều các bạn thủ khoa khác nhiều mà!"

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống Sư phạm, ông ngoại em là nhà nghiên cứu lịch sử, bà ngoại là cô giáo dạy Văn, mẹ dạy Văn học-sử Trung Quốc, bố dạy Văn học Nga. Vì vậy, từ nhỏ Đặng Thanh Giang đã “ngấm” thiên hướng xã hội, em thích tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động của trường lớp.

Em cho biết, người có ảnh hưởng đến em nhiều nhất chính là ông ngoại em - nhà nghiên cứu lịch sử Châu Thương (người nghiên cứu lịch sử Phan Bội Châu).

Dành nhiều thời gian cho công tác Đoàn và các hoạt động trong trường, hai năm liền lẹt đẹt ở đội dự tuyển học sinh giỏi Quốc gia mà không vào được, Đặng Thanh Giang, tân thủ khoa khối D, Đại học Sư Phạm Hà Nội từng bị gia đình và bạn bè nhận xét là “ham chơi”.

Giang và các bạn cùng lớp phổ thông
Cô Thủ khoa này từng bị mang tiếng là “ham chơi”

Từng là Phó bí thư Đoàn trường và là Tổng biên tập tờ tạp chí PTCTimes (báo nội san) của trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm nhưng ít ai biết đằng sau cô bé có thân hình mảnh mai ấy đã phải cố gắng hết mình để vừa có thể hoàn thành tốt công việc được giao, vừa đạt được kết quả tốt trong học tập.

Đặng Thanh Giang chia sẻ, vì dành nhiều thời gian cho công tác Đoàn và các hoạt động khác trong trường, không có nhiều thời gian cho học tập nên không ít lần em bị mẹ và bị các bạn nói là “ham chơi”. “Mỗi lần bị mẹ và các bạn nói như vậy, em cảm thấy rất ức chế, nhưng em cũng hiểu là mọi người nói thế vì lo cho em.

Nhiều lần em muốn từ bỏ không tham gia các hoạt động nữa để tập trung cho học tập nhưng không hiểu sao cái sở thích ấy như “ăn sâu” vào người, khiến em không thể nào từ bỏ được. Vì vậy, em chỉ còn biết cố gắng vừa tham gia hoạt động, vừa học tập thật tốt để chứng minh với mọi người và để làm gương cho các em khóa sau”.

Tiếp tục chia sẻ với tôi, Thanh Giang tâm sự, có khoảng thời gian ngày nào em cũng khóc vì phải chịu nhiều áp lực và điểm thấp liên miên, dù đã cố gắng hết mình mà kết quả học tập vẫn kém hơn so với các bạn cùng lớp, hai năm liền lẹt đẹt ở đội dự tuyển học sinh giỏi Quốc gia mà không vào được do không có nhiều thời gian.

Đặng Hương Giang
Đặng Thanh Giang

Trong lúc các bạn ôn thi, làm bài tập hoặc nghỉ ngơi thì em lại phải chạy lăng xăng đi bán báo. Có những đêm phải thức đến 3-4 giờ sáng để làm việc, rồi 7 giờ lại phải có mặt trên lớp học khiến em dường như kiệt sức. Nhưng nhờ sự động viên, an ủi của các bạn trong Đoàn và các bạn cùng làm báo mà em đã tiếp thêm sức mạnh cho em có thể vượt qua.

“Ngày biết tin mình đỗ thủ khoa, em không dám tin vào mắt mình, nhìn vào bảng xếp hạng trên mạng mà cứ sợ mình nhầm, đến khi biết chắc mình đỗ thì em hạnh phúc lắm. Tuy số điểm mà em đạt được còn kém hơn so với rất nhiều các bạn thủ khoa khác nhưng điều quan trọng là em đã chiến thắng được bản thân mình và chứng minh được với mọi người rằng nghị lực sẽ làm nên tất cả…”, Thanh Giang kể lại trong niềm hạnh phúc.

Không lựa chọn cho mình các ngành “hot” theo xu hướng của thời đại để “nhàn” hay có “thu nhập cao”, Thanh Giang quyết định thi vào ngành Văn của Đại học Sư Phạm Hà Nội để có cơ hội tìm hiểu thật sâu về môn học này và các vấn đề xã hội khác.

Thi Nga