Thảm họa môn Sử: Nỗi đau hay điềm mừng?

10/08/2011 00:19
(GDVN) – Thảm họa môn Lịch sử: nỗi đau hay điềm mừng? Tầm quan trọng của việc chấn hưng giáo dục? Những vấn đề còn tồn tại trong việc dạy và học sử hiện nay?

(GDVN) – Thảm họa môn Lịch sử: nỗi đau hay điềm mừng?  Tầm quan trọng của việc chấn hưng giáo dục? Những vấn đề còn tồn tại trong việc dạy và học sử hiện nay? Đó là những vấn đề chính các báo đề cập tới ngày hôm nay.

Trên Đại đoàn kết đăng tải bài viết của Giáo sư. Nguyễn Lân Dũng xung quanh vấn đề thảm họa môn Lịch sử, một trong những vấn đề nóng trong thời gian gần đây.

Gs.Nguyễn Lân Dũng
Gs.Nguyễn Lân Dũng
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng: Lịch sử không phải là khoa học nhàm chán nhưng cũng phải thẳng thắn nhận định rằng ở bậc phổ thông số đông các thày cô giáo dạy môn Lịch sử đã không làm cho học sinh thích thú. Ông cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong việc dạy và học Lịch sử hiện nay.

Chương trình môn Lịch sử chưa thỏa đáng

Lich sử nước ta đã trải qua nhiều nghìn năm. Vậy không có lý gì chương trình môn Lịch sử lại dành quá nhiều thời lượng cho giai đoạn Lịch sử từ sau năm 1930 (đành rằng đó là một giai đoạn cách mạng rất quan trọng). 

Môn Lịch sử thiếu hấp dẫn vì không làm nổi bật được vị thế hào hùng của các vị anh hùng dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Câu chuyện về từng vị anh hùng cần làm nổi bật qua các truyện tranh, truyện lịch sử, các phim lịch sử, phim hoạt hình... để ngấm dần vào lòng dân chúng. Không có lý gì giới trẻ hiện nay thuộc lịch sử Trung Hoa , Hàn Quốc... hơn cả lịch sử nước ta. Các Bảo tàng Lịch sử, Bảo tảng Cách mạng phải đổi mới nội dung để thu hút thường xuyên đông đảo nhân dân đến xem và tham gia các sinh hoạt văn hóa. Vì sao Bảo tàng Dân tộc học sinh sau đẻ muộn mà lại có tấp nập người trong và ngoài nước đến thăm với những cảm tình thích thú ?

Không cứ gì khối C mới cần thi Lịch Sử

Theo GS.Dũng: “ Thiếu gì các ngành học khác như Kinh tế, Ngoại thương, Ngoại giao, Quân đội, Công an... đều rất cần kiến thức Lịch sử khi bước vào công tác (và cả môn Địa lý nữa ) khi bước vào hoạt động thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Thi vào Đại học là kiểm tra trình độ văn hóa, trình độ nhận thức. Tôi không hiểu có bao nhiêu nước trên thế giới chia ra các khối ABCD... như ở nước ta hay không?

 

Quá ít thí sinh thi đại học các nghành khoa học cơ bản: thật nguy hiểm!

Khoa học cơ bản là nền móng của các ngành kinh tế-xã hội của một quốc gia. Chúng ta không cần thật đông sinh viên thi vào các ngành này, nhưng phải là những sinh viên ưu tú. Muốn vậy phải có chính sách đặc biệt cho các ngành khoa học cơ bản. Sinh viên các ngành này được miễn học phí, được học các thầy cô giáo thật sự giỏi giang, khi tốt nghiệp được ưu tiên phân công về các vị trí công tác thích hợp...

Các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản phải được xây dựng tập trung với mưc đầu tư không thua kém ít ra là với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Tại hầu hết các nước, những viện nghiên cứu này đều nằm trong các trường đại học lớn, ta rất nghèo tại sao lại tách rời ra cho lãng phí ?

Chấn hưng giáo dục: Không thể chậm trễ

Sự kiện học sinh có điểm rất thấp khi thi môn Lịch sử không chỉ xảy ra trong năm nay mà đã xảy ra trong nhiều năm qua. Việc chấn hưng giáo dục theo tôi không thể chậm trễ hơn nữa. Điều quan trọng không phải là Sách giáo khoa mà là Chương trình chuẩn quốc gia cho từng môn học. chương trình đó phải không chênh lệch quá nhiều so với tinh thần của chương trình ở các nước có nền giáo dục phát triển (đương nhiên là môn Lịch sử phải coi trọng lịch sử nước nhà). 
    
Hàng nghìn điểm 0 Lịch Sử: Liệu có phải là một nỗi đau?

Đó là vấn đề được đăng tải trên Quân đội nhân dân.  

Tờ báo này khẳng định:  Đó thực sự là một nỗi “đau”! Càng ngẫm, nỗi “đau” ấy càng “đau” khi một đứa trẻ Việt Nam có thể kể vanh vách chuyện công chúa Hoàn châu của vua Càn Long nhưng lại mù tịt chuyện Huyền Trân công chúa của nước Việt. Một bà nội trợ cả đời loanh quanh nơi góc bếp lại hiểu khá nhiều lịch sử các triều đại phong kiến Hàn Quốc…

Tất nhiên, đó có thể chỉ là dã sử được hư cấu phần nhiều bởi các nhà biên kịch. Thế nhưng, ở góc độ nhất định, đó vẫn là lịch sử.

Giờ cũng cứ mong, công chúng Việt hiểu được dã sử Việt như thế đã là mừng rồi!

Hàng nghìn điểm 0 môn Sử: Liệu có phải là điềm mừng?

Tờ Quân đội nhân dân tiếp tục phân tích: Nhìn ở góc độ người Việt với sử Việt, việc có hàng nghìn bài thi môn lịch sử bị điểm 0 là điều khó chấp nhận. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ một kỳ thi, thì lại là điềm mừng!

Mừng bởi lẽ, tình trạng dạy sử, học sử vô cùng thiếu hiệu quả đã tồn tại hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa xảy ra một sự thay đổi đáng kể, thì nay, việc hàng nghìn bài thi môn sử bị điểm 0 sẽ có thể là chất xúc tác quan trọng để tạo ra một cuộc cách mạng trong công cuộc dạy sử, học sử.

Thà “đau” một lần để rồi “mạnh khỏe” còn hơn là để “cơn đau” day dứt mãi!

Hải Hà (tổng hợp)

{iarelatednews articleid='10120,9989,8577,9827,9734,9651,9621,9608,9523,9394,9437,9411,9330,9247,9242'}